Cuối cùng sau bao nhiêu hàn gắn, vun đắp, níu kéo của anh Mạnh không thành thì chị Hà cũng quyết định ly hôn. Bạn bè, họ hàng hai bên đều tiếc cho đôi vợ chồng trẻ, thương cho đứa nhỏ mới 5 tuổi đã không đủ tình cảm của bố mẹ.

Anh Mạnh và chị Hà yêu nhau từ thời mười tám, đôi mươi, hai người cùng nhau lên thành phố kiếm việc, chị thì làm công nhân may, còn anh là công nhân xây dựng. Với số tiền công ít ỏi nhưng đủ trang trải cuộc sống, căn phòng trọ của anh chị luôn đầy ắp tình cảm và tiếng cười hạnh phúc, nhất là khi Khang – con trai đầu lòng ra đời. Nhưng cái ngày Khang tròn 3 tuổi một biến cố xảy ra, là khởi nguồn cho những bất hạnh của gia đình nhỏ. Ở công trường xây dựng, anh Mạnh bị tai nạn lao động nặng khiến hỏng một bên chân và phải nghỉ hẳn nghề xây dựng. Cũng từ đó, gánh nặng cơm áo gạo tiền phần nhiều đè nặng lên vai chị Hà. Dần dần, chị Hà trở lên lạnh nhạt và không dành nhiều thời gian cho gia đình. Có người nói chị Hà có người mới, anh phủi tay không tin nhưng đến giờ thì anh Mạnh tin rồi, anh đành để chị đi.

Tuy nhiên, anh chị vẫn không thống nhất được ai sẽ là người nuôi dưỡng bé Khang sau ly hôn. Ngày ra Tòa, Thẩm phán tuyên bé Khang sẽ được giao cho chị Hà nuôi dưỡng vì có thu nhập ổn định hơn anh mà trái tim anh như chết lặng. Anh tuy không đi làm công ty nhưng anh vẫn nhận đồ điện tử về nhà sửa, thu nhập có không đều nhưng cũng có thể nuôi con. Kể từ ngày Khang mới lọt lòng, anh chăm con là chủ yếu, chị Hà sinh xong thì yếu, được nghỉ mấy tháng là phải quay lại làm, ca kíp sáng tối, nuôi con đều một tay anh gánh vác. Giờ đây, để con cho vợ nuôi anh không yên tâm, công việc đêm hôm thì ai lo cho con, anh viện dẫn mọi lý do nhưng Tòa vẫn xét thấy điều kiện của chị Hà nuôi con tốt hơn. Nhiều người nghe tin lại gật đầu nói nhau: “Bố khuyết tật chân tập tễnh thế kia thì làm sao nuôi nổi con, để cho mẹ nuôi là đúng rồi”. Anh buồn lắm bởi mọi công việc anh đều tự mình làm, không phụ thuộc vào ai.

Sau khi ly hôn, chỉ một thời gian ngắn chị Hà kết hôn với người khác và đưa cháu Khang về bà ngoại nuôi dưỡng. Thế rồi, chị gửi tiền về cho bà ngoại nuôi cháu, tháng có tháng không, vài ba tháng mới về thăm con. Buồn thay, bà ngoại đã ngoài 70 tuổi ngày ngày chăm vườn rau sau nhà hái đi bán kiếm được mấy đồng, hai bà cháu lại rau cháo nuôi nhau. Hàng xóm biết hoàn cảnh của bà khuyên bà gọi điện cho chị Hà rồi chuyển cháu Khang lên thành phố học cho gần mẹ. Nhưng bà lại xua tay: “Mẹ nó còn đang lo gia đình mới, gia đình chồng mới lại không thích con riêng của nó nên mới để thằng Khang ở với tôi”. Tháng nào, anh Mạnh cũng gọi điện về hỏi thăm hai bà cháu nhưng bà cũng không dám kêu một lời vì chị Hà từng dặn bà không được nói gì với anh, bà đành nói đều ổn.

Năm học mới cũng đến, Khang vào lớp 1, tiền mua sách vở, tiền quỹ lớp bà đã báo lên cho mẹ Khang mà không thấy chị Hà gửi về. Khất hết lần này đến lần khác với cô giáo, bà cũng không chạy vạy được ở đâu. May thay, lần đó anh về thăm cháu mới biết tin mà xót xa. Khang vừa nhìn thấy bố đã ôm chầm khóc nức nở, kêu nhớ bố làm anh càng thắt lòng. Hàng tháng anh vẫn đều đặn gửi tiền cho chị Hà và hỏi thăm cháu Khang, chị Hà vẫn nói cháu khỏe mạnh, học hành chăm chỉ. Vừa đúng lúc, anh ký hợp đồng với công ty, giờ đây anh đã tự tin để gửi đơn yêu cầu Tòa thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Hôm ở Tòa anh đã được phổ biến quy định này, nên anh dặn lòng cố gắng kiếm công việc thu nhập ổn định để dành quyền nuôi con. Rồi ngày anh mong nhất cũng đã đến, Tòa đã chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi xem xét điều kiện nuôi con của hai anh chị. Từ nay, anh sẽ đưa con lên thành phố học và ở với mình, hàng ngày hai bố con sẽ có nhau.

************************************

Tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.”

Linh Nguyễn

Theo acdc.vn

Tin liên quan