Khi cánh tay nhỏ xíu của Mấu Quốc Sa giơ lên giữa hội trường cùng giọng nói hăm hở "Con theo thầy đi học", tất cả ngỡ ngàng, không ai nghĩ cậu mạnh dạn thế.

Trong số 21 trẻ mồ côi vì Covid-19 đang ngồi trong hội trường của trường nội trú Hy vọng, Sa (7 tuổi) là cậu bé nhỏ nhất, giơ tay sớm nhất. Thầy Hoàng Quốc Quyền, giám đốc dự án trường Hy vọng đến gần, cậu ngập ngừng một lúc mới mở lời nói chuyện và câu tiếp theo vẫn là "Con theo thầy đi học", rành mạch, dứt khoát.

Mấu Quốc Sa vẫy tay chào và hẹn sớm gặp lại các thầy cô của trường Hy Vọng, trong chuyến thăm nhà Sa ở thôn CôLắk, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh hòa đầu tháng 4/2023. Ảnh: Minh Châu

Mấu Quốc Sa vẫy tay chào và hẹn sớm gặp lại các thầy cô của trường Hy Vọng, trong chuyến thăm nhà Sa ở thôn CôLắk, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh hòa đầu tháng 4/2023. Ảnh: Minh Châu

Mấu Quốc Sa là cậu bé người Raglai sinh ra ở thôn CôLắk, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Em sinh non lúc 7 tháng tuổi, người "bé như một cái chai". Cha bỏ đi từ khi em còn trong bụng, mẹ lại ốm bệnh nên cậu bé lớn nhờ những bát nước cơm.

Giáp Tết năm 2021, khi Sa 5 tuổi, anh trai cả Mấu Hồng Nhoanh cưới vợ. Nhưng sau lễ cưới một ngày, cậu bé kể em lờ mờ cảm thấy có điều gì lạ lẫm. Chị dâu phải đi cách ly tập trung, anh trai phải cách ly tại nhà vì Covid-19. Mẹ bỗng nhiên bệnh nặng.

Đến 28 Tết, mẹ phải đi bệnh viện cấp cứu. Anh trai Sa kể, trong cuộc gọi video về nhà, người mẹ gỡ mặt nạ thở oxy ra dặn dò "ngôi nhà xi măng nhà nước xây thì để cho vợ chồng anh cả, còn Sa và anh hai ở trong nhà ván cũ". "Nếu nhà nước nhận nuôi Sa thì cứ để em đi", người mẹ thì thào, nước mắt giàn giụa.

Mùng 2 Tết năm đó mẹ Sa mất, bệnh viện gửi tro cốt về. Suốt một thời gian dài cậu bé chỉ biết mẹ đi bệnh viện không về nữa.

Từ lúc mẹ mất, trong căn nhà gỗ lưng chừng đồi, cậu bé chỉ một mình thui thủi, nhiều hôm chơi chán rồi ngủ với cái bụng đói. Anh hai Mấu Hồng Nhoanh đi làm, anh thứ hai tuổi cũng còn nhỏ không biết lo liệu cho em.

Người Raglai có theo mẫu hệ, đáng lẽ anh cả Nhoanh phải về ở nhà vợ theo truyền thống "con gái cưới chồng như chặt cây rừng về làm cột nhà" bao đời nay. Song vì thương em côi cút, vợ chồng Nhoanh - Dương, xin nhà vợ ở lại chăm sóc em.

Chị dâu của Sa, Cao Thùy Dương (22 tuổi) kể ban đầu cậu bé ngại làm phiền, thà đói chứ không chịu xuống nhà anh chị ăn. Đến bữa chị phải mang đồ lên cho em. Phải hai tháng sau khi mẹ mất, Sa mới đồng ý xuống ăn chung và để chị đưa đón đi học.

"Em vui chơi cả ngày, nhưng trong giấc ngủ đôi lúc vẫn nhớ gọi mẹ, rồi khóc. Nhìn em nằm co ro một mình, tội lắm", Thùy Dương kể.

Không lâu sau, trung tâm bảo trợ trẻ em gần nhà và Làng trẻ SOS liên lạc về gia đình nhận nuôi Sa. Các anh chị thương em còn nhỏ không muốn cho đi xa. Đến khi họ biết về trường Hy Vọng và nhìn thấy em thực sự muốn đến đây học nên ủng hộ.

Hôm các thầy cô trường Hy Vọng tới thăm nhà, Quốc Sa kéo tay mọi người đi hái xoài non, chặt mía và ra sông chơi. Con sông Tô Hạp là nơi cậu bé tắm và bắt cua mỗi chiều. Đi xa nhà, Sa nói tiếc nhất là không được bắt cua và cùng bạn lượm củi, nhóm lửa nướng ăn nữa.

Mấu Quốc Sa bẽn lẽn khi lần đầu tiên được tắm vòi hoa sen, ở giường nhà tầng, đi thang máy và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của những học sinh của Hope school, sáng 5/8. Ảnh: Phan Dương

Mấu Quốc Sa bẽn lẽn khi lần đầu tiên được tắm vòi hoa sen, ở giường nhà tầng, đi thang máy và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của những học sinh của Hope school, sáng 5/8. Ảnh: Phan Dương

Các đoàn thể ở địa phương phối hợp cùng nhau làm thủ tục đưa cậu bé của núi rừng ra phố. Chị Cao Thị Hiền, chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Khánh Sơn, cho biết bất ngờ trước sự mạnh dạn của cậu bé trong buổi gặp mặt trẻ em mồ côi vì Covid-19 trong tỉnh với trường Hy Vọng, bởi đó là lần đầu con xuống núi.

Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hai anh của Sa không có việc làm ổn định, chị dâu lại đang chăm con nhỏ. Vì thế có những lần chị Hiền bỏ tiền túi ra làm thủ tục nhập học cho Sa.

Trước ngày nhập trường, cậu bé được cắt tóc, sắm cho hai bộ quần áo, một đôi dép, một khăn mặt và bộ đồ đánh răng mới. Gia đình làm lễ theo phong tục tiễn một người thân của mình đi xa, cầu mong bình an. Cậu bé còn được mua một chiếc bánh kem để liên hoan cùng các bạn.

Sáng 4/8, Quốc Sa theo anh chị xuống trụ sở Hội phụ nữ huyện rồi từ đó cùng nhau lên ôtô xuống thành phố Nha Trang. Vì gia đình không có tiền nên đành để em một mình đi nhập học.

Trong buổi chiều chạng vạng, cậu bé đeo balo loắt choắt bước nhanh, không một giọt nước mắt. Em lên tàu, nhập chung đoàn với các anh chị cũng là trẻ mồ côi vì Covid-19 khác, ngược ra Bắc về trường ở Đà Nẵng.

6h30 sáng 5/8, Mấu Quốc Sa đặt chân đến trường. Em được kiểm tra sức khỏe. Cậu bé nhỏ tuổi nhất khóa tự mình ký tên mình vào trang giấy nhập học.

Mấu Quốc Sa là một trong 50 em nhỏ mồ côi vì Covid-19 gia nhập trường hôm 5/8. Cậu được phân vào ở cùng phòng với một anh học lớp 11, rất chín chắn và nhận chăm sóc em. Cũng có một anh khác là dân tộc thiểu số để giúp em sớm hòa nhập môi trường mới.

Ngay khi làm xong thủ tục, người xách đồ, người dắt tay đưa Sa về phòng. Thanh Trọng, một học sinh thế hệ F2, gấp quần áo của "Hoper mới" Mấu Quốc Sa xếp vào tủ và đưa em đi tắm. Anh Lộc và anh Bình Dương đi nhận chăn, chiếu, quạt về dọn giường cho Sa. Các anh và các bạn ở các phòng khác cũng kéo đến làm quen và dẫn cậu bé đi ăn, trước khi đi thăm thú khuôn viên trường.

Quốc Sa nhanh chóng hòa nhập cùng

Mấu Quốc Sa nhanh chóng hòa nhập cùng các anh và các bạn trong buổi sáng nhập trường ngày 5/8. Ảnh: Phan Dương

Cậu bé Raglai có vẻ dễ dàng hòa nhập. Đến chiều, em đã tự mình trải nghiệm khắp các trò ở khu sân chơi. Lần đầu ra biển, em òa lên vì thấy nhiều nước và mây trắng quá.

Song đêm đó cậu bé nhớ núi, nhớ con sông Tô Hạp, tiếng đàn Chapi và anh chị của mình. Em trằn trọc trên chiếc giường mới, cuối cùng trải chiếu xuống đất. "Con quen ngủ dưới đất rồi. Con nhớ ngôi nhà gỗ của mình", cậu bé nói.

So với những đứa trẻ khác lần đầu xa nhà đến môi trường mới, phản ứng của Sa có vẻ nhẹ nhàng hơn. Nhưng cũng chính điều đó khiến thầy cô ở trường xót xa.

"Con gần như đã tự mình tồn tại từ khi mẹ mất hai năm qua. Trong sự thiếu thốn vật chất có cả thiếu thốn tình thương. Từ nay về trường, con sẽ không còn phải lo bữa no bữa đói. Con sẽ sống trong yêu thương của thầy cô, bè bạn", thầy hiệu trưởng Hoàng Quốc Quyền nói.

Theo vnexpress.net

Tin liên quan