Là thương binh, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có may mắn được tham dự nhiều cuộc hội thảo khoa học bàn về chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho thương binh và người tàn tật (nay là người khuyết tật - NKT) nên tôi phần nào cũng thấu hiếu được cảnh các doanh nghiệp có sử dụng lao động là thương binh, NKT đi “xin” chế độ ưu đãi mà Nhà nước đã dành cho họ. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới cảnh tượng trên..?

Trong bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào phân tích chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước đối với doanh nghiệp (DN) có sử dụng lao động là thương, bệnh binh và NKT.

Qua nghiên cứu các văn bản pháp quy liên quan tới đối tượng là NKT, người có công với cách mạng (NCC) và trải nghiệm thực tế, tôi thấy có nhiều nguyên nhân dẫn tới cảnh tượng trên, song tựu trung là do các nguyên nhân chủ yếu sau:

 Thứ nhất, các văn bản luật quy định không rõ ràng và lại không có tính kế thừa

Hiện nay, ở nước ta có tới hàng ngàn cơ sở (sau đây gọi là DN) sản xuất - kinh doanh có sử dụng lao động là thương, bệnh binh và NKT. Những DN này trực thuộc nhiều cơ quan chủ quản, như Hiệp hội DN của thương binh và NKT Việt Nam; Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam; Hội Bảo trợ NKT và trẻ em mồ côi Việt Nam; Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN; Hiệp hội DN nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam…  

Và lại mô hình DN sản xuất-kinh doanh của thương, bệnh binh và NKT ở nước ta hiện nay rất đa dạng về lực lượng lao động. Có DN lao động chỉ toàn anh em thương, bệnh binh; Có DN lại chủ yếu là thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ; Có DN lại bao gồm cả lao động là thương binh, lao động là NKT và lao động bình thường. Với mô hình này rất khó trong việc xác định tỷ lệ lao động được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Bởi hiện nay ở một số địa phương, ngành Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) không công nhận TB là NKT. Và thật khôi hài, tại một cuộc hội thảo khoa học có vị lãnh đạo cao cấp thuộc Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã có “sáng kiến” tháo gỡ vướng mắc khó khăn trên, như: DN thương binh muốn được hưởng chế độ ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước thì lãnh đạo DN nên cho anh em thương binh đi khám để lấy giấy xác nhận là NKT..!

Vì sao lại có chuyện dở khóc, dở cười này..? Theo tôi vì trong các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định các DN có tỷ lệ lao động là người tàn tật (NKT) từ 51% trở lên thì được hưởng chế độ ưu đãi miễn, hoặc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; Chứ không đả động tới các DN có sử dụng lao động là thương, bệnh binh.  

 Những lãnh đạo tiêu biểu của NKT đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh  

Cụ thể, như Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg ngày 24/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật được miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước”. Còn Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ thì quy định: “Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật”.

Song, nếu như các nhà làm Luật NKT (Luật số: 51/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 1/1/2011) vẫn bảo lưu Điều 1, Điều 2 của Pháp lệnh về người tàn tật số 06/1998/PL-UBTVQH10 được Ủy ban Thương vụ Quốc hội đã ký ban hành ngày 30/7/1998, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/1998 thì đâu cần phải tranh cãi TB có phải là NKT?

Bởi lẽ, tại Điều 1 Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 quy định: “Người tàn tật theo quy định của Pháp lệnh này không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn.”. Và Điều 2 Pháp lệnh này quy định: “Người tàn tật là thương binh, bệnh binh được quy định tại Điều 12 và Điều 13 của "Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng" được Nhà nước và xã hội tôn vinh, ngoài việc được hưởng chế độ ưu đãi riêng của Nhà nước theo pháp luật, còn được hưởng những quyền lợi trong Pháp lệnh này mà chế độ ưu đãi riêng chưa quy định.”

Và ngay như tại điểm 5, Mục I – Đối tượng và phạm vi áp dụng, Thông tư số 09/TT-LB ngày 17/5/1993 của Liên bộ LĐTB-XH-Tài chính và UBKH Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 15-TTg ngày 20/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật cũng quy định: “5. Trong một cơ sở phải có ít nhất 10 lao động, trong đó có 51% trở lên số lao động làm việc là thương bệnh binh đã được xếp hạng, người tàn tật do cơ quan y tế xác nhận, số lao động còn lại chủ yếu là vợ, con họ, thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, quân nhân xuất ngũ, người góp vốn cổ phần và người lao động có trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật.”.

Và tại điểm 1, Mục III – Tổ chức thực hiện, Thông tư số 09/TT-LB còn quy định: “Cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật là một tổ chức kinh tế được Nhà nước bảo hộ và khuyến khích phát triển do đó cần được quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, các đơn vị kinh tế, các tổ chức quần chúng tạo thuận lợi để cơ sở tồn tại đứng vững trong kinh tế cơ chế thị trường như ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi để lập cơ sở sản xuất kinh doanh, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, mặt hàng và các ưu đãi khác trong khuôn khổ quy định của pháp luật.”.

Đến đây có thể khẳng định rằng từ năm 1992 đến nay, các DN có sử dụng lao động là thương bệnh binh và NKT đều được Đảng và Nhà nước dành rất nhiều khoản ưu đãi, trong đó có miễn, hoặc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Có chăng, trong từng giai đoạn, Nhà nước chỉ có thay đổi cơ quan cấp giấy chứng nhận DN của TB và NKT, hay tỷ lệ TB, NKT mà DN sử dụng để được hưởng quyền ưu đãi miễn, hoặc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Ví dụ, triển khai thực hiện Quyết định số 15/TTg ngày 20/10/1992 của Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan ra Quyết định công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh, người tàn tật là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Song tới khi thực hiện Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ thì cơ quan ra Quyết định công nhận là Sở LĐTB-XH. Nhưng với tiêu đề sau: “Quyết định Về việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT”.

Để giúp các Sở địa phương thực hiện việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT đúng theo quy định của pháp luật, ngày 12/11/2012 Bộ LĐTB-XH đã ký ban hành Thông tư số: 26/2012/TT-BLĐTBXH “Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT”.

Tại Thông tư này, Bộ LĐTB-XH đã quy định rất cụ thể về cách tính để " xác định tỷ lệ lao động là  NKT” (Điều 2); “Hồ sơ, thủ tục và trình tự công nhận cơ sở sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hưởng ưu đãi” (Điều 3).

Ví dụ, Điều 2 - Xác định tỷ lệ lao động là NKT, Thông tư 26 quy định:

“1. Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại cơ sở sản xuất, kinh doanh (sau đây được gọi tắt là CS SXKD) được tính bằng tổng số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm chia cho tổng số lao động bình quân trong năm của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhân với 100.

Tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại CS SXKD:

= (tổng số lao động là NKT bình quân trong năm : Tổng số lao động bình quân trong năm của CS SXKD) x 100

Số lao động bình quân trong năm 2011 được xác định bằng:Ví dụ: Doanh nghiệp A có số lao động trên danh sách trả lương, trả công tháng 1 năm 2011 là 200 lao động (trong đó có 61 người khuyết tật); tháng 4 năm 2011 tuyển thêm 12 lao động (trong đó có 03 người khuyết tật); tháng 10 có 3 lao động nghỉ việc (trong đó có 01 người khuyết tật); tháng 12 có 3 lao động nghỉ việc.

200 lao động + [(12 lao động x 9 tháng) - (3 lao động x 3 tháng) - (3 lao động x 1 tháng)] : 12 tháng = 200 lao động + 8 lao động = 208 lao động.

Số lao động là người khuyết tật bình quân trong năm 2011 được xác định bằng:

61 lao động + [(3 lao động x 9 tháng) - (1 lao động x 3 tháng)] : 12 tháng = 63 lao động

Theo quy định tại Thông tư số 26, thì “Hồ sơ đề nghị công nhận bao gồm:Như vậy, tỷ lệ % lao động là người khuyết tật được sử dụng tại doanh nghiệp A được tính bằng: (63 lao động : 208 lao động) x 100 = 30,28%.”.

a) Văn bản đề nghị của cơ sở sản xuất, kinh doanh;

b) Bản sao Quyết định thành lập hoặc bản sao giấy phép hoạt động của cơ sở;

c) Danh sách lao động là người khuyết tật và bản sao Giấy xác nhận khuyết tật của những người khuyết tật có trong danh sách;

d) Bản sao hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng của những người khuyết tật đang làm việc.”. Quyết định công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật có thời hạn là 24 (hai mươi bốn) tháng.

Thứ hai, những bất cập trong việc thực thi chính sách ưu đãi

Từ trước đến nay, DN có sử dụng lao động là thương bệnh binh và NKT luôn được Đảng và Nhà nước dành rất nhiều khoản ưu đãi, trong đó có ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Song trên thực tế để được thụ hưởng khoản ưu đãi này, DN tuy đã có “Quyết định Về việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT” do Sở LĐTB-XH cấp vẫn phải gian nan chạy đủ thủ tục để hoàn tất hồ sơ báo cáo với Chi cục Thuế (nơi DN triển khai dự án). Bởi, cơ quan thuế ở các địa phương, họ phải lo hoàn thành trách nhiệm với Nhà nước về việc thu, nộp ngân sách trên địa bàn. Vì thế, trước tiên, họ phải có nhiệm vụ thực hiện các văn bản luật chuyên ngành, như Luật Quản lý thuế, Luật Giá…và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ví dụ, để triển khai thực hiện Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Chính phủ: “Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước”, ngày 16/6/2014, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 77/2014/TT-BTC.

Tại Nghị định số 46, Chính phủ đã dành riêng Mục 2: “Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước”, bao gồm 4 điều: Điều 18 (Nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước); Điều 19 (Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước); Điều 20 Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; Điều 21 (Thẩm quyền xác định và quyết định số tiền thuê đất, thuê mặt nước được miễn, giảm).

Để hướng dẫn việc “miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước” theo quy định tại Mục 2 Nghị định 46, Bộ Tài chính cũng dành riêng Mục 3 “Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước”, bao gồm 3 điều: Điều 12 (Áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước); Điều 13 (Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước trong một số trường hợp); Điều 14 (Hồ sơ miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước); Điều 15 (Trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước).

Song, nếu nghiên cứu kỹ khoản 1, Điều 19 (Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước), Nghị định 46, thì chúng ta sẽ thấy đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh chung cho các dự án đầu tư trong nền kinh tế, chứ không điều chỉnh trường hợp ưu đãi đã quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ. Bởi lẽ, khoản 1, Điều 19 Nghị định 46 quy định: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê trong 10 trường hợp quy định tại các điểm a), b)… i), k). Còn điểm d, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP quy định: “đ) Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật. Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.”.

Chính vì do không có sự thống nhất trong việc áp dụng luật để điều chỉnh chính sách ưu đãi “Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước” đối với các doanh nghiệp chính sách nên doanh nghiệp và cơ quan thuế ở địa phương đôi lúc không có được tiếng nói chung.    

           NHỮNG KHUYẾN NGHỊ THAY LỜI KẾT

Thứ nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo Luật, khi sửa đối, bổ sung Luật NKT (Luật số: 51/2010/QH12) cần cho ghi lại Điều 1, Điều 2 Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 vào. Như thế mới không xảy ra sự tranh cãi giữa các doanh nghiệp thương binh với ngành LĐTB-XH ở một số địa phương là thương, bệnh binh có được xếp vào NKT?

Thứ hai, trong khi Luật NKT mới chưa ra đời thì Bộ LĐTB-XH và Bộ Tài chính cần có văn bản chung hướng dẫn cụ thể về chính sách ưu đãi “Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước” dành cho các DN có sử dụng 30% lao động là thương bệnh binh và NKT trở lên.

Thứ ba, cơ quan thuế địa phương cần sử dụng tài liệu mà Sở LĐTB-XH đã tính toán để cấp “Quyết định Về việc công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT” cho DN, làm căn cứ xét duyệt chế độ “Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước” cho DN; Không nên bắt DN nộp những giấy tờ như đã gửi cho Sở LĐTB-XH để xét duyệt ban hành Quyết định. Trong trường hợp có nghi vấn thì Cục Thuế có tờ trình UBND tỉnh cho phép  thành lập đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở LĐTB-XH; Sở Tài chính; Cục Thuế (có sự tham gia của Chi cục Thuế nơi DN có dự án). Nếu DN vi phạm thì xử lý nghiêm và thu hồi những khoản tiền mà DN đã được miễn, giảm trước đó./.

Theo Hoanhap.vn

Tin liên quan