Tốt nghiệp Trường đại học Đà Lạt chuyên ngành Ngữ văn, chị Sầm Thị Hà (1983), ở xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy) đến gõ cửa rất nhiều cơ quan để xin việc nhưng nhìn thấy đôi chân tật nguyền của chị, họ đều lắc đầu từ chối. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều người khuyết tật (NKT) trên hành trình tìm kiếm việc làm.

 

Chỉ có 0,01% NKT làm việc trong các cơ quan nhà nước
 
Theo số liệu thống kê của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, NKT Quảng Bình chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh với hơn 45.000 người, trong đó hơn 14.400 NKT nặng, 3.643 NKT đặc biệt nặng, 2.874 trẻ khuyết tật, 90% NKT chủ yếu sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi rẻo cao, các xã bãi ngang cồn bãi.
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, số NKT làm việc trong các cơ quan nhà nước chỉ chiếm 0,01% so với số lượng NKT trên địa bàn tỉnh và chỉ có khoảng 15% tự tạo được thu nhập, nên NKT chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quy định của Chính phủ.  
 
 
 Nhiều NKT đã biết vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Nhiều NKT đã biết vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
 
Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NKT khó tìm được việc làm, nhưng có lẽ nguyên nhân đầu tiên là do NKT hạn chế về sức khỏe, điều kiện đi lại, giao tiếp khó khăn. Một số người còn tâm lý e ngại, thiếu tự tin nên không chủ động tìm việc làm để hòa nhập cộng đồng."
 
Mặt khác, NKT vấp phải sự phân biệt đối xử của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư… Ngoài ra, do các chính sách ưu đãi của Nhà nước cũng chưa đủ để “hấp dẫn” doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.
 
Theo quy định, doanh nghiệp sử dụng trên 30% lao động là NKT thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước…
 
Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại, kết nối và hỗ trợ việc làm cho thanh niên khuyết tật trên địa bàn tỉnh do Hội Vì sự phát triển của NKT phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức thì nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng lao động của NKT... 
 
Khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm
 
Theo quy định tại Luật Người khuyết tật và Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10-4-2012, Nhà nước khuyến khích NKT tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho NKT; hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
 
Sinh năm 1983, anh Cao Xuân Đàn, ở thôn Thuận Phước, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) là thanh niên khuyết tật vận động, đi lại rất khó khăn, thêm vào đó anh còn bị khuyết tật nghe, nói. Tuy nhiên, không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh đã tự tạo công việc cho mình thông qua nguồn hỗ trợ vốn 6 triệu đồng của Hội Vì sự phát triển của NKT để mua bò giống sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt nên bò giống sinh trưởng, phát triển tốt, tạo điều kiện cho gia đình anh phát triển kinh tế. Không chỉ chăn nuôi bò gia đình anh còn nhận nuôi, chăm sóc cho gần 20 con trâu, bò của người bà con để lấy tiền chăm lo cho gia đình.
 
Với ý chí, nghị lực vươn lên nghịch cảnh, không cam chịu số phận, anh Đàn cùng với gia đình mình đã có cuộc sống ổn định hơn. Chia sẻ với chúng tôi, anh không quên bày tỏ sự cảm ơn với các nhà hảo tâm, các cấp hội và địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành, chia sẻ với anh trong những năm tháng khó khăn, giúp anh có thêm động lực để vươn lên.
NKT Quảng Bình thực hiện màn trình diễn kỹ thuật đan sản phẩm mây tre tại liên hoan nghệ thuật tiếp cận châu Á -Thái Bình Dương 2019.
NKT Quảng Bình thực hiện màn trình diễn kỹ thuật đan sản phẩm mây tre tại liên hoan nghệ thuật tiếp cận châu Á -Thái Bình Dương 2019.
Hay trường hợp của em Trương Thị Hồng, ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) bị bại liệt từ lúc mới 2 tuổi sau một trận sốt, nhưng không vì thế mà Hồng tự ti, mặc cảm về sự khiếm khuyết của bản thân mà em luôn vươn lên.
 
Trong một lần tình cờ lên youtube, Hồng thấy được người ta làm tranh giấy xoắn rất đẹp nên tìm cách học hỏi. Hàng ngày, em đều mở youtube ra để xem họ chỉ dạy cách làm. Sau vài tháng kiên trì học hỏi, bức tranh giấy xoắn đầu tiên của em cũng hoàn thành và nhận được sự ủng hộ của bà con, bạn bè.
 
Đây là loại tranh không dùng cọ vẽ, chỉ cần ghép, phối màu những sợi giấy nhỏ đã được xoắn tròn đủ các màu sắc rồi khảm, dán vào nhau tạo thành tranh nên tốn rất nhiều thời gian mới hoàn thành xong một tác phẩm. Những bức tranh của em vô cùng sinh động, từ chân dung người, chim chóc, hoa cành, không chỉ được người dân trong xã đón nhận mà còn rất nhiều người trong tỉnh đặt hàng.
 
Không riêng gì anh Đàn, em Hồng mà còn rất nhiều điển hình NKT vươn lên trong cuộc sống như: anh Nguyễn Văn Lương (xã Cảnh Dương, Quảng Trạch), bị cụt 2 chân nhưng vẫn đóng tàu vươn khơi đánh bắt hải sản; anh Hoàng Văn Thắng (xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch), bị gù, vẹo cột sống, mở cơ sở mộc, thu hút 4 lao động; anh Phạm Văn Tiến (xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa), bị vẹo cột sống, lập công ty TNHH xây dựng thu hút 20 lao động; anh Hoàng Công Huân (xã Liên Thủy, Lệ Thủy), khuyết tật hệ vận động, làm chủ doanh nghiệp với 5 lao động; anh Lê Ngọc Tuấn (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh), bị liệt 2 chân, tổ chức cơ sở dạy vi tính và cơ sở làm bánh gai, thu hút 5 lao động...
 
Có thể thấy, NKT không chỉ có nghị lực, ý chí vươn lên mà hơn thế, họ truyền nghị lực sống cho những người đồng cảnh ngộ và xã hội. Tiềm năng của NKT rất lớn, họ có nhiều hoài bão, ước mơ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.Tuy nhiên, một khó khăn chung đối với NKT khi tự tạo việc làm là tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm do khâu tiếp thị, quảng bá còn hạn chế. Vì vậy, để NKT có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, tự lao động nuôi sống bản thân, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Theo hbtntt.quangbinh.gov.vn

Tin liên quan