27/11/2020, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp cùng Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Tổ chức Habitat tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển các mô hình trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Toan canh hoi thao

Tham dự Hội thảo có bà Phạm Thị Hải Hà – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng UBQG về người khuyết tật Việt Nam, đại diện các bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Giao Thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, và các tổ chức của và vì người khuyết tật các địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước.

Ba Pham Thi Hai Ha

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác NKT, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật chăm lo, bảo đảm quyền của NKT. Gần đây nhất là Chỉ thị 39 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT đã ghi nhận những công việc cần phải triển khai của các cấp, các ngành cho việc xây dựng cũng như thực hiện các chính sách đối với NKT. Đó là tạo điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận được các dịch vụ về giáo dục, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể thao và xây dựng tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình trợ giúp NKT để họ phát huy năng lực, vươn lên sống độc lập, hòa nhập với xã hội.

Tổng kết 8 năm thực hiện Đề án 1019 về trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, nhiều chính sách hỗ trợ NKT được thực hiện, đã có 95% NKT tiếp cận về dịch vụ Bảo hiểm y tế, giáo dục. Một số chỉ tiêu của Đề án đã hoàn thành. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt như: tiếp cận, tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp, vốn vay ưu đãi… Qua hội thảo này, bà Phạm Thị Hải Hà mong muốn các đại biểu tập trung chia sẻ, thảo luận về các mô hình trợ giúp cho NKT hiệu quả cũng như các rào cản hiện nay trong việc hỗ trợ sinh kế cho NKT… từ đó có những biện pháp khắc phục trong quá trình thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030.

Nhiều mô hình trợ giúp NKT hiệu quả

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều mô hình trợ giúp người khuyết tật hiệu quả như: Mô hình giải pháp nhà tiếp cận cho NKT do Trung tâm Sống độc lập Hà Nội phối hợp cùng tổ chức Habitat thực hiện; Mô hình Phòng chống thiên tai đối với người khuyết tật do Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai; Mô hình Tổ chức xã hội của người khuyết tật phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm phù hợp và ổn định đối với người khuyết tật do Hội Người khuyết tật Hà Nội phối hợp cùng tổ chức Intellife thực hiện; Mô hình sinh kế, việc làm dành cho NKT của Tokyo Life hay mô hình Khởi nghiệp cho thanh niên khuyết tật của Hội Vì sự tiến bộ của NKT tỉnh Quảng Bình….

Tại mô hình giải pháp nhà tiếp cận cho NKT, bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm sống độc lập Hà Nội giới thiệu về những quy chuẩn đối với nhà tiếp cận cho người khuyết tật như: sân, sàn nhà bằng phẳng, lát bằng gạch chống trơn, đặc biệt là sàn nhà tắm, trước cửa nhà không có hoặc ít bậc tam cấp, bậc thềm và cầu thang cũng bằng vật liệu chống trơn, nhà vệ sinh, bồn tắm và bồn vệ sinh yêu cầu phải có tay vịn. Đối với NKT sử dụng xe lăn theo Bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2014, không có bậc trong mọi khu vực của ngôi nhà, cửa nhà phải rộng 70-80cm, nhà tắm rộng đủ để cho xe lăn đi vào và di chuyển theo tiêu chuẩn 1,5m x 1,5m…Với người khiếm thị, người mù dùng gậy dò đường, nếu là nhà chung cư: Tên tòa nhà, sơ đồ nhà ở vừa tầm tay, có chữ nổi hoặc in nổi, có đường dẫn đến cửa thang máy, nút bấm thang máy có chữ nổi, trong thang máy có âm thanh thông báo tầng, cửa đóng, cửa mở, đi lên hay đi xuống, mỗi tầng đều có chữ nổi trên tay vịn cầu thang bộ thông báo số tầng; cột hay bờ tường đều phải vát tròn. Còn với người khiếm thính, sàn nhà phải lát gạch trống trơn, khu vệ sinh được khép kín; xung quanh nhà có chỗ nguy hiểm như hố nước, bờ ao, cần xây bờ tường hoặc rào chắn; các cột tròn hoặc vuông vuốt tròn cạnh; cùng với đó thềm nhà các góc cũng được vuốt tròn.

Tap huan cho NKT bi thuong trong thien tai cua Trung tam Chinh sach va ky thuat phong chong thien tai Bo NN&PTNT

Chia sẻ một số kết quả về mô hình phòng chống thiên tai đối với NKT đại diện Trung tâm Chính sách và Kỹ thuật phòng chống thiên tai (PCTT) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, Trung tâm đã tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu NKT (với các dạng tật khác nhau, đặc biệt là NKT về vận động, bị gù, vẹo cột sống,…) bị thương trong thiên tai cho đội xung kích cấp thôn, xã. Xây dựng công cụ tranh về PCTT do chính các em nhỏ (trẻ khuyết tật) cùng lứa tuổi vẽ cho trẻ em tự kỷ đảm bảo đúng theo lứa tuổi để trẻ có thể đưa ra được câu trả lời nên, không nên làm gì khi thiên tai xảy ra. Cùng với đó, tập huấn sơ cấp cứu cho NKT, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật nuôi con nhỏ (vì nhiều phụ nữ khuyết tật không biết chữa trị những bệnh đơn giản cho con nhỏ, cũng không có đủ tiền để đưa con đến bệnh viện). Đẩy mạnh các lớp tập huấn hòa nhập để giúp NKT có thể phá bỏ rào cản bản thân. Cùng với đó, Trung tâm đã đưa nội dung về NKT vào trong các tài liệu tập huấn, truyền thông cho cấp xã như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình xây dựng và kiện toàn đội xung kích PCTT cấp xã; Lồng ghép nội dung NKT trong các tài liệu về giới, người cao tuổi.

Để định hướng cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, Hội vì sự tiến bộ của NKT tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Hội đã nhân rộng các mô hình thành công bằng phương pháp hỗ trợ đồng cảnh, đó là chính TNKT hỗ trợ TNKT, thúc đẩy các sáng kiến khởi nghiệp thông qua các diễn đàn online, offline, tăng cường hợp tác và huy động hỗ trợ của các tổ chức thanh niên từ Trung ương đến địa phương để hỗ trợ cho TNKT khởi nghiệp, phổ biến rộng rãi các câu chuyện thành công của TNKT khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho TNKT khác, kết nối và giới thiệu TNKT tới các tổ chức trong nước và quốc tế để có sự hỗ trợ kịp thời các ý tưởng khởi nghiệp của TNKT. Đặc biệt, thúc đẩy mô hình dịch vụ cộng đồng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng NKT, kết nối NKT với các cơ sở dạy nghề và cơ sở sản xuất, dịch vụ để tạo việc làm cho NKT, thay đổi tư duy hỗ trợ NKT từ từ thiện sang tự chủ, tạo điều kiện và thúc đẩy NKT tự ra quyết định cho những vấn đề của họ, áp dụng cơ chế đóng góp chi phí trong các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp để tạo tính tự chủ và tính sở hữu, huy động sự tham gia của chính quyền địa phương trong quá trình hỗ trợ để có sự hậu thuẫn và hỗ trợ nguồn lực kịp thời và mọi lúc mọi nơi.

Tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng

Bên cạnh những mô hình hiệu quả đã thực hiện trong thời gian qua, nhiều đại biểu tại hội nghị cũng chỉ ra những khó khăn thách thức và kiến nghị đối với mô hình trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng, thanh niên khuyết tật, đặc biệt là TNKT tại các vùng xa xôi hẻo lánh. Tạo điều kiện để TNKT và NKT tiếp cận nguồn vốn tín dụng… Trong việc PCTT, vấn đề NKT vẫn đang dừng ở mức lồng ghép, chưa xác định là một nội dung quan trọng, được xác định cụ thể trong các văn bản pháp luật về PCTT. Nhận thức của cán bộ làm công tác PCTT còn xem NKT là đối tượng cần trợ giúp mà chưa xác định đúng vai trò và điểm mạnh của NKT để tạo điều kiện, hỗ trợ NKT tham gia trong PCTT đảm bảo tính hòa nhập. Chưa có tài liệu tập huấn lồng ghép NKT trong các hoạt động PCTT; Nhiều tài liệu về PCTT chưa được chuyển đổi sang dạng dễ tiếp cận. Công cụ hỗ trợ NKT, đặc biệt là người mù, người điếc khó khăn dẫn đến hạn chế sự tham gia của đối tượng này trong các hoạt động tập huấn, đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng…

Ba Dinh Thi Thuy

Ghi nhận những ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu, thay mặt UBQG về người khuyết tật Việt Nam bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban đánh giá cao các mô hình và mong muốn sẽ được kết nối, phối hợp để cụ thể hóa, xây dựng các tài liệu để chia sẻ và nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Bà Thụy nhấn mạnh: các mô hình dù hình thức, nội dung, cách thức triển khai có khác nhau nhưng tựu trung lại đều hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho NKT. Bà Thụy đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức, hội, nhóm của NKT và vì NKT tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng những mô hình này... để tạo thêm nhiều cơ hội cho NKT vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Dung

Tin liên quan