Có một phần nguyên cớ từ dạo làm tạp chí Người bảo trợ, khi bây giờ tôi làm báo Thời Nay, ngoài mảng chính văn hóa văn nghệ, thì một phần không nhỏ là phụ trách các trang, mục xã hội. Trong đó, những chủ đề, đề tài được đăng tải phổ biến là đời sống dân sinh. Mà trong đó, cũng chiếm nhiều diện tích bài vở, là những bài báo phản ánh, ghi chép về các đối tượng yếu thế trong xã hội, người khuyết tật, trẻ mồ côi, những tấm lòng nâng đỡ, đồng hành với những cuộc đời thương khó.

Đó chính là những gì chúng tôi từng được định hướng, giao thực hiện trong thời gian hơn hai năm từ cộng tác đến làm việc tại bản tin Bảo trợ xã hội, sau nâng lên Tạp chí Người bảo trợ, từ năm 2003 đến 2005. Bây giờ làm báo về các mảng đề tài từ thiện, thiện nguyện…, ở cơ quan hiện tại của mình, tôi có nhiều phóng viên và anh chị em cộng tác viên trong cả nước cùng phối hợp, chứ hơn 20 năm trước, đến với tờ Tạp chí mới ra đời, chúng tôi còn rất trẻ, ra trường chưa lâu. Ban đầu có Mai Bích Phượng, Vũ Thu Ngà và tôi. Sau có thêm Nguyễn Trọng Tuyến và Phạm Thanh Huyền…

Ngẫm lại, sự nhiệt tình, hăng hái, ý thức chủ động và trách nhiệm với công việc, sản phẩm đã được rèn từ thời điểm đó: Khi vừa bắt tay vào thử sức với công việc vừa tự học hỏi thêm về nghề báo; khi theo các cô chú lãnh đạo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam như cô Nguyễn Thị Xuân Mỹ, chú Nguyễn Đình Liêu… đi thăm, tặng quà các thương binh, người khuyết tật, đến trại trẻ mồ côi, trường khiếm thị; rồi theo đi công tác các tỉnh, tặng suất mổ đục thủy tinh thể, tặng xe lăn, hoặc đến tìm gặp, viết về những tấm gương vượt khó với những cái khổ, cái khó, cái thiếu không thể hình dung cho hết.

Tạp chí ra hàng tháng, nhưng lượng phóng viên còn mỏng, nên chúng tôi đi viết thường xuyên, trong và ngoài Hà Nội, một số tỉnh phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An... Các cô chú lãnh đạo Hội cũng chăm đi công tác, thăm tặng, định hướng và cổ vũ hoạt động của các Hội địa phương, nên nhờ đó mà chúng tôi cũng được tiếp xúc, trò chuyện, phỏng vấn nhiều với người khuyết tật, trẻ mồ côi, các cán bộ Hội tỉnh, thành phố, cơ sở, nhiều nhà hảo tâm, những người tích cực làm từ thiện. Những cuộc tiếp xúc không đơn thuần là công việc. Ở đó có tình cảm, có nỗi niềm, có sự xúc động và nhiều lần là những giọt nước mắt, lại có những nụ cười lạc quan, những lời nói quả quyết khi các nhân vật kể về hoàn cảnh, công việc của mình.

Tôi cứ nhớ một lần năm 2003 theo đoàn Chủ tịch Hội - cô Nguyễn Thị Xuân Mỹ khi đó, thăm một lớp học cho trẻ mồ côi ở Sơn Tây, Hà Nội. Cô giáo già ngoài việc dạy các cháu học thì ở nhà cũng lập ban thờ nên thường xuyên có thanh kẹo, hoa quả thắp hương, xong thì bà lấy cho các cháu học trò ăn. Trả lời phỏng vấn, bà giáo chảy nước mắt thương các cháu mất cha mẹ, thiếu thốn tình thương lẫn vật chất, nên tuổi đã cao, bà vẫn cứ duy trì lớp học. Tôi nhớ hình ảnh người cán bộ phụ trách tổ chức - hành chính một đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004 khi tôi gặp để viết bài. Ngồi trên xe lăn, vừa kể chuyện mình, anh vừa thường xuyên nghe, gọi điện thoại xử lý công việc và ký giấy tờ, nhấn phím bằng đôi cánh tay không lành lặn, phải gắn thêm cái kẹp bút. Người Giám đốc một Công ty bảo vệ - vệ sĩ ở Thái Bình, khoảng năm 2003 khi tôi đến, ông đang nuôi đến hàng trăm cháu mồ côi, khuyết tật. Ông nói với các thanh niên đang rèn luyện và làm việc tại công ty mình, mỗi người hãy góp một chút từ lương của mình để chăm cho các em… Những người như thế, khiến cho tôi đinh ninh về tình yêu thương lâu bền vẫn sẽ luôn được nhóm lên đó đây trong cộng đồng.

Chính việc tác nghiệp gắn với mảng đề tài rất đặc th`ù đó đã gợi mở trong chúng tôi rất nhiều điều suy ngẫm khi nghĩ về cuộc sống, cuộc đời, thân phận mỗi người, ý thức tồn tại và vươn lên, thậm chí khẳng định những giá trị bản thân và nỗ lực đóng góp, cống hiến trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, những trở ngại thường trực. Ngày hôm nay cảm thấy đúng ở hoàn cảnh của mình khi đó, còn trẻ, trải nghiệm đời sống lẫn kinh nghiệm ứng xử, làm việc, lẫn kỹ năng nghề nghiệp còn chưa thể dày dặn, thì dù có được cái hăng hái, sôi nổi của tuổi trẻ, cũng không tránh khỏi có lúc lúng túng, băn khoăn, lo lắng, có khi còn hơi hoang mang về tương lai của mình. Nhưng chính họ: những người khuyết tật vượt qua số phận để học tập, tự lo cho bản thân, những tấm gương thương binh dù thiếu chân, thiếu tay hay còn mảnh đạn trong người vẫn làm giàu, những cô giáo đã nghỉ hưu hay người từng công tác trong ngành công an vẫn chăm nuôi, dạy học cho các cháu mồ côi… Và thật nhiều những người khác: một bạn gái khiếm thị hát hay, một nữ thi sĩ bại liệt miệt mài sáng tác…  Chính những con người đó lại để cho tôi điều gì đó suy ngẫm, học tập. Chứ bản thân tôi, khi ấy, lại chưa thể làm cho họ được điều gì.  

20 năm trước, tôi cảm thấy mình đã được truyền thêm nghị lực làm việc hơn, sống nhiệt thành hơn từ những người mà sự lành lặn của cơ thể hay điều kiện sống thật sự không được như mình. Thật là một “nghịch lý quý hóa” trong cuộc đời này! Và “nghịch lý” đó còn theo tôi đến hôm nay, trong cuộc sống và việc làm nghề văn, nghề báo của mình.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng
Phó trưởng ban Thời Nay - Báo Nhân Dân
(Phóng viên tạp chí Người bảo trợ năm 2003 đến 2005)
 

 

Tin liên quan