“Mất mát lớn nhất với chúng tôi không phải tiền bạc mà Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ, đặt ra dấu hỏi lớn cho sự tồn tại của mô hình công ty dành cho người khuyết tật”.

Lê Việt Cường - Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art – doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ thủ công từ lụa Vạn Phúc) đã nói như vậy khi trả lời câu hỏi của tuyến Được và Mất 2021. Cường thở dài: Nếu công ty phá sản, hàng chục người khuyết tật sau 1-5 năm học nghề có thể sẽ vĩnh viễn mất việc làm và không biết nương tựa vào đâu.

Ở Vụn Art có 24 người khuyết tật: Bại liệt, tự kỷ, khuyết tật vận động, thiểu năng…Đại dịch đã đẩy họ thêm một bước nữa đến bờ vực của sự khó khăn cùng cực.

DOANH THU BẰNG 0, CHI PHÍ VẪN 150 TRIỆU MỖI THÁNG

Đại dịch đã ảnh hưởng hầu hết lĩnh vực kinh tế, khiến các doanh nghiệp lớn cũng phải lao đao. Theo anh, 2 năm qua, một doanh nghiệp vừa và nhỏ như Vụn Art đã mất mát những gì?

Ông Lê Việt Cường: Năm 2020, chúng tôi vẫn còn tiền dự trữ. Sang năm nay dòng tiền cạn sạch. Doanh thu bằng 0, trong khi chi phí cố định hàng tháng vẫn đều đều 150 triệu đồng.

Từ tháng 5, chúng tôi nợ bảo hiểm. Đến tháng 8, tôi xoay sở đi vay khắp mọi chỗ anh em, bạn bè để duy trì công ty. Tiền nợ họ đến giờ khoảng 600-700 triệu đồng. Tuy không lớn và bạn bè đều chẳng tính lãi, nhưng thú thực, tôi cũng phải nói thẳng với họ là chưa biết đến ngày nào mới trả hết.

Nếu dịch bệnh còn kéo dài, kinh tế vẫn chưa hồi phục như hiện tại thì có lẽ rất sớm thôi, công ty tôi sẽ phải đóng cửa.

Cảnh cùng cực ở công ty có giám đốc bại liệt và 24 người khuyết tật, thiểu năng, tự kỷ - Ảnh 1.

Ông Lê Việt Cường (bên trái) - GĐ Vụn Art.

Điều gì đã khiến một công ty chuyên về sản phẩm thủ công từ lụa từng có doanh thu hơn 200 triệu đồng/ tháng như các anh lại điêu đứng tới như vậy?

Ông Lê Việt Cường: Sản phẩm của Vụn chủ yếu bán cho doanh nghiệp và các tổ chức. Khi dịch bệnh xảy ra, các sự kiện đều chuyển sang online. Chẳng ai còn có nhu cầu mua sản phẩm của chúng tôi. Hơn nữa, đây là sản phẩm thủ công của người khuyết tật nên giá bán khá cao.

Vụn Art đã xoay sở, tìm cách cá nhân hóa từng món hàng rồi đem bán trên sàn thương mại điện tử trong nước, hoặc nhờ sự giúp đỡ của Bộ Công thương để xuất sang Mỹ, bán trên Amazon…. Nhưng tất cả đều không như kỳ vọng.

Đặc thù của những bạn thiểu năng, tự kỷ là chỉ biết làm việc theo thói quen. Nếu ngừng, họ sẽ quên hết và công ty phải đào tạo lại từ đầu. Vì thế hằng tháng, chúng tôi vẫn phải trả lương cho nhân viên và nhập nguyên liệu cho các bạn làm việc. Số tiền nằm chết ở hàng tồn rất lớn.

Thời gian đào tạo để một người tự kỷ, thiểu năng biết nghề rất lâu, thường khoảng 5 năm. Các bạn có thể tật khác như câm điếc… nhanh nhất cũng mất 1 năm mới thạo. Trong thời gian học nghề, các bạn không làm ra thành phẩm, nhưng chúng tôi vẫn phải lo ăn, ở và trả phí hàng tháng hơn 1 triệu đồng. Cộng dồn trong khoảng 1-5 năm, chi phí đào tạo rất lớn.

Chẳng có một đơn vị, doanh nghiệp nào lại chấp nhận dạy nghề lâu như vậy. Nhưng đặc thù người khuyết tật là thế, chúng tôi phải chấp nhận, bởi mục tiêu của Vụn Art chính là giúp người khuyết tật có công ăn, việc làm.

Nếu đã mất nhiều thời gian học nghề như vậy, nếu Vụn Art thực sự phá sản như lời anh nói thì những người khuyết tật ở đây có thể tự làm việc để kiếm sống được không?

Ông Lê Việt Cường: Ở Vụn Art, mỗi bạn tuỳ theo thể tật sẽ làm một công đoạn phù hợp. Không ai có khả năng làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Trước đây, cách làm đó giúp chúng tôi phát triển tốt, tạo nhiều việc làm cho người khuyết tật. Nhưng dịch bệnh thực sự đã đe dọa đến tính bền vững của mô hình kinh doanh như Vụn Art.

Rất nhiều đêm tôi mất ngủ, trằn trọc tự hỏi: Nếu tình huống xấu nhất xảy ra thì phải làm thế nào? 24 anh chị em khuyết tật ở đây rồi sẽ đi về đâu.

Tôi từng tính chuyển công ty sang bán đồ uống. Tuy nhiên để bắt đầu cần thời gian làm lại. Điều quan trọng, tôi chưa biết có nguồn tiền từ đâu vì 5 năm qua đã dốc hết vốn liếng vào đây.

Hiện mọi con đường phía trước đều bế tắc. Tôi cũng đã nghĩ hết cách và cố gắng hết sức rồi. Tôi vẫn đi làm nơi khác, bỏ tiền vào đây thậm chí vay mượn nuôi công ty. Mong đợi nếu mọi chuyện tiến triển tốt, 3 năm nữa chúng tôi có thể trả hết nợ. Nhưng nhiều lúc vẫn thấy thương và rất lo cho anh chị em, sợ nếu công ty phá sản, họ không có việc làm sẽ lại trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Cảnh cùng cực ở công ty có giám đốc bại liệt và 24 người khuyết tật, thiểu năng, tự kỷ - Ảnh 3.

KHÔNG THỂ VỀ CHỊU TANG CHA VÀ NHỮNG BÀI HỌC QUÝ GIÁ

Hai năm qua, ngoài những căng thẳng vì công việc, về đời tư cá nhân, anh thấy Covid-19 đã làm mình mất mát những gì?

Ông Lê Việt Cường: Đau lòng nhất là vì dịch Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội, tôi không thể về quê Phú Thọ chịu tang cha.

Đến giờ dịch bệnh lui bớt, nhưng tôi vẫn chưa về thăm quê được. Phần vì quy định chống dịch ở Phú Thọ vẫn còn khá gắt. Phần vì tôi còn rất nhiều việc phải lo cho anh chị em trong công ty.

Ngoài những điều tiêu cực, dịch bệnh liệu có đem đến cho anh điều tích cực nào không?

Ông Lê Việt Cường: Mỗi lần nhìn thấy các bạn khuyết tật vẫn miệt mài làm việc, tôi lại có thêm động lực để cố gắng.

May mắn, tôi có nhiều bạn bè tốt giúp đỡ, động viên, đó cũng là điều tích cực giúp mình dần gượng dậy.

Chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ rất tốt từ cộng đồng, chính quyền. Ví dụ như quận ủy Hà Đông, các hội đoàn trên địa bàn phường giúp đỡ nhiều về lương thực thực phẩm trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Cảnh cùng cực ở công ty có giám đốc bại liệt và 24 người khuyết tật, thiểu năng, tự kỷ - Ảnh 4.

Một sản phẩm của Vụn Art.

Bài học quý giá nhất cả trong cuộc sống và kinh doanh mà anh nhận được qua 2 năm đại dịch?

Ông Lê Việt Cường: Về công việc, qua đại dịch, tôi cũng suy nghĩ về những hướng đi mới như chuyển từ bán hàng truyền thống sang online, tận dụng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cá nhân hoá từng sản phẩm…

Tôi cũng phải tính toán lại thu - chi, cơ cấu lại mô hình kinh doanh.

Nhưng có một điều, tôi cũng hy vọng là Chính phủ sẽ có nhiều chính sách tốt hơn, giúp đỡ những công ty siêu nhỏ như Vụn Art vì 2 năm qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào cả. Tôi luôn nói với mọi người: Chúng tôi tuy là người khuyết tật nhưng không bao giờ xin tiền, mà chỉ cần có việc làm, có cơ hội để nâng cao tay nghề.

Về đời sống cá nhân, tôi nghĩ mình chưa bao giờ quan trọng việc phải kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi không thấy có điều gì nuối tiếc hoặc vì dịch bệnh mà mình thay đổi quá nhiều về cách sống, cách nghĩ. Nếu có thì tôi nghĩ đó là việc trân quý, bảo vệ sức khỏe nhiều hơn trước.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!

Theo soha.vn

Tin liên quan