Để trẻ khiếm thính học tập tốt trong môi trường hoà nhập đòi hỏi một nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía trẻ mà cả gia đình, đặc biệt là nhà trường, các giáo viên trực tiếp giảng dạy cho trẻ. Do vậy, bên cạnh nhiệt tâm, sự kiên trì, giáo viên cần phải có những hiểu biết nhất định, có phương pháp hỗ trợ phù hợp đối với trẻ.
Chú ý vị trí trong lớp học
Do những khó khăn về nghe, nên để hiểu được những lời nói của người khác, trẻ khiếm thính rất cần sự hỗ trợ thông qua đọc hình miệng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc đọc hình miệng của trẻ khiếm thính trong lớp học, trước tiên là vị trí đứng giảng bài của giáo viên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khiếm thính đọc hình miệng, trong quá trình giảng bài, giáo viên nên đứng hoặc ngồi đối diện với trẻ, chú ý không để sách che miệng khi đọc bài, khi nói, không đi lại trong lúc đang nói. Giáo viên cần thu hút trẻ khiếm thính nhìn về phía mình trước khi nói, ra hiệu cho trẻ biết ai đang nói khi lớp thảo luận để trẻ có thể nhìn đúng hướng và đọc hình miệng thuận lợi hơn.
Bên cạnh vị trí của người nói, ánh sáng trong lớp cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho việc đọc hình miệng của trẻ khiếm thính. Để đảm bảo điều kiện ánh sáng phù hợp cho việc đọc hình miệng của trẻ, giáo viên cần chú ý đến cả độ sáng và vị trí nguồn sáng. Ngoài ra, giáo viên không nên đứng giảng bài ở vị trí mà ánh sáng chiếu từ phía sau, không nên đứng ngược ánh sáng với đèn hoặc cửa sổ, vì ở những vị trí này, khuôn mặt của giáo viên sẽ bị tối và trẻ rất khó để nhìn rõ hình miệng.
Nhu cầu đọc hình miệng của trẻ khiếm thính trong lớp không chỉ là nhìn thấy và đọc hình miệng của giáo viên mà còn cần nhìn thấy các bạn học sinh khác trong lớp, điều đó sẽ giúp trẻ khiếm thính quan sát xem bạn mình thực hiện yêu cầu của giáo viên như thế nào, nhìn thấy cả giáo viên và các bạn cùng một lúc. Do vậy, giáo viên nên cố gắng sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh trong lớp sao cho các em có thể nhìn thấy nhau.
Các nghiên cứu về thính học trong giáo dục trẻ khiếm thính đã chỉ ra rằng, khoảng cách tốt nhất để trẻ khiếm thính nghe được lời nói một cách dễ dàng là trong khoảng 1 mét. Do đó, vị trí thích hợp của trẻ khiếm thính là ngồi gần giáo viên (không xa quá 3m, ánh sáng chiếu đến trẻ từ hai bên, có thể nhìn thấy và nghe giáo viên, các bạn trong lớp nói một cách dễ dàng). Sắp xếp vị trí của trẻ khiếm thính trong lớp học hợp lý cũng có thể tạo điều kiện cho việc hỗ trợ lẫn nhau giữa trẻ khiếm thính và trẻ nghe bình thường khác trong lớp. Trẻ khiếm thính nên được ngồi xen kẽ với các trẻ nghe bình thường vì như vậy các trẻ nghe bình thường trong lớp có thể giúp trẻ hiểu những gì đang diễn ra ở xunh quanh và tìm bài đúng trang, nhắc lại hướng dẫn của giáo viên…
Ngoài ra, ở lớp học hòa nhập, đôi khi có sự xuất hiện của các thành viên khác như giáo viên hỗ trợ, cán bộ công tác xã hội…Sự xuất hiện không thường xuyên của những thành viên khác này có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các học sinh trong lớp. Do đó, giáo viên hỗ trợ hoặc cán bộ công tác xã hội cần được sắp xếp ở những vị trí thuận tiện nhất cho việc hỗ trợ trẻ khiếm thính và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các học sinh khác trong lớp.
Cung cấp thiết bị, đồ dùng hỗ trợ
Phương tiện hỗ trợ về thị giác đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp thu thông tin của trẻ khiếm thính. Những hỗ trợ về thị giác đối với trẻ khiếm thính đó là đồ dùng trực quan như tranh ảnh, mô hình, sơ đồ, vật thật… và một phương tiện hỗ trợ trực quan quan trọng đối với trẻ khiếm thính là cử chỉ điệu bộ. Trẻ khiếm thính rất tinh nhạy trong việc nắm bắt thông tin qua cử chỉ điệu bộ của người nói. Trong ngôn ngữ kí hiệu của trẻ khiếm thính, các kí hiệu sẽ mang ý nghĩa khác nhau nếu thay đổi điệu bộ, nét mặt của người thể hiện. Vì vậy, bất kỳ những cử chỉ, điệu bộ hay hình ảnh minh họa trực quan nào cũng đều hỗ cho học sinh khiếm thính để giúp trẻ hiểu điều giáo viên đang giảng. Điều này cũng có nghĩa là giáo viên cần sử dụng tranh ảnh, sơ đồ, mô hình và vật thật nhiều hơn thông thường để dạy học cho trẻ khiếm thính. Việc chỉ vào các đồ dùng trực quan minh họa cho điều giáo viên đang nói sẽ giúp trẻ khiếm thính hiểu được một cách dễ dàng hơn.
Do ảnh hưởng của tật điếc, phần lớn trẻ khiếm thính khó đạt được mức độ phát triển ngôn ngữ nói như trẻ bình thường, mặt khác ngôn ngữ nói của các em còn bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ kí hiệu. Sự ảnh hưởng phức tạp này đã làm cho trẻ khiếm thính càng gặp khó khăn hơn trong khi giao tiếp và thu nhận thông tin bằng ngôn ngữ nói. Điều này đòi hỏi giáo viên dạy học cho trẻ khiếm thính cần phải thực hiện một số điều chỉnh trong việc sử dụng ngôn ngữ nói và cách nói khi giao tiếp và thiết kế tài liệu viết cho trẻ khiếm thính.
Với trẻ khiếm thính, những câu ngắn gọn và đơn giản sẽ giúp dễ hiểu hơn vì vậy giáo viên nên đơn giản hóa ngôn ngữ nói và nhấn mạnh vào ý trọng tâm của câu nói, nói rõ ràng, truyền cảm. Giáo viên nói với tốc độ vừa phải, tự nhiên sẽ giúp cho học sinh hiểu đúng nội dung đang được trình bày và điều này lại càng có lợi hơn đối với trẻ khiếm thính. Thông thường, lời nói của phần lớn trẻ khiếm thính không được rõ ràng và độ lưu loát không cao, do đó nếu phát âm của trẻ không rõ ràng, thì giáo viên hãy kiên trì dành thời gian nghe xem trẻ đang muốn nói gì và giúp trẻ sử dụng đúng từ để nói và luôn giữ thái độ tích cực, động viên khuyến khích trẻ bởi vì việc học tập trong lớp đối với các trẻ em là rất khó khăn.
Đối với trẻ đeo máy trợ thính, chất lượng âm thanh mà trẻ nghe được phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường. Nếu lớp học của trẻ là nơi rất ồn ào, máy trợ thính sẽ khuyếch đại tất cả những âm thanh đó cùng với lời nói mà trẻ khiếm thính cần nghe. Do vậy, tiếng ồn từ môi trường xung quanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc nghe của trẻ.
Để tạo môi trường nghe thích hợp cho trẻ khiếm thính, giáo viên hãy cố gắng hạn chế tiếng ồn trong lớp bằng các cách như: Sử dụng phòng học ở khu vực yên tĩnh nhất của trường và giảm bớt tiếng ồn trong lớp bằng cách trải thảm, khăn trải bàn khi trẻ chơi, sử dụng đệm cao su cho chân bàn, chân ghế…, việc này có thể giảm bớt đáng kể tiếng ồn trong lớp. Giáo viên cũng nên chú ý đến các đồ vật phát ra âm thanh như ti vi, radio, quạt, đèn chiếu…
Đối với phần lớn trẻ khiếm thính Việt Nam hiện nay, phương tiện hỗ trợ quan trọng cho việc nghe của trẻ khiếm thính chính là máy trợ thính. Nếu trẻ được chỉ định dùng máy trợ thính, giáo viên cần kiểm tra để đảm bảo trẻ đeo máy và máy phải hoạt động. Giáo viên có thể tự đặt ra các câu hỏi để kiểm tra việc sử dụng các máy trợ thính của trẻ: Máy trợ thính đã được bật chưa? Pin còn sử dụng được không hoặc đã được thay mới chưa? Máy trợ thính của trẻ đã được kiểm tra xem đã hoạt động hay không chưa?
Trẻ khiếm thính vốn gặp nhiều khó khăn trong học tập, hoà nhập cuộc sống hơn những trẻ em khác, sự kiên trì, bền bỉ của thầy cô, nhà trường và cả gia đình sẽ góp phần mở cơ hội cho các em học tập tốt hơn, tự tin hơn trong hành trình tiếp nhận tri thức của mình.
Hải Phong