Nam thanh niên dân tộc Thái đầy nghị lực, học thành thạo chữ nổi. Trở về địa phương, anh tích cực truyền đạt kiến thức cho những người không may mắn.

Ở bản Bó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, Lù Văn Dương là một thanh niên dân tộc Thái bị khiếm thị từ nhỏ. Nhưng anh đã quyết tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại để học thành thạo chữ nổi. Trở về địa phương, anh tích cực truyền đạt kiến thức cho những người không may mắn như mình.

Anh Lù Văn Dương.


Người xưa thường nói “ Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, thế mà Lù Văn Dương không may trong một vụ tai nạn đã cướp đi đôi mắt từ lúc còn nhỏ. Tuổi thơ của anh chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà sàn nhỏ, không được tới trường. Năm 2002, khi anh đã 15 tuổi, được chính quyền địa phương và gia đình tạo điều kiện, anh quyết tâm về Hà Nội học trường Nguyễn Đình Chiểu, dù biết sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, trở ngại để hòa nhập với môi trường do quá lứa tuổi, không biết tiếng phổ thông.

“ Ban đầu đi học ở dưới trường thì khó khăn, nhất là trở ngại về ngôn ngữ, thứ 2 về vấn đề tuổi tác. Trường Nguyễn Đình Chiểu là học cùng các bạn mắt sáng, các bạn mắt sáng thì học đúng độ tuổi. Từ chênh lệch về tuổi tác đó mình có cái gì đó mặc cảm và tự ty hơn. Tuy nhiên qua sự rèn luyện phấn đấu của bản thân, cũng như sự nhiệt tình giúp đỡ của thầy, cô bạn bè thì dần dần cũng vượt qua được khó khăn ban đầu và hoà nhập với mọi người”.

Sau 10 năm miệt mài học tập ở trường Nguyễn Đình Chiểu, năm 2012 Lù Văn Dương trở về địa phương tham gia công tác tại Hội người mù tỉnh Sơn La, phụ trách tuyên truyền và tham gia giảng dạy chữ nổi, tin học cho hội viên Hội người mù tỉnh Sơn La.

Để mở ra những lớp học, anh phải cùng cán bộ hội viên về tận các xã, bản trong tỉnh, đến tận nhà vận động người khiếm thị ra lớp. Không ít phụ huynh không cho con em tham gia lớp học với nhiều lý do khác nhau.

Không nản chí, anh kiên trì vận động, giải thích lý do học chữ để người mù có cơ hội vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, thông qua các lớp học do anh Dương, cùng tổ chức Hội và các tổ chức từ thiện mở, hàng trăm người khiếm thị trên địa bàn tỉnh đã được học chữ nổi và tin học.

Chị Hà Thị Thu, dân tộc Mường ở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn cho biết: “Thầy cũng tận tình dạy bảo nên chúng em cũng chăm chú học. Mình phải biết chữ nổi thì mình mới học vi tính được”.

Ông Quàng Văn Tuấn, ở bản Tam, xã Chiềng Đen cũng bị hỏng mắt từ năm lên 6 tuổi. Với sự quan tâm, động viên của thầy Dương, anh đã tham gia tích cực lớp học chữ nổi và đến nay sử dụng thành thạo điện thoại, máy vi tính. Anh có thể cập nhật mọi thông tin trên mạng như mọi người, nhưng khác là máy sẽ đọc cho nghe các thông tin và diễn giải bằng lời nói dành cho người khiếm thị. Anh thấy mình tự tin với bản thân, và thêm ý chí quyết tâm vươn lên.

“Trực tiếp thầy Dương dạy chữ và tin học, thầy nhiệt tình lắm, vì mắt không sáng như nhau. Học chữ nổi khó lắm phải cầm tay sờ, viết từng chữ khó lắm, nhưng không học không biết chữ, không nhắn tin được nên mới cố gắng học”, ông Tuấn nói.

Theo anh Lù Văn Dương, tất cả người khiếm thị ai cũng đều có thể học chữ nổi, thậm chí còn có thể làm được nhiều việc khác như những người bình thường nếu có quyết tâm.

Vì thế, anh tận tình chu đáo, kiên trì dạy từng con chữ nổi cho các hội viên, học viên của mình. Anh cũng dành nhiều thời gian tự mày mò, học hỏi, tích cực tham gia các cuộc thi do Trung ương Hội người mù Việt Nam phát động. Như tại cuộc thi ONKYO 13, năm 2016, cuộc thi dành cho người mù và người khiếm thị từ 14 tuổi trở lên nhằm khuyến khích thói quen đọc, viết chữ Braille, anh đoạt giải xuất sắc Châu Á Thái Bình Dương với đề tài “ Tác động của âm nhạc đối với cuộc sống”. Trong các phong trào văn hoá, văn nghệ của Hội, anh luôn tích cực tham gia và đạt giải cao trong các kỳ liên hoan khu vực và trong nước.

Nghị lực, ý chí vượt qua khó khăn đi tới thành công, anh Dương chỉ mong ước giản dị là mọi người có hoàn cảnh như mình đều có điều kiện được học chữ nổi, học vi tính, tiếp cận với các thông tin, vươn lên.

“Mong các cơ quan, ban, ngành các cấp quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để tổ chức mở lớp học, hội viên mới có điều kiện đi học chữ nổi. Khi học xong chữ nổi các bạn ấy sẽ có cơ hội để đọc sách, đọc báo, được tiếp cận với thông tin để nâng cao trình độ hiểu biết. Qua các lớp học như thế thì học viên là người mù mới có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin và các kiến thức trong xã hội”, anh Dương nói.

Năm 2014, anh Lù Văn Dương vinh dự là một trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu dự hội nghị thanh niên tiêu biểu toàn quốc; được tỉnh Sơn La, Trung ương Hội người mù Việt Nam, Hội khuyến học tỉnh Sơn La tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Anh thật sự là tấm gương người khuyết tật giàu nghị lực ở vùng cao này.

Tin liên quan