Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân là một nhân tố không thể thiếu. Người khuyết tật là đối tượng lao động khá đặc thù nên các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân càng cần phải có trách nhiệm, sự quan tâm, ưu tiên đến đối tượng này nhằm đảm bảo sự bình đẳng như những lao động bình thường khác.
Trong xã hội hiện nay, để tìm được một công việc ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo, sức khoẻ không phải là chuyện dễ. Với người lành câu chuyện tìm việc làm đã là một điều khó khăn, còn với người khuyết tật thì lại càng gian nan. Để giúp người khuyết tật giảm bớt những khó khăn trong “công cuộc” tìm kiếm việc làm, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn, đầu tư công nghệ, ưu tiên về địa điểm… nhằm khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Đảm bảo sự bình đẳng về việc làm đối với NKT vừa mang lại hiệu quả công việc cho doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện cho NKT tự tin, hoà nhập.
Để tránh tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo ra những rào cản dẫn đến sự hạn chế cơ hội làm việc cho người khuyết tật, Luật người khuyết tật đã quy định các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Nội dung này đã được quy định rất rõ tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 33 Luật Người khuyết tật trong việc giải quyết việc làm đối với người khuyết tật. Đó là, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tuỳ theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc cho phù hợp với người khuyết tật; Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật.
Người lao động khuyết tật được tạo việc làm phù hợp tại Công ty TNHH Babeeni Việt Nam, chi nhánh Hải Dương.
Bằng việc nới lỏng các yêu cầu tuyển dụng đối với người khuyết tật không chỉ có ý nghĩa xã hội rất lớn mà còn giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể có được những lao động là người khuyết tật có trách nhiệm và đáp ứng yêu cầu công việc rất hiệu quả. Vì trên thực tế có nhiều người khuyết tật có trình độ học vấn cao, hoặc có những khả năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và điều quan trọng họ rất có trách nhiệm đối với công việc được giao.
Cùng với quyền tuyển chọn, tăng và giảm lao động là người khuyết tật để phù hợp với nhu cầu, điều kiện sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp, cá nhân cũng có trách nhiệm bảo đảm việc làm cho người lao động theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng lao động và phải nhận tỷ lệ lao động khuyết tật nhất định. Theo khoản 3 Điều 125 Bộ luật Lao động đã quy định quy định cụ thể, các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất dầu khí, đo đạc bản đồ, điện năng, luyện kim, hoá chất, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng cơ bản, vận tải phải nhận 2% lao động là người khuyết tật, doanh nghiệp thuộc các ngành khác là 3%. Trường hợp nếu doanh nghiệp không nhận hoặc ít hơn tỷ lệ quy định thì phải đóng góp một khoản tiền (mức tiền lương tối thiểu hiện hành nhân với số lao động là người khuyết tật mà doanh nghiệp phải nhận thêm) theo quy định của Chính phủ vào Quỹ việc làm để góp phần giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Ngô Tuân