Trên thế giới, người hỗ trợ cá nhân (personal assistant) đã là một nghề không còn xa lạ với người khuyết tật (NKT), nhưng ở Việt Nam ngay trong cộng đồng NKT thì nghề PA vẫn còn rất xa lạ, nhiều người không biết đó là nghề gì và họ được lợi gì khi có PA hỗ trợ. Nhân viên PA cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình trợ giúp NKT. Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho phát triển nghề PA tại Việt Nam là một vấn đề không nhỏ cần được quan tâm, nghiên cứu.
Nhu cầu lớn nhưng khả năng sử dụng bị hạn chế
Một lần tham dự hội thảo tại Hà Nội, anh Trần Quang Dũng (Chủ tịch Hội NKT Hà Nam) bất ngờ gặp tình huống trớ trêu, cả 2 chiếc lốp xe lăn bỗng “nở nụ cười tòi săm”. Với NKT chiếc xe lăn là đôi chân, mà chân không đi được, đồng nghĩa là vô vàn bất tiện trong sinh hoạt không thể khắc phục, khi ấy có bạn gợi ý cho Dũng gọi điện cho Duy Tuấn – một bạn PA đã cực quen với cộng đồng NKT tại Hà Nội, Dũng bấm máy và chỉ vài tiếng sau cặp lốp mới tinh được Tuấn mang đến tận phòng hội thảo cho Dũng duyệt, không những thế Tuấn còn nhiệt tình vác chiếc xe lăn không lấy làm gì nhẹ nhõm của Dũng đến cửa hàng chuyên dụng để thay lốp luôn.
Cũng như Dũng, đã có rất nhiều NKT nhờ có PA mà được “bước ra” hòa đồng với xã hội, được đi học, đi làm. Tuy nhiên, không phải NKT nào cũng có điều kiện để có nhân viên hỗ trợ lâu dài.
Bà Nguyễn Hồng Hà (Giám đốc Trung tâm Sống Độc lập Hà Nội) cho biết: Từ năm 2013 được sự hỗ trợ của quỹ Nippon (Nhật Bản) Trung tâm Sống Độc Lập chi trả 100% chi phí cho nhân viên PA để hỗ trợ NKT nặng khi họ có nhu cầu, đến năm 2016 khi ngân sách hỗ trợ giảm, Trung tâm chỉ hỗ trợ được 2/3 chi phí và bây giờ (2019) nguồn kinh phí đã hết thì NKT phải tự trả 100% nếu muốn PA hỗ trợ. Mức kinh phí một giờ làm việc cho nhân viên PA là 27.000 đồng nên cho dù có công việc ổn định cùng với nguồn trợ cấp khuyết tật thì cũng không mấy NKT có khả năng để thuê nhân viên PA liên tục, lâu dài.
Còn nhiều định kiến
Ngọc Hân đã làm PA được gần 7 năm, ít ai nghĩ cô gái bé nhỏ người Hà Nội này lại thể có thể làm được cái nghề PA khá nhiều vất vả, Hân kể “Em đến với nghề PA bắt đầu từ một câu chuyện tình cờ sau khi hỗ trợ một chị khuyết tật nặng đi chợ, nấu cơm. Chứng kiến những rào cản đối với NKT em đã nghĩ nếu có người hỗ trợ, cuộc sống của họ sẽ bớt khó khăn biết nhường nào và họ sẽ còn giúp ích được cho xã hội nhiều hơn nữa, vậy là em đăng ký lớp học PA của Trung tâm Sống độc lập Hà Nội”.
Một ngày của Hân sẽ làm việc trung bình khoảng 7 đến 8 tiếng, có khi nhiều hơn cho 3 hay 4 NKT cần trợ giúp. Ngoài sức khỏe, lòng nhiệt tình, sự đồng cảm, họ có những nguyên tắc làm việc rất bài bản như luôn trao đổi về thời gian hỗ trợ, công việc cụ thể và hơn cả là nguyên tắc “Làm cùng- không làm hộ, không can thiệp vào sự nỗ lực cố gắng của NKT”. “Em học được sự kiên trì, cách nhìn sự việc đầy nhân hậu và cả cách sống tích cực từ các chị là NKT mà em đã được trợ giúp” Hân luôn tự hào nói vậy.
Dù mang lại những tác động tích cực cho cả hai phía đặc biệt là với NKT, nhưng khi nghề PA tại Việt Nam chưa thực sự phổ biến, còn lạ lẫm với nhiều người, nhận thức về nghề này còn hạn chế thì việc một người khoẻ mạnh trợ giúp cho NKT nặng vẫn còn gặp phải nhiều định kiến của xã hội. Kh.H - một nhân viên PA đã từng bị chính NKT mình trợ giúp rêu rao trên mạng xã hội rằng “Kh.H đã lạm dụng tình dục NKT..”. Cho đến khi cộng đồng vào cuộc xác minh, thì nỗi oan của Kh.H mới được giải. Hay như với Hân, vì không ít lần bạn bè thấy Hân “cặp kè” với người chị khuyết tật nên xì xèo “Hết việc để làm hay sao mà chọn việc bưng bô, đẩy xe cho NKT?”, Chắc nó tham tiền hay có vấn đề về giới tính”…. Những khi ấy nếu không đủ kiên nhẫn và lòng nhiệt huyết với nghề, không phải ai cũng có thể vượt qua và tiếp tục.
Phát triển nghề PA – vì một xã hội bình đẳng cho tất cả
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Hà “Hiện nay một số trường như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Công Đoàn, Sư phạm, Học viện thanh niếu niên… đã có chương trình giảng dạy về nghề công tác xã hội với các nội dung về sự kết nối, tư vấn cho cộng đồng dễ bị tổn thương nhưng chưa đào tạo nhân viên PA. Do đó, đội ngũ PA trên toàn quốc rất khan hiếm. Luật NKT Việt Nam có quy định về quyền Sống độc lập, nhưng mức trợ cấp còn rất thấp nên NKT không thể thuê nhân viên PA và PA chưa được coi là nghề có trả lương ngân sách nên việc cung cũng khó đáp ứng cho nhu cầu”.
Để có thể duy trì và phát triển nghề, bản thân những PA phải tự mình kiên nhẫn giải thích và tạo điều kiện cho bạn bè và cả gia đình của mình được tiếp xúc với những NKT mà họ đang hỗ trợ để thấy rằng: Người khuyết tật cũng như những người không có khuyết tật đều là con người, họ có nhu cầu như nhau, năng lực và trí tuệ như nhau nhưng vì khó khăn do dạng tật nên họ cần được giúp đỡ để có cơ hội thể hiện chính mình.
Về lâu dài, trong các hành động ưu tiên đảm bảo quyền của NKT, hoạt động tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa để cộng đồng, xã hội tại Việt Nam hiểu rõ hơn về nghề PA, về nhu cầu và những lợi ích thiết thực của NKT khi sử dụng nhân viên PA trong quá trình hoà nhập xã hội của mình…
Có thể khẳng định rằng “Khuyết tật có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam. Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở (năm 2018) thì Việt Nam có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người là NKT. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người sống chung trong hộ gia đình có NKT. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khẳng định “Chúng ta có thể tránh được khuyết tật, nhưng không ai cưỡng lại tuổi già và khi tuổi già mắt lòa chân chậm, tai nghễnh ngãng.. thì mới hiểu khiếm khuyết là giai đoạn của mỗi đời người”.
Với nhu cầu hết sức rõ ràng và bức thiết ấy, thiết nghĩ ngày 1 tháng 11 chỉ thị 39 CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác NKT” vừa được ban hành, trong đó vẫn đề trợ giúp NKT được nhấn mạnh về tăng mức trợ cấp cũng như thúc đẩy sự tiếp cận cho NKT về mọi mặt, những điều kiện tiên quyết đó chắc đã tính đến nhu cầu của NKT nặng, người già..trong đó có nghề PA cần được phát triển để thực sự không còn ai bị bỏ lại phía sau.