Việt Nam hiện nay có hơn 2,5 triệu người khiếm thính, chiếm tỉ lệ 1/3 số lượng người khuyết tật. Mặc dù tỉ lệ cao như vậy nhưng người khiếm thính lại là những đối tượng thiệt thòi nhất trong vấn đề tiếp cận thông tin, bởi nguyên nhân rất ít các phương tiện truyền thông sử dụng ngôn ngữ kí hiệu dành cho người khiếm thính.

Để đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho cộng đồng người khiếm thính, từ hôm nay, 19/6, Truyền hình Quốc hội Việt Nam chính thức đưa phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu vào các chương trình truyền hình trực tiếp trong khuôn khổ các kỳ họp Quốc hội. Đây có thể coi là cơ hội rất tốt để cộng đồng người khiếm thính có thể tiếp cận trực tiếp và hiểu sâu sắc hơn các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Một lớp tập huấn của những bạn trẻ khiếm thính, gần như không có tiếng động, chỉ có chuỗi những cử chỉ của đôi bàn tay và những nét mặt thay đổi liên tục. Đó chính là ngôn ngữ của cộng đồng người khiếm thính. Thế nhưng, trên thực tế thì loại ngôn ngữ  hiệu này xuất hiện rất hạn chế trong cộng đồng, khiến những người khiếm thính vô cùng khó khăn khi tiếp cận thông tin hoặc có tiếp cận thông tin cũng không đầy đủ và cặn kẽ, nhất là những vấn đề mang tính chính trị.
Chính vì khó tiếp cận thông tin nên chi hội người điếc thành phố Hà Nội phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nhằm giúp cộng đồng cùng chia sẻ thông tin và hiểu biết với nhau. Tuy nhiên, để tiếp cận được các vấn đề mang tính chính trị như diễn biến của kỳ họp Quốc hội, các hoạt động của Quốc hội thì việc sử dụng phiên dịch ngôn ngữ  hiệu là điều vô cùng cần thiết. Bởi, chỉ có phiên dịch ngôn ngữ  hiệu mới đảm bảo tính chính xác của vấn đề khi mà việc đọc chữ đối với cộng đồng người khiếm thính cũng không phải là điều dễ dàng.
Chiếc tivi của gia đình anh Thái Anh - Chủ tịch Chi hội người điếc thành phố Hà Nội gần như không bao giờ được sử dụng trong những buổi trò chuyện giữa bố mẹ và con như thế này. Thế nhưng, chỉ sang tuần sau, có thể chiếc tivi này sẽ được tận dụng thường xuyên hơn khi có sự xuất hiện của phiên dịch ngôn ngữ trong các chương trình trực tiếp kỳ họp Quốc hội trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Câu chuyện giữa bố mẹ và con, giữa người nghe được và người không nghe được sẽ phong phú và nhiều điểm chung hơn.

Theo quochoitv.vn

Tin liên quan