Đại dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, sự bùng phát và lan truyền nhanh chóng của Covid-19 đã khiến mọi thứ đảo lộn và người khuyết tật bị ảnh hưởng không hề nhỏ. Đây là lúc tình người, sự quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật càng được đề cao.

Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, hiện nay dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Trong đó có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, 11,4 triệu người người cao tuổi. Trong tổng số 3,27 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên thì có 2,36 triệu người cao tuổi khuyết tật, chiếm tỷ lệ 72,2%. Đa số đều có sức khỏe và sức đề kháng kém, nhiều bệnh nền (trung bình có 3-4 bệnh, phần lớn là bệnh mạn tính), khả năng tự bảo vệ và chăm sóc bản thân hạn chế. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, trong việc phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta, người khuyết tật cần phải được đưa vào diện ưu tiên trong ứng phó với dịch bệnh, trong cung cấp thông tin, hỗ trợ cũng như cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết.

Tăng cường quan tâm, phòng chống dịch bệnh cho người khuyết tật

Như những công dân bình thường khác, người khuyết tật (NKT) có quyền được chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, được khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, được chăm sóc sức khỏe, được tham gia và hưởng bảo hiểm y tế như mọi công dân khác trong xã hội. Chăm sóc sức khỏe đối với NKT thể hiện chia sẻ sâu sắc giữa người với người trong cộng đồng, trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Chăm sóc sức khỏe NKT nhằm tạo điều kiện để NKT có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội khác, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ và sự bình đẳng của công dân.

Cham soc suc khoe NKT2

Đối với NKT do có những đặc trưng về tình trạng bệnh tật nên với họ khó có thể đạt được những trạng thái thoải mái với tiêu chuẩn của người bình thường. Người khuyết tật là những đối tượng dễ bị tổn thương và không có hoặc ít khả năng phòng tránh các tác động tiêu cực từ xã hội và môi trường do tình trạng thể chất. Hơn bất cứ ai, người khuyết tật được cho là dễ bị nhiễm virus hơn cả vì họ phải dựa vào xúc giác để phát hiện và phản ứng trong đời sống, sinh hoạt. Virus Covid – 19 sẽ dễ dàng tấn công người có thể trạng yếu mà người khuyết tật hầu hết nằm trong nhóm đối tượng có tình trạng sức khỏe yếu. Bản thân người khuyết tật cũng khó có thể tự bảo vệ bản thân trước đại dịch bởi những khiếm khuyết cơ thể và sự phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ. Điển hình như người khiếm thị không thể tiếp cận các nguồn thông tin một cách đầy đủ bởi không phải tất cả mọi thứ đều hỗ trợ chữ nổi dành cho người mù. Người khiếm thính thường dựa vào việc đọc môi và quan sát nét mặt để giao tiếp. Nhưng với tình trạng hầu hết đeo khẩu trang y tế như hiện nay, họ phải vật lộn với việc giao tiếp hàng ngày.

Để tự bảo vệ bản thân, hầu hết mọi người nói chung và người khuyết tật nói riêng đều phải trang bị cho mình những vật phẩm y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn.... Tuy nhiên, người khuyết tật với hầu bao kinh tế còn khá hạn hẹp, việc chi trả cho những mặt hàng y tế tăng giá là khó khăn lớn. Chính vì vậy, công tác xã hội, giúp đỡ người khuyết tật trong cơn đại dịch cần được đề cao hơn hết. Vì thế, chăm sóc sức khỏe ý tế cho người khuyết tật trong phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta cần sự phối hợp của nhiều cấp nhiều ngành, đặc biệt là gia đình và các nhân viên y tế tại cơ sở.

Tùy theo nhóm người và hoàn cảnh, người khuyết tật có nguy cơ phải đối mặt với các tình trạng biến chứng bệnh, tình trạng bệnh đồng thời, tình trạng liên quan đến tuổi tác, thực hiện các hành vi gây nguy hại cho sức khỏe và có tỉ lệ tử vong cao hơn. Do khả năng tiếp xúc, trao đổi truyền đạt của người khuyết tật thường thụ động và hạn chế nên thông qua các phương tiện truyền thông nên truyền đạt các thông điệp dễ tiếp cận, đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa, phù hợp với từng đối tượng.

Người khuyết tật cần được cảnh báo về mức độ rủi ro mà họ đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là những người đã mắc các bệnh nền từ trước (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…). Cần chú ý và quan tâm đến người khuyết tật sống một mình vì trong bối cảnh bệnh tật và hạn chế đi lại, họ sẽ bị cô lập, thậm chí cần phải cung cấp cả thiết bị để họ tiếp cận thông tin. Con cái, thành viên gia đình cần tăng cường quan tâm người khuyết tật, thăm hỏi, động viên, chăm sóc để họ tránh bị cô lập và sợ hãi. Tại các trung tâm bảo trợ xã hội cần phải đặc biệt chú ý đến đối tượng hơn nữa trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc trong thời gian này.

Quyền được chăm sóc y tế của người khuyết tật

Với mong muốn bảo đảm cho NKT được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe một cách bình đẳng như những người khác, pháp luật Việt Nam đã quy định cụ thể chế độ này trong hệ thống pháp luật. Theo điều 21 Luật người khuyết tật quy định việc chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật thì trong trường hợp bệnh, tật diễn biến xấu, NKT được giới thiệu lên y tế tuyến trên để được tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị theo quy định của Luật Khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế, khi đó, sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Trạm y tế cấp xã có trách nhiệm triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật, hướng dẫn NKT phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe NKT, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng phù hợp với phạm vi chuyên môn cho NKT. Kinh phí để thực hiện do ngân sách nhà nước bảo đảm.”

cham soc suc khoe y te NKT

Như vậy, theo quy định trên thì người khuyết tật có quyền được tuyên truyền và tham gia tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tại cộng đồng, tham gia thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng, được tham gia công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình, được vận động, hướng dẫn nuôi trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình để phòng chữa một số chứng bệnh thông thường, được nhân viên y tế cơ sở sơ cứu ban đầu, chăm sóc bệnh thông thường và phục hồi chức năng tại cộng đồng.

Tin liên quan