Đối với trẻ khiếm thính, để khắc phục những khó khăn do khiếm khuyết , việc đeo máy trợ thính sớm, phù hợp và thường xuyên là một biện pháp mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, với mức giá từ vài triệu cho hàng chục triệu một chiếc máy thì không phải gia đình nào cũng có thể đầu tư cho con mình, đặc biệt là những gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ máy trợ thính của Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính ra đời đã giúp nhiều trẻ em khiếm thính có cơ hội được nghe nói, nắm bắt thông tin và cải thiện tình trạng khuyết tật của mình, tự tin hơn trong học tập, hòa nhập cộng đồng.

Máy trợ thính - Phương tiện hỗ trợ quan trọng với trẻ khiếm thính

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu độ mất thính lực trung bình từ 50dB trở lên, hoặc nói theo một cách khác khi trẻ không nghe được trọn vẹn câu nói (nói chuyện bình thường) trong phạm vi khoảng cách 1m được coi là trẻ khiếm thính.

Dù là học hòa nhập hay chuyên biệt, trong học tập hay hòa nhập cộng đồng, do hạn chế về khả năng nghe nói cùng những yếu tố khách quan khác (cô nói nhanh, bạn bè không để ý, môi trường ồn ào…) trẻ khiếm thính vẫn gặp những khó khăn nhất định khi tiếp nhận thông tin. Những lúc này, máy trợ thính có ý nghĩa đặc biệt, là phương tiện quan trọng hỗ trợ trẻ tiếp nhận thông tin trong giao tiếp cũng như quá trình học nghe nói.

Tại Việt Nam, để có được máy trợ thính là một khó khăn cho gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình. Giá một máy trợ thính từ 8,5 triệu cho tới trên 160 triệu đồng, trong khi, tuổi thọ của máy, nếu xét theo điều kiện đạt chuẩn về năng suất, chỉ khoảng 5 năm. Điều này cho thấy, ngoài những vấn đề về tâm lý, phụ huynh phải chịu một gánh nặng rất lớn về kinh tế khi có một đứa con khiếm thính. Chính vì vậy, việc có một quỹ hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ nghèo mang nhiều ý nghĩa nhân văn, là niềm hy vọng của những gia đình mong các bé khiếm thính sẽ nghe và nói được. Bởi “Nói” là một trong những chức năng tạo hóa ban cho con người và trẻ em xứng đáng có được tuổi thơ trọn vẹn tràn ngập âm thanh, tiếng nói của mẹ cha.

Quỹ máy trợ thính của CED

Là tổ chức xã hội đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm hiện tại) do người khiếm thính thành lập và chuyên phục vụ người khiếm thính tại Việt Nam, ngoài các hoạt động hỗ trợ về giáo dục, từ năm 2012, Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (gọi tắt là CED) đã thành lập Quỹ máy trợ thính. Quỹ ra đời nhằm đáp ứng được mong ước tìm lại âm thanh cho trẻ nghèo của nhiều gia đình tại Việt Nam. Quỹ hoạt động với sự hỗ trợ máy từ nhiều tổ chức như Quỹ Toàn cầu cho trẻ khiếm thính (Global Foundation for Children with Hearing Loss), Mỹ; Trung tâm Hear & Say (Úc); Lion German Foundation (Đức); nhiều mạnh thường quân khác  và được hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Dịch vụ Trợ thính Quang Đức.

Khi tham gia quỹ máy trợ thính, trẻ khiếm thính và gia đình sẽ được giới thiệu đo thính lực, được theo dõi và tư vấn thường xuyên để giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, được tham gia các khóa tập huấn, buổi hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề do CED tổ chức. Trẻ khiếm thính và gia đình trẻ cũng cần cam kết với CED việc sử dụng máy đúng mục đích và bảo trì máy như được hướng dẫn, dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để giao tiếp với trẻ và sẵn sàng cho chuyên gia của CED biết thông tin những buổi nói chuyện này, tạo điều kiện cho trẻ được học can thiệp sớm ít nhất 1 lần/tuần…

Theo bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc - người sáng lập Quỹ: Mỗi trẻ khiếm thính có nhu cầu sẽ được tài trợ máy 1 lần, thường sẽ dùng được khoảng 4-5 năm. Trường hợp máy hỏng do lỗi kỹ thuật khi thời gian dùng dưới 1 năm Trung tâm sẽ đổi cho gia đình trẻ một máy mới. Ngoài ra, với những trường hợp đặc biệt như học sinh của CED; sinh viên đại học, cao đẳng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; người khiếm thính trưởng thành là nhân viên công tác xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng; người khiếm thính là trụ cột trong gia đình nghèo... Trung tâm vẫn ưu tiên dành tặng máy. Tính từ năm 2012 đến hết tháng 8/2020, Quỹ đã tặng 853 máy trợ thính (298 nam, 242 nữ). Mỗi máy CED hỗ trợ có giá khoảng 2.000 đô la Úc. Dù chưa phải loại xuất sắc nhưng với mức độ trung bình, máy vẫn hoạt động khá tốt và đáp ứng nhu cầu của đa số trẻ khiếm thính tại Việt Nam.

Những năm trước, việc trao tặng máy trợ thính của Trung tâm hoàn toàn miễn phí dù là 1 máy hay 1 cặp máy. Nhưng một vài năm gần đây, Trung tâm có yêu cầu gia đình trẻ khi nhận máy sẽ đóng góp vào Quỹ máy trợ thính một khoản nhỏ (50.000 - 100.000 đồng/máy) để tạo nguồn phát triển Quỹ sau này. Nếu như trước đây, CED tặng 2 máy trợ thính/trẻ, bây giờ CED chỉ tặng 1 máy/trẻ và gia đình mua máy còn lại. Đây là cơ hội để gia đình thể hiện trách nhiệm đối với trẻ, đồng thời tránh sự trông chờ, ỷ lại của gia đình. Tuy nhiên, với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: gia đình có trên 1 người khuyết tật; trẻ môi côi; trẻ có cha hoặc mẹ cũng khiếm thính; trẻ có cha hoặc mẹ bệnh; … CED tặng 2 máy trợ thính/trẻ cũng như xét miễn đóng góp quỹ. Việc linh hoạt xem xét hoàn cảnh gia đình trẻ để trao tặng máy, giúp CED hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh và không để trẻ nào bị bỏ lại phía sau.

Không kỳ vọng có thể cải thiện hoàn toàn khả năng nghe nói của trẻ khiếm thính, nhưng những nỗ lực của CED trong việc trao tặng máy trợ thính đã hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ rất nhiều về mặt kinh tế, nhận thức, sự hòa nhập. ĐHLQ (2005) là một ví dụ. Năm 2013 em đến với Trung tâm trong tình trạng không nghe nói được gì. Khi thấy các bạn nói chuyện, em chỉ biết ngồi khóc một mình. Gia đình Q thuộc diện khó khăn nên được Trung tâm tặng 1 cặp máy trợ thính. Nhưng do bị điếc sâu, nên tình trạng nghe của em có cải thiện chút ít nhưng em vẫn không nói được. Sau 1 năm, Trung tâm đổi cho em một cặp máy khác tốt hơn, em bắt đầu nghe nói và nhận thức có cải thiện và tốt dần lên. Đến nay, em đã tự tin trong học tập và hòa nhập, còn là một cầu thủ xuất sắc trong đội bóng đá của phường.

Với MAL (2011) do mất thính lực rất sâu từ lúc 4 tuổi em được học can thiệp sớm tại CED và được tặng 1 cặp máy. Tuy nhiên, cứ đeo vào là em tháo ra nên không có hiệu quả. Sau đó, CED đổi cho em 1 cặp máy khác phù hợp hơn. Lúc này, em không bỏ ra nữa mà còn tự giác đeo vào khi ai đó lấy máy ra khỏi tai em. Đến nay, sau một thời gian kiên trì, với sự hỗ trợ của máy trợ thính, và sự tận tâm của các cô trong Trung tâm, em đã nói chuyện được (dù chưa thật lưu loát), tự tin, tự lập hơn trong sinh hoạt và học tập.

Q và L chỉ là 2 trong hàng trăm trẻ khiếm thính sau khi nhận sự hỗ trợ từ Quỹ máy trợ thính của CED đã có những thay đổi tích cực. Mong rằng, hoạt động của Quỹ sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy để có thêm nhiều trẻ khiếm thính khác có cơ hội cải thiện tình trạng khuyết tật và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Dung

 

 

 

 

Tin liên quan