Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong thời gian vừa qua Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương đã không ngừng đổi mới hoạt động, tích cực tham gia cùng ngành LĐTBXH cải thiện đời sống, nâng cao vị thế của người khuyết tật tại địa phương. Trong đó, nhờ áp dụng mô hình mới trong dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, hoạt động của tỉnh Hội đã góp phần nâng cao chất lượng học nghề, tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật.

Dạy nghề, tạo việc làm là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật vươn lên, hòa nhập.Từ đó, xác định tính cấp thiết cần phải đổi mới cách thức tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo của Sở Lao Động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 7/2019, toàn tỉnh Bình Dương có 18.390 người khuyết tật. Trong đó khuyết tật vận động 7.067 người, khuyết tật nghe và nói 1.426 người, khuyết tật nhìn 2.175 người, khuyết tật thần kinh 4.576 người, khuyết tật trí tuệ 1.458 người, khuyết tật các dạng khác 1.688 người.

Xác định việc học nghề, tìm kiếm việc làm là điều kiện cần thiết để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phương tiện lao động sau học nghề hoàn toàn miễn phí.

Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của các đối tượng tại địa phương, căn cứ văn bản số 459/SLĐTBXH ngày 7/2/2018 của Sở Lao động – TBXH về việc giao tỉnh Hội thực hiện thí điểm dạy nghề theo hình thức thực hành dựa vào cộng đồng, tỉnh Hội không lựa chọn hình thức phổ biến như các địa phương khác là tổ chức lớp học tập trung mà thực hiện hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho từng cá nhân người khuyết tật ngay tại nơi họ sinh sống. Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch tỉnh Hội “Công tác dạy nghề, tạo việc làm tại cộng đồng không tổ chức lớp học có ý nghĩa rất lớn. Người khuyết tật còn khả năng lao động khi được dạy nghề, truyền nghề ngay tại nơi cư trú, họ sẽ chủ động học nghề theo nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, sức khỏe của bản thân. Do đó, nghề nghiệp không bị bó hẹp mà rất đa dạng. Người khuyết tật có thể chọn học nghề sửa xe máy, xe đạp, cắt uốn tóc, may công nghiệp….. Sau học nghề người học được tỉnh Hội hỗ trợ phương tiện lao động như cấp tặng máy may công nghiệp, xe máy ba bánh, dụng cụ sửa xe đạp, xe máy… để họ hành nghề ngay tại gia đình. Do đó, hiệu quả dạy nghề cao, tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật”.

Năm 2018, tỉnh Hội có văn bản số 23/CV-HBT ngày 14/03/2018, chọn Huyện Hội Dầu Tiếng thực hiện thí điểm dạy nghề dựa vào cộng đồng cho lao động nghèo, lao động người khuyết tật còn khả năng lao động mà không tổ chức lớp học. Sau 01 năm triển khai thực hiện, đầu năm 2019 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng tỉnh Hội đã tổ chức họp đánh giá hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất hoàn chỉnh mô hình phù hợp và tiếp tục vận động nguồn lực, triển khai thực hiện cho năm 2019 – 2020.

Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, tỉnh Hội Bình Dương đã hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho 41 người khuyết tật với tổng kinh phí 381,5 triệu đồng. Trong đó, năm 2018 hỗ trợ 3 người học nghề (01 học may công nghiệp, 02 học sửa xe gắn máy) và hỗ trợ 01 máy may công nghiệp trị giá gần 8 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Mạng (xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng). Gia đình chị Mạng thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với chiếc máy may mới, chị Mạng có thể làm việc tại nhà, có thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.

Năm 2019, với kinh phí 150 triệu đồng, tỉnh Hội hỗ trợ dạy nghề cho 17 người (09 người học lái xe, 04 người học cắt uốn tóc, 04 người học sửa xe gắn máy) đồng thời hỗ trợ phương tiện lao động cho 04 người (03 máy may, 01 xe gắn máy ba bánh). Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận động nguồn lực cũng như hoạt động hỗ trợ, nhưng với nguồn lực 190,5 triệu đồng, tỉnh Hội vẫn hỗ trợ dạy nghề cho 21 người (11 người học lái xe, 07 người học cắt uốn tóc, 02 người học sửa xe gắn máy, 01 người học may công nghiệp), hỗ trợ phương tiện lao động cho 03 người (02 máy may công nghiệp, 01 xe honđa 3 bánh).

Ngoài mô hình hỗ trợ học nghề, phương tiện lao động cho người khuyết tật, với ưu thế của địa phương có Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật, hàng năm, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương đều phối hợp với Trung tâm xuống cộng đồng, cùng các huyện, thị, thành Hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền, tuyển sinh người khuyết tật học nghề, ăn ở miễn phí tại Trung tâm. Nhờ đó, hàng trăm người khuyết tật đã có nghề, tham gia lao động sản xuất và có thu nhập, tự tin, tự lập trong cuộc sống.

Hỗ trợ máy may công nghiệp cho chị Nguyễn Thị Mạng (xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng).

Chị Nguyễn Thị Mai (xã Định An, huyện Dầu Tiếng) chia sẻ: Chị bị khuyết tật chân. Đầu năm 2019, chị được Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương hỗ trợ học nghề may gia công túi xách tại cơ sở may gia công ở thị trấn Dầu Tiếng. Sau khi học nghề, chị được cơ sở nhận làm thợ phụ. Hiện mức lương của chị khoảng 4 -5 triệu đồng/tháng. Số tiền này đã giúp chị rất nhiều trong việc trang trang trải sinh hoạt, ổn định cuộc sống. 

Bên cạnh những lợi thế như đi lại gần nơi cư trú, thuận tiện trong ăn ở, sinh hoạt tại gia đình, không phải lo lắng về chi phí đầu tư phương tiện lao động lại có việc làm và thu nhập ngay, mô hình dạy nghề, tạo việc tại cộng đồng cho người khuyết tật còn có điểm sáng là nguồn lực gần 400 triệu đồng đều được vận động, xã hội hóa. Tuy nhiên, đây vừa là thuận lợi, cũng là khó khăn của tỉnh Hội, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. Để tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình này, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh rất mong nhận được sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nước ngoài cùng với Hội hỗ trợ cho người người khuyết tật được học nghề và có phương tiện lao động sau học nghề để họ ổn định cuộc sống, có việc làm và thu nhập lâu dài, bền vững.

Hoàng Dung

Tin liên quan