Là người không may mắn khi mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, lại bị cụt một chân, nhưng Trịnh Thị Liên ở thôn Thụy Nội, xã Yên Lương, huyện Ý Yên (Nam Định) vẫn nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành người phụ nữ hạnh phúc, có thu nhập ổn định từ nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ.

Cô gái khuyết tật Trịnh Thị Liên tự kiếm sống bằng nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ - Ảnh: Hồ Thanh

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Trịnh Thị Liên có một tuổi thơ buồn khi mắc phải căn bệnh quái ác xương thủy tinh, một bên chân bị tàn tật, thân hình gầy gò, yếu ớt. Hàng ngày, Liên tập tễnh đi lại trên chiếc nạng gỗ, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào bố mẹ và anh chị.

Được đi học đến lớp 2, căn bệnh xương thủy tinh quái ác hành hạ khiến Liên phải nghỉ học, bố mẹ phải đưa đi khắp các bệnh viện chữa trị và đến lớp 4 thì phải nghỉ hẳn. Với suy nghĩ phải làm sao bớt đi gánh nặng cho bố mẹ, Liên quyết chí tìm học một nghề nào đó để có thể tự nuôi sống được bản thân. Cô rất muốn được học nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ, một công việc mà nhiều người lành lặn trong làng đang làm và có thu nhập khá. Nhưng với cơ thể chưa đến 30 kg, tay chân yếu ớt, xương có thể bị va đập, gãy vỡ bất cứ lúc nào nên bố mẹ không thể đồng ý cho Liên đi học nghề. Cô vẫn kiên trì thuyết phục gia đình và đến năm 18 tuổi Liên mới được bố cõng đi xin học nghề tại xưởng chế tác thủ công mỹ nghệ ở gần nhà. Thương cảm trước hoàn cảnh của Liên, chủ xưởng là người họ hàng đã đồng ý dạy nghề cho cô không lấy công. Ngày 4 lần bố cõng đi, cõng về, sau 3 năm miệt mài học tập, Liên đã có tay nghề chạm khắc gỗ loại khá, sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng. Lần đầu tiên được cầm 3 triệu đồng tiền lương do chính tay mình làm ra, Liên xúc động đến trào nước mắt.

Trịnh Thị Liên kiểm tra sản phẩm gỗ mỹ nghệ do chính tay mình làm ra trước khi chuyển giao cho khách hàng.

Ngay sau đó, Liên tham gia sinh hoạt, trở thành hội viên tích cực của Hội Người khuyết tật huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Được gặp gỡ với những người có chung hoàn cảnh, có người còn khó khăn, bất hạnh hơn mình, Liên càng say mê, tâm huyết với nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ. Sản phẩm do cô làm ra luôn đảm bảo chất lượng kỹ thuật, tinh xảo, đẹp mắt. Ngoài các đơn đặt hàng thông thường, cô còn mày mò chế tác, chạm khắc, làm ra những sản phẩm đẹp mắt của riêng mình để cung cấp cho khách hàng. Liên còn tìm nguồn hàng quần áo, hoa quả để bán online kiếm thêm thu nhập. Niềm vui hàng ngày cô chia sẻ trên mạng xã hội, được người thân, bạn bè khích lệ, động viên. Cũng nhờ qua mạng xã hội, Liên đã làm quen với Phạm Văn Chung, một thanh niên cùng xã làm nghề thợ hàn. Hai người thường xuyên tâm sự, trò chuyện, cảm mến rồi yêu thương nhau. Điều Liên cảm nhận rõ nét nhất ở người yêu là sự chân tình, bởi anh là một người đàn ông khỏe mạnh, lành lặn nhưng rất thương yêu cô. Yêu nhau được hai năm, chân trái của Liên bị hoại tử, phải cắt bỏ từ phía dưới đầu gối. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Liên chủ động nói lời chia tay với người yêu, vì cô không muốn anh phải chịu thiệt thòi khi lấy một người vợ cụt một chân, bị căn bệnh xương thủy tinh, không được phép sinh con. Tuy nhiên nghị lực, ý chí của cô lại càng khiến người yêu thêm cảm phục. Hàng ngày, anh đến giúp Liên bê đồ, xoay hướng gỗ để ngồi chạm khắc, đưa đi chơi, cùng nhau trò chuyện. Và lễ cưới của hai người đã diễn ra vui vẻ, ấm áp trong sự đùm bọc yêu thương của gia đình, bè bạn. Liên thật sự xúc động và hạnh phúc khi nghe chồng nói: “Em có nghị lực và trái tim chân thành, còn anh có đôi chân lành lặn. Anh nguyện sẽ là đôi chân của em trong suốt cuộc đời”…Ngày cưới, với thân hình chỉ nặng 28 kg, Liên tự tin trên chiếc chân giả, nở nụ cười rạng rỡ theo chồng về thôn Thụy Nội (cùng xã) để làm dâu.

Anh Phạm Văn Chung, chồng Liên chia sẻ: “Tuy là người khuyết tật nhưng vợ tôi không chỉ có tay nghề giỏi về chạm khắc gỗ mỹ nghệ mà còn biết nấu ăn rất ngon, rất khéo léo trong cư xử giữa mẹ chồng nàng dâu và anh em họ hàng. Chính sự vui vẻ, lạc quan của Liên đã tiếp thêm năng lượng để tôi làm việc hăng say hơn, quyết một lòng cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc” .

Anh Phạm Văn Chung luôn bên cạnh chăm sóc, động viên người vợ khuyết tật Trịnh Thị Liên.

Bằng nỗ lực, ý chí mạnh mẽ, Trịnh Thị Liên đã vượt lên số phận để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình và truyền cảm hứng, nghị lực cho những người khuyết tật, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống. Ở tuổi 30, Liên cùng chồng đang mong muốn thực hiện ước mơ mở được lớp dạy nghề chạm khắc gỗ miễn phí cho người khuyết tật, góp phần giúp họ vươn lên, sống hòa nhập với cộng đồng. Trong câu chuyện với chúng tôi, Liên bày tỏ khó khăn nhất là chưa có đủ diện tích mặt bằng để mở lớp và hai vợ chồng vẫn chưa được dùng nước sạch. Hệ thống cung cấp nước sạch ở địa phương đã lắp đặt đến đầu ngõ, nhưng do nghèo, chưa có tiền nộp nên chưa được lắp công tơ, đường ống riêng và gia đình Liên vẫn phải dùng nhờ nước sinh hoạt của nhà anh trai. Trịnh Thị Liên mong muốn được sử dụng phần diện tích đất ao do ông cha từ xưa để lại, tiến hành cải tạo mặt bằng, mở cơ sở dạy nghề. Đây cũng là niềm mong mỏi chính đáng của nhiều hội viên người khuyết tật tại địa phương.

Theo hoanhap.vn

Tin liên quan