Từ một việc làm cụ thể giữa mùa dịch Covid

Trong những tháng đầu năm 2020, cả thế giới vất vả đối phó với Đại dịch Covid , công tác của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều hoạt động phải tạm hoãn, tạm dừng, thậm chí phải huỷ bỏ. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn trở ngại rất lớn, hoạt động của Hội trong cả nước đã tiếp tục có những kết quả thật ý nghĩa. Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Trung ương Hội đã đánh giá: Trung ương Hội và các tổ chức thành viên tiếp tục bám sát Kế hoạch hoạt động và các chương trình công tác trọng tâm để vận động và trợ giúp các đối tượng đạt kết quả đáng khích lệ. Các cấp Hội đã vận động được số tiền và hiện vật quy đổi đạt 292 tỷ đồng, hơn 800.000 người được trợ giúp, trong đó có nhiều người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid...

Lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trao xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Thái Nguyên

Trong nỗ lực chung đó, có một vấn đề mà từ vị Chủ tịch Trung ương Hội đến anh chị em công tác ở cơ quan Trung ương Hội đều rất quan tâm, dành thời gian suy nghĩ tìm phương án thích hợp; đó là trong điều kiện khó khăn chung, với yêu cầu rất cao của công tác phòng chống dịch Covid làm thế nào để tổ chức hoạt động mừng Tết Trung thu cho các cháu trẻ khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn… Tháng 5/2020, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (người mới được đề bạt làm Trưởng Ban Bảo trợ Xã hội của Trung ương Hội) có nói với tôi là theo sự vận động của Ban, một số Nhà tài trợ muốn thông qua Trung ương Hội, tặng 50 xe đạp, khoảng 300 suất quà, mỗi suất trị giá 300.000 đồng cho các cháu là trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ý của chị Tú muốn chọn tỉnh Thái Nguyên để thực hiện chương trình này; vì Thái Nguyên là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn, lại là Thủ đô Kháng chiến của Việt Nam trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Tôi thấy chương trình rất hay, ý nghĩa rất lớn nên đã cùng chị Tú báo cáo Thường trực Trung ương Hội và được giao cùng chị Tú làm tham mưu triển khai thực hiện. Với kinh nghiệm của Trung thu 2019, Tạp chí Người Bảo trợ đã cùng một số đối tác tổ chức “Trung thu yêu thương” tại 2 tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, chúng tôi vẫn lấy chủ đề “Trung thu yêu thương” cho hoạt động của năm nay. Ban đầu chúng tôi dự kiến tổ chức một Đêm Trung thu tại Thành phố Thái Nguyên với quy mô 400 thiếu nhi là đối tượng hỗ trợ của Hội, có sự tham dự của nhiều Đại biểu Trung ương, địa phương, các cơ quan báo chí… với chương trình Văn nghệ , có màn múa Lân, có chị Hằng, chú Cuội, có Cỗ Trung thu …để các cháu có một Tết Trung thu vui vẻ, tình cảm. Khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo, các cơ quan chức năng của tỉnh, các đồng chí hết sức quan tâm, có sự phối hợp rất chặt chẽ. Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp có nhiều ý kiến chỉ đạo về thực hiện chương trình. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020, dịch Covid ở Việt Nam lại có dấu hiệu đáng lo ngại khi “ bùng phát” ở Đà Nẵng, Hải Dương, một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Bắc Giang… cũng phát hiện những ca mắc mới. Quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc” cũng như yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo an toàn cho người dân, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đề nghị với Trung ương Hội quyết tâm tổ chức Trung thu 2020 của các cháu, nhưng thu hẹp quy mô ở tỉnh, đưa thêm hoạt động này về các địa phương với hình thức tổ chức gọn nhẹ, an toàn. Lãnh đạo Trung ương Hội hoàn toàn nhất trí với đề nghị này và công việc chuẩn bị cho một “Trung thu yêu thương” tại Thái Nguyên đã được hoàn thiện với mục tiêu đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “kép”: Tổ chức Trung thu của các cháu vui, đầm ấm nhưng cũng đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch cao nhất. Sở dĩ có quyết tâm cao, sự đồng lòng thống nhất vì chúng tôi đều nghĩ rằng hoạt động này là một biểu hiện sinh động của CTXH trong thời điểm khó khăn này.

 

Đại diện Tập đoàn Vingroup trao quà cho trẻ em mồ côi

Đến những yêu cầu chung cho công tác xã hội

Theo định nghĩa chung, công tác xã hội ( CTXH) là một ngành nghề với sứ mạng giúp đỡ, hỗ trợ, chăm sóc những người khó khăn, những người không may mắn trong cộng đồng nhằm giúp họ hòa nhập và có cuộc sống tốt hơn. Những người này có thể là người khuyết tật, người nghèo, những người không có khả năng tự chăm sóc, tự vệ, những  người mắc bệnh nan y, những người là nạn nhân của các biến cố chính trị, xã hội  hoặc thiên tai...Vì vậy những người làm CTXH có thể có mặt ở các Trung tâm bảo trợ xã hội, những vùng bị thiên tai, thảm họa, bên cạnh những gia đình nghèo, những số phận không may mắn...để trợ giúp họ. Từ sự hình dung như vậy, ta có thể quan niệm những người làm CTXH gồm 2 nhóm: Nhóm làm nghề CTXH chuyên nghiệp, chuyên trách và Nhóm không làm nghề CTXH nhưng làm CTXH theo yêu cầu cụ thể tại một thời điểm nhất định( Nhóm không chuyên trách)

Ở Nhóm thứ nhất, những cán bộ, nhân viên làm CTXH thường được đào tạo chuyên ngành về CTXH hoặc những ngành có chuyên môn gần gũi, làm CTXH chuyên trách và hưởng lương, tiền công từ công việc của mình. Tại các doanh nghiệp, họ là người tham mưu, thiết kế và thực hiện việc tổ chức, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động của doanh nghiệp; đồng thời là người kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cộng đồng, với xã hội. Tại các trường học, người làm CTXH giúp Nhà trường trong việc quản lý, xây dựng các Kế hoạch, chính sách...của Nhà trường trong các hoạt động trợ giúp sinh viên, nhất là sinh viên khuyết tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Kết nối Nhà trường với các tổ chức xã hội khác. Tại các Bệnh viện, hoạt động của người làm CTXH nhằm hỗ trợ cho các y, bác sĩ trong việc phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, hỗ trợ chăm sóc người bệnh, góp phần giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận dịch vụ y tế của bệnh viện. Ở các cộng đồng dân cư, người làm CTXH sẽ tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, xử lý ô nhiễm môi trường, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, người neo đơn, sức khỏe sinh sản… Ở các cơ quan  Nhà nước, các Đoàn thể và tổ chức xã hội,các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức phi chính phủ… người làm CTXH có thể là cán bộ quản lý, công chức, viên chức, các chuyên gia hoăc là người làm công ăn lương. Các cán bộ, chuyên gia, người làm chuyên môn, người lao động ở Trung ương Hội như chúng tôi thuộc nhóm này.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Thái Nguyên trong Chương trình Trung thu yêu thương

Ở Nhóm thứ hai( nhóm không chuyên trách), những người làm CTXH có thể vẫn làm những ngành nghề khác, công việc khác nhưng họ vẫn dành thời gian, công sức, tiền của để trợ giúp các đối tượng khó khăn, yếu thế. Họ là nhà báo, là doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ, là công nhân, nông dân, người nội trợ, người lao động  không có hợp đồng, học sinh sinh viên… Quan niệm như vậy sẽ mở rộng đội ngũ những người làm CTXH, nhưng vẫn làm rõ được khái niệm nghề CTXH, từ đó tạo sự huy động tốt hơn mọi nguồn lực xã hội thực hiện các nội dung của CTXH.

Và yêu cầu xây dựng, hoàn chỉnh pháp luật về CTXH , nghề CTXH.

Cho đến nay, chúng ta chưa có văn bản pháp luật chuyên ngành CTXH, các quy định có liên quan ở rải rác một số Luật( Luật người khuyết tật, Luật trẻ em, Luật người cao tuổi…). Theo tổng hợp của Bộ Lao động Thương binh Xã hội thì có 15 Bộ luật, Luật; hơn 50 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư...có nội dung về CTXH. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được quy định rõ ràng, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, người làm CTXH; việc cấp Giấy phép hành nghề; việc cấp, đổi, thu hồi, điều chỉnh giấy phép cũng như điều kiện thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ CTXH… Mặt khác , chưa có quy định của pháp luật về phê duyệt, giám sát, cấp Giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực đòi hỏi phải có chuyên môn sâu về CTXH.Trên thực tế, việc chưa có một Luật riêng về CTXH cũng là nguyên nhân của một số vướng mắc,ví dụ khi sửa đổi Luật xử phạt vi phạm hành chính, Quốc hội đã sửa quy định về việc đưa người nghiện ma tuý vào các cơ sở cai nghiện qua quyết định của Toà án thay cho các quyết định hành chính trước đây. Đây là một bước tiến bộ trong xây dựng một xã hội Thượng tôn pháp luật, đảm bảo tốt hơn quyền con người. Tuy nhiên, khi Luật có hiệu lực thì số lượng người được đưa vào các cơ sở cai nghiện giảm hẳn trong khi số lượng người nghiện ngoài xã hội vẫn tăng, bởi vì việc phải qua một quá trình tư pháp gặp khó khăn đó thiếu sự tham gia của các cán bộ CTXH. Trong khi ở nhiều nước ( Mỹ, Canada,...) quá trình này thực hiện rất nhanh chóng,rõ ràng,hiệu quả vì có sự tham gia của các cán bộ làm CTXH. Họ tham gia phiên tòa với tư cách chuyên môn, ý kiến của họ về tình trạng nghiện hay không nghiện của một người là cơ sở cho phán quyết của Tòa. Vì vậy, đã đến lúc cần có một Luật về CTXH.

Đỗ Mạnh Hùng

Tin liên quan