Mục tieu cao dep

Bà Mike Matheson nhấn mạnh đến những ý nghĩa lớn lao mà Nhật Bản cần đạt được thông qua Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP.

Theo Miki Matheson, Nhật Bản cử số lượng vận động viên kỷ lục đến Paralympic Tokyo 2020 nhằm mục đích không chỉ giành Huy chương vàng mà còn để xây dựng một xã hội hòa nhập hơn.

Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24.8 đến 5.9, với gần 4.400 vận động viên từ 163 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đoàn thể thao Nhật Bản tham dự với số lượng kỷ lục gồm 464 thành viên, trong đó có 254 vận động viên, đặt mục tiêu giành 20 Huy chương vàng.

Miki Matheson, cựu vận động viên khuyết tật từng giành Huy chương vàng Paralympic mùa đông Nagano 1998 và giờ đang là 1 trong 3 phó đoàn của đoàn thể thao Nhật Bản tại Paralympic Tokyo 2020 đã có những chia sẻ với AFP trước giờ khai cuộc.

Bà cho biết: "Thành công của Paralympic không chỉ là việc các vận động viên đạt thành tích hay giành được nhiều huy chương. Nó sẽ không thành công nếu chúng ta không cảm thấy rằng người khuyết tật có thể bước ra ngoài một cách thoải mái hơn và những người xung quanh có thể thay đổi cách suy nghĩ của họ vì Paralympic".

Tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Nhật Bản, Paralympic chịu nhiều thách thức. Tại Olympic Tokyo 2020, Nhật Bản đã giành được 27 Huy chương vàng - kỷ lục mà nhờ đó Ủy ban Olympic Nhật Bản đã xây dựng được sự ủng hộ của công chúng với Olympic bất chấp đại dịch.

Nhưng Matheson nói rằng Paralympic có một sứ mệnh vượt ra ngoài thể thao và Nhật Bản vẫn cần nỗ lực để người tàn tật thật sự hòa nhập với xã hội. Matheson từng giành 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc tại Paralympic mùa đông, bị liệt nửa người sau một tai nạn xe hơi khi học đại học.

Bà đã tập judo trước khi bị tai nạn, nhưng sau đó đã chuyển hướng sang tập một số môn để thi đấu Paralympic sau khi chịu bi kịch. Ở tuổi 48, Matheson đang sống ở Canada cùng gia đình nhưng tạm thời trở lại Nhật Bản khi làm việc với đội.

Theo bà, bất chấp những nỗ lực để cải thiện khả năng tiếp cận và hòa nhập của người khuyết tật ở Nhật Bản kể từ khi giành quyền đăng cai Paralympic Tokyo 2020, vẫn có sự khác biệt rõ rệt với cuộc sống ở Canada.

Bà nói: “Tôi thường bị coi như một người tàn tật khi trở lại Nhật Bản. Ở Canada, tôi sống mà không nhận thấy sự khuyết tật của mình". Theo Matheson, điều này do thiếu cơ hội cho người khuyết tật và người bình thường làm việc và sinh sống cùng nhau ở Nhật Bản.

"Tôi nghĩ rằng Paralympic chỉ là một bàn đạp, nhưng nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các rào cản. Điều chúng tôi thật sự cần là phải tiếp tục thúc đẩy mọi thứ, kể cả khi Paralympic kết thúc" - Matheson nhấn mạnh.

Theo laodong.vn

Tin liên quan