Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội là một ngôi nhà an toàn, thân thương chở che cho những hoàn cảnh đặc biệt. Nơi đây, chị Đào Thị Huyền và nhiều cán bộ, nhân viên đã dành cả tuổi thanh xuân công tác của mình để ôm trọn, nâng đỡ bước chân của những cuộc đời “giông bão” đi qua “giông bão” một cách phi thường và kỳ diệu.
Chị Đào Thị Huyền (nữ đứng giữa) cùng các em nhỏ tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội
Điểm tựa cho người nghiện đứng dậy vượt qua lỗi lầm
Trong không gian trong lành của huyện miền núi ngoại thành Hà Nội, dưới những tán cây rợp bóng xanh mát ở khuôn viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, chúng tôi có cơ hội gặp chị Đào Thị Huyền – Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chị nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về nơi công tác mà chị đã gắn bó cả một thời tuổi trẻ: Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội là đơn vị  trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nộị, có chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, chữa bệnh, quản lý, giáo dục và dạy nghề cho người nghiện ma túy (cả nam và nữ); tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, bị bỏ rơi nhiễm HIV, người nhiễm HIV không có khả năng lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chị cho biết, trong những năm đầu công tác, chị làm nhiệm vụ quản lý trực tiếp rồi phụ trách công tác tư vấn giáo dục người nghiện ma túy. Chị thường xuyên phải đối mặt với những ca tư vấn rất khó vì học viên luôn tiềm ẩn sự nổi loạn, bất cần hay tự ti, nhút nhát và đặc biệt là biểu hiện về rối loạn tâm thần… Những ánh mắt như vừa sự hãi, vừa cảnh giác cao độ, thiếu niềm tin và cả sự gan lì quậy phá, những lo lắng, khổ đau tuyệt cùng của nhiều ông bố, bà mẹ có con mắc nghiện luôn ám ảnh trong chị. Trong quá trình làm việc, chị nhận ra rằng, ở một góc nào đó của tâm hồn, họ cần lắm một sự sẻ chia, đồng cảm chân thành và điều này đã thôi thúc chị quyết tâm tìm hiểu và tìm cách hỗ trợ họ. Những chia sẻ của chị đối với đối tượng  đôi khi là những điều nhỏ bé nhất, cũng có thể là một cử chỉ quan tâm, một lời động viên nhẹ nhàng để làm họ cảm thấy vui hơn, thậm chí làm thay đổi cả cuộc đời họ. Những người làm công tác quản lý, tư vấn như chị đã luôn sát cánh bên họ, cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để tìm lại ánh sáng cuộc đời sau bao tháng ngày chìm trong đen tối.
Điều chị cũng cảm thấy may mắn trong quá trình công tác là được tham gia và tiếp cận những lớp tập huấn chuyên nghiệp về công tác xã hội. Qua đây, chị đã biết đến nhiều văn bản, qui trình nghiệp vụ can thiệp, hỗ trợ cho các đối tượng kém may mắn và trực tiếp tham gia quản lý trường hợp, tư vấn, trợ giúp, can thiệp, trị liệu đối với các trường hợp cụ thể từ chuyên ngành công tác xã hội để áp dụng vào công việc của mình. Sau khi phân tích, tìm hiểu về trường hợp nghiện, chị và đồng nghiệp đã đưa ra tư vấn ban đầu, hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn mà các đối tượng đang gặp phải và tham mưu những phác đồ cai nghiện phù hợp cho mỗi cá nhân. Chị đã cùng các đồng nghiệp không quản ngại khó khăn để trực tiếp đến địa bàn và tiếp xúc với gia đình các em mắc nghiện để thu thập thông tin về cá nhân, mối quan hệ, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình, của chính các em, tìm hiểu về cộng đồng nơi các em trở về sau khi kết thúc quá trình cai nghiện, rồi từ đó tư vấn, trợ giúp cho gia đình, thậm chí kết nối với địa phương để sẵn sàng tạo cho các em hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả, an toàn, phù hợp. Theo chị Huyền, chính sự ưu việt của nghiệp vụ công tác xã hội đã giúp chị có thể gắn kết, giúp đỡ và kết nối biết bao trường hợp cai nghiện và gia đình người nghiện cùng nhau quyết tâm từ bỏ được khói thuốc trắng để làm lại cuộc đời.
Nắm tay các con đi qua giông bão cuộc đời
Một bước ngoặt khác không thể quên trong chặng đường công tác của chị Đào Thị Huyền là từ năm 2017, chị được giao phụ trách sang mảng công tác khác: Trưởng Phòng Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt – nơi có 72 đứa con bị nhiễm HIV ở rất nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có 56 trẻ đã được đi học các cấp từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học và học nghề.
Chị Đào Thị Huyền hạnh phúc nắm tay các con trong ngày khai trường
Nếu chỉ trực quan ngắm nhìn sự vô tư, miết mải nô đùa của  trò chơi con trẻ có lẽ chẳng ai có thể thấu được nỗi đau mà các con đã từng hay đang phải trải qua. Mỗi đứa là một thước phim cuộc đời với những bi kịch, những hoàn cảnh éo le riêng. Và chúng có một điểm chung duy nhất là cùng mang một nỗi đau bị bỏ rơi và nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV.
Các con là những đứa trẻ vô cùng thiệt thòi, từ lúc lọt lòng mẹ chúng đã bị bỏ rơi, chưa từng biết đến một vòng tay yêu thương, một giọt sữa ấm của người mẹ hiền. Và nghiệt ngã hơn là chúng mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà không có  thuốc nào trên thế giới chữa khỏi. Và cũng khổ đau hơn tất thảy là chúng phải chịu sức ép từ sự kỳ thị của xã hội. Đây chính là khó khăn mà chị luôn coi là thách thức cần phải vượt qua.
Để tiếp nối và duy trì công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngày càng tốt hơn, chị Huyền luôn tâm niệm không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe y tế mà điều quan trọng nhất là phải quản lý tốt trường hợp. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, khi đến tuổi khôn lớn chúng đều có những thay đổi lớn về mặt sinh học và tâm lý. Do những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử, thậm chí có con còn bị rối loạn hành vi. Với vai trò cũng như bản năng, thiên chức làm mẹ của mình, cộng với việc áp dụng những kiến thức về chuyên ngành công tác xã hội, chị Huyền đã cùng đồng nghiệp hằng ngày, hằng giờ không ngừng tháo gỡ những lo lắng, những suy nghĩ tiêu cực với những diễn biến tâm lý thất thường của các con. Chị áp dụng công tác quản lý trường hợp của chuyên ngành công tác xã hội để nắm bắt thông tin về mỗi trường hợp, từ đó thực hiện tư vấn và hỗ trợ giải quyết vấn đề khó khăn mà các các em đang gặp phải, rồi lại tiếp tục kết nối với các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn hay các cơ sở đào tạo văn hóa, đào tạo nghề để từng bước xây đắp tương lai vững chắc cho các con. Cứ thế, chị cùng đồng ngiệp miệt mài những năm tháng không bao giờ kết thúc để chạy theo những ước mơ, khát khao của các con. Chị và các con đã trải qua những giấc mơ bình dị có thật của mình như từ đi chơi vào những ngày Tết, ngày lễ hay tham gia những buổi trải nghiệm cảm nhận và phân biệt thế nào là biển, là sông, là hồ đến những thử thách vô cùng lớn lao là tìm kiếm, thuyết phục một trường trung cấp nghề đồng ý nhận 11 đứa con của mình vào trường vừa học văn hóa, vừa học nghề. Và rồi các con đã được hòa nhập trong môi trường học tập, có cơ hội lĩnh hội kiến thức, tay nghề và mang những ước mơ bay cao, bay xa hơn trên bước đường đời của mình.
Không chỉ có vậy, chị và các đồng nghiệp còn có cả những thách thức đến từ chính trẻ và gia đình của trẻ. Nhớ lại câu chuyện của mùa hè đỏ lửa năm 2017, chị Huyền chậm dãi kể cho chúng tôi với giọng nói vẫn còn xúc động về trường hợp của bé gái 16 tuổi ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội được chuyển đến Cơ sở của chị sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Lúc ấy, mẹ của con như trở nên điên loạn bởi tình trạng bệnh của chính  mình và đứa con rứt ruột đẻ ra. Người mẹ ấy ở trạng thái như cùng đường và đầy tuyệt vọng, chị đòi tự tử trước mặt cán bộ, nhân viên của Cơ sở, rồi lại khăng khăng đòi đón con về với mục đích duy nhất là 2 mẹ con sẽ cùng chết cho đỡ khổ. Sau những lời thuyết phục, vỗ về của chị Huyền và đồng nghiệp, người mẹ đã chấp nhận cho đứa trẻ ở lại. Và quá trình điều trị cho bé là những ngày tháng dài không thể khó khăn, vất vả hơn.
Theo lời chị Huyền, lúc mới được tiếp nhận, trong thân hình lở loét khắp người do chưa bao giờ được điều trị, con liên tục gào thét chống cự đòi mẹ. Lúc đó chọn cách ứng xử với con theo mệnh lệnh của trái tim, chị cứ kiên trì, ân cần chăm con mỗi ngày với những cái ôm vỗ về thật chặt bởi chị hiểu mọi lời nói, mệnh lệnh đối với con lúc này là vô nghĩa. Những tháng ngày điều trị, chăm sóc cho con là hàng ngàn lời động viên, tư vấn trực tiếp, lúc mềm mại, lúc cứng rắn, là biết bao cuộc điện thoại an ủi, tư vấn với mẹ của con hàng giờ đồng hồ bất kể ngày đêm… Và rồi như cảm nhận được tình thương của những người dù không phải là ruột thịt, con đã tích cực tiếp nhận các liệu pháp điều trị và mẹ con cũng nguôi ngoai để chị và các cán bộ, nhân viên của Cơ sở chăm sóc, chữa trị cho con mình trong suốt ba tháng trời. Nhờ sự chăm sóc tận tình, nhờ cơ địa đáp ứng thuốc tốt, con đã hồi phục dần và trở nên khỏe mạnh như một kỳ tích.  Đến giờ, ba năm đã trôi qua, cả hai mẹ con đều rất khỏe mạnh, tinh thần được sốc lại, tâm lý vui vẻ và đặc biệt người mẹ thậm chí không còn ý định đón con về nữa.
Chị Huyền còn kể cho chúng tôi một câu chuyện khác về hành trình đẫm nước mắt của em bé tám tuổi, người dân tộc thiểu số. Năm ấy, mặc dù ở tuổi lên tám nhưng con chỉ nặng vỏn vẹn có 10kg. Bố mẹ bé mất sớm, nhà quá nghèo thậm chí không có cơm ăn nên ông nội đành bỏ rơi con. Do không được điều trị từ nhỏ nên con cũng phải đối mặt với rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội và kháng hầu hết các loại thuốc. Ở với trung tâm được 2 tuần rồi sau đó là những ngày dài lê thê bé nằm ở bệnh viện. Cho đến khi bệnh tình quá nặng và biết con không qua khỏi, chị Huyền và đồng nghiệp đã nỗ lực bằng mọi cách tìm lại gia đình cho con để thực hiện ước mơ của con là được gặp lại ông nội dù chỉ một lần. Nắm chặt tay con trong hành trình hơn 500km để về với gia đình, chị và đồng nghiệp cuối cùng cũng đưa con được về nhà, về với người ông con vô cùng yêu quý. Chị và mọi người trong đoàn đã nhận được những giọt nước mắt và những lời nói nửa tiếng Kinh nửa tiếng dân tộc của ông nội con thể hiện sự biết ơn đối với đơn vị, với Đảng và Nhà nước đã cho con những ngày tháng cuối đời đúng nghĩa của một đứa trẻ…
Có thể nói, đó là những câu chuyện thật cảm động, thật diệu kỳ về những mảnh đời đầy giông bão đã được hồi sinh mà cá nhân chị Huyền và cả tập thể đơn vị của chị đã viết lên từ những tình cảm chân thành và trái tim yêu thương ngọt ngào, giản dị mà đầy dũng cảm.
Cần lắm những nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp trong chăm sóc trẻ mồ côi nhiễm HIV

Những trẻ nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt đã từng bước đi qua “giông bão” cuộc đời mình chính là nhờ tấm lòng, sự chân thành vô cùng ấm lòng của những y, bác sĩ, cán bộ công tác xã hội như chị Huyền và các đồng nghiệp của chị.

Theo chị Huyền, những kiến thức của chuyên ngành công tác xã hội có tác động rất tốt đối với quá trình chăm sóc, điều trị đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội
Và để làm được việc đó, ngoài sự nỗ lực tâm huyết của bản thân, chị Huyền và đồng nghiệp luôn nhận được thật nhiều sự quan tâm sâu sắc, kịp thời của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện đã đồng hành, hỗ trợ để đội ngũ những cán bộ, nhân viên như chị tự tin và ngày càng tâm huyết hơn với con đường mà mình đã lựa chọn.
Chị Huyền tâm sự, quá trình tổ chức các hoạt động giúp đỡ trẻ mồ côi bị nhiễm HIV ở đơn vị của chị hiện nay cũng ngày một chất lượng và chuyên nghiệp hơn. Căn bệnh thế kỷ mà những đứa trẻ mồ côi đang mang trong mình đến nay vẫn chưa có một liều thuốc nào chữa được nên chị và đồng nghiệp luôn tuân thủ chính xác phác đồ điều trị của các y, bác sĩ đưa ra đối với mỗi con. Hằng ngày, các con được uống thuốc ARV, hằng tháng được khám sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng, định kỳ được đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây và Bệnh viện Nhi Trung ương… Nếu có sự thay đổi, các y bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp với cơ thể. Cùng với đó, các con còn được chăm sóc sức khỏe về thể chất và tinh thần thông qua luyện tập thể dục thể thao, tham gia văn nghệ, được học những kiến thức và kỹ năng sống qua các buổi sinh hoạt do Cơ sở tổ chức...
Theo chị Huyền, để công tác chăm sóc trẻ mồ côi bị nhiễm HIV được hiệu quả hơn, cũng rất cần phải coi trọng việc áp dụng nghề công tác xã hội vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị. Điều quan trọng là cán bộ, nhân viên công tác xã hội phải tham vấn, tư vấn hướng dẫn cá nhân, gia đình, xác định nhóm vấn đề và giải pháp hỗ trợ giải quyết; vận động nguồn lực để tăng cường dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em trong Cơ sở; tham gia đánh giá nhu cầu, chẩn đoán điều trị , xây dựng kế hoạch và thực hiện các can thiệp; phải chủ động giúp cho các em và các đối tượng bị nhiễm HIV tiếp cận được cơ chế, chính sách của Nhà nước và chính sách riêng có của địa phương để tự nâng cao nội lực và giải quyết vấn đề của mình. Minh chứng điển hình là tại địa phương vẫn còn đâu đó có sự kỳ thị của cộng đồng đối với bọn trẻ bị nhiễm HIV. Nhiều phụ huynh không muốn con em mình tiếp xúc với những trẻ em đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà họ cho là vô cùng nguy hiểm. Thậm chí họ có những hành động tự vệ thái quá khi ngăn lại con đường để các em không thể mỗi sớm mai bước những bước chăng tung tăng tới trường.  Thế nhưng, Cơ sở đã kết nối và thành công trong việc đưa trẻ em được đi học, đến trường học văn hóa và vui chơi như bao trẻ em bình thường khác.
Theo chị Huyền, yêu thương, trợ giúp trẻ không chỉ là cho ăn no, mặc ấm, mà còn rất cần những tấm lòng đồng cảm từ cộng đồng xã hội, rất cần sự kết nối giữa Cơ sở với cộng đồng, với các đơn vị và các cơ quan Nhà nước liên quan để giúp các em được trợ giúp thêm cả tinh thần và được sống như đúng quyền của một đứa trẻ là được vui, được học và được có công ăn, việc làm để tự đứng vững trên đôi chân của mình. Đồng thời tham gia giáo dục cộng đồng về phòng ngừa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đó cũng chính là việc áp dụng chuyên ngành công tác xã hội chuyên nghiệp vào trong hoạt động chăm sóc, điều trị các đối tượng tại Cơ sở của chị nói riêng và các cơ sở bảo trợ khác nói chung./.
Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan