Theo những người đang nỗ lực hết mình để dạy tin học cho người mù thì “Công nghệ là ánh sáng cho tương lai của người mù”. Bởi người mù học được công nghệ có thể tiếp cận được kho tri thức không giới hạn trên internet để học tập, làm việc và làm chủ cuộc sống.

Dạy tin học cho người mù

Cô Nguyễn Thị Xuyến đã gần 60 và bị mù nhiều năm nay cười sảng khoái kể về cái lần đòi chồng mua cho mình điện thoại thông minh (smartphone): “Ổng ngạc nhiên bảo: “Ơ, em mù mà sao dùng smartphone được?”. Tôi mới cười nói: Ối anh ơi, máy vi tính em còn biết dùng chứ nói gì đến smartphone!”.

Đó là thành quả sau 3 tháng cô Xuyến học được từ lớp “Dạy tin học cho người mù” tại Thư viện Sách nói TPHCM. Nhờ đó, giờ đây cô Xuyến đã có thể sử dụng chiếc máy vi tính được thiết kế riêng cho người mù để tiếp cận thế giới tri thức phong phú từ không gian mạng mà không bó hẹp trong phạm vi những nội dung đã được chuyển tải thành sách nói hay sách chữ nổi vốn rất ít ỏi.

Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 1
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 2
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 3

Ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Quỹ từ thiện Sách nói dành cho người mù, chia sẻ: “Dự án Dạy tin học cho người mù được Thư viện sách nói triển khai từ năm 2018 với sự hỗ trợ của Microsoft Việt Nam. Tại dự án, chúng tôi hướng dẫn người mù các kỹ năng căn bản để có thể sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh…”.

Thầy Nguyễn Đình Ân, một người mù và cũng là một trong những giáo viên đứng lớp tại dự án cho biết thêm: “Các kiến thức chúng tôi giản dạy chủ yếu chỉ là kiến thức căn bản nhưng thực tế để ứng dụng vào cuộc sống như cách khai thác kho tàng kiến thức, học tập và giải trí trên internet; mua sắm trên các trang bán hàng trực tuyến, đặt xe qua các ứng dụng gọi xe công nghệ… Nhờ đó mà người mù có thể học được nhiều kiến thức hơn, sinh hoạt thuận tiện hơn”.

Ông Lê Quốc Ân kể về những học viên mà ông ấn tượng trong 2 năm dự án hoạt động: “Có anh Dũng không chỉ mù mắt mà còn mù chữ. Nhưng nhờ được học lớp học này mà anh có thể sử dụng máy tính, điện thoại để học thêm kiến thức, giải trí vì nó có phần mềm đọc cho anh nghe. Hay có bác Thiệp nay đã 84 tuổi rồi nhưng vẫn nhất quyết xin được học tin học để có thể dùng máy tính, điện thoại học hỏi thêm…”.

Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 4
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 5
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 6

“Bản thân tôi cũng là người mù nên tôi hiểu người mù khao khát được học tin học, tiếp cận công nghệ và mạng internet để ứng dụng trong đời sống. Chỉ những kiến thức căn bản thôi họ có thể gửi email, liên lạc với nhau, làm facebook, nghe nhạc, tìm kiếm thông tin trên mạng, vào youtube học hỏi các việc mình muốn tìm hiểu… Việc gây trở ngại nhất cho người mù là đi lại cũng khắc phục dễ dàng nhờ ứng dụng gọi xe công nghệ mà chỉ cần biết tin học là họ làm được”, thầy Nguyễn Đình Ân chia sẻ.

Giấc mơ “xóa mù” công nghệ cho người mù

Trước lợi ích quá lớn của công nghệ sau khi triển khai chương trình, những người làm dự án đều hiểu “Công nghệ là ánh sáng cho tương lai của người mù”. Bởi người mù học được công nghệ có thể tiếp cận được kho tri thức không giới hạn trên internet để học tập, làm việc và làm chủ cuộc sống.

Thế nhưng, sau 2 năm hoạt động và đào tạo cho hơn 200 học viên trong khi cả nước có cả triệu người mù, Thư viện Sách nói lo lắng vì hết tài trợ thì chương trình phải dừng. Nhưng rất may là Thư viện đã tìm 1 được 1 quỹ từ thiện của doanh nghiệp có cùng ý tưởng này, được quỹ hỗ trợ xây dựng Trung tâm Hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù. Ngày 19/9, Thư viện Sách nói đã chính thức cho ra mắt Trung tâm này tại TPHCM.

Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 7
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 8
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 9
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 10
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 11

Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, đại diện Trung tâm Hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù, mục tiêu của trung tâm trong 2 năm tới là đào tạo tin học cho 2.000 người mù qua 240 lớp học. Từ 2.000 học viên ban đầu này, họ sẽ trở thành giảng viên để mở rộng lớp học ra khắp các tỉnh thành để đào tạo cho nhiều người mù hơn.

Để làm được điều này, mỗi học viên ban đầu sẽ được trung tâm tài trợ 1 chiếc máy tính dành riêng cho người mù. Dù chiếc máy này đã được đơn vị tài trợ nghiên cứu và sản xuất nên giảm giá thành từ 300 USD/máy xuống còn 100 USD/máy nhưng để trang bị cho 2.000 học viên cũng cần 1 khoản kinh phí không nhỏ.

Bà Uyên Vy cho biết: “Dự kiến chương trình 2 năm này cần khoản chi phí là 10 tỷ đồng. Hiện ngoài đơn vị hỗ trợ thành lập trung tâm đã tài trợ khoản kinh phí hoạt động ban đầu thì trung tâm vẫn đang kêu gọi cộng đồng đóng góp cho chương trình để đạt mục tiêu đào tạo tin học cho 2.000 người mù trong 2 năm tới”.

Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 12
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 13
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 14
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 15
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 16
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 17
Giúp người mù “thoát mù” kiến thức bằng công nghệ - 18

Mục tiêu lớn nhất của những người đang nỗ lực thực hiện chương trình là từ nguồn 2.000 học viên ban đầu này sẽ trở về các tỉnh thành mà họ sinh sống để tổ chức thành các câu lạc bộ công nghệ cho người mù ở mỗi tỉnh thành. Từ đó, các câu lạc bộ sẽ tổ chức các lớp học online và offline để đào tạo cho nhiều người mù hơn, đào tạo chuyên sâu nhiều kỹ năng tin học hơn cho người mù… Sau đó, từ cơ sở này các Trung tâm Hỗ trợ và phát triển công nghệ cho người mù sẽ được thành lập trên cả nước, lan từ cấp tỉnh xuống cấp huyện và hiện thức hóa giấc mơ “xóa mù” công nghệ cho người mù.

Bài: Tùng Nguyên

Ảnh: Thư viện Sách nói

Tin liên quan