Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn số 2113/LĐTBXH-VPQGGN về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 năm 2023 và rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Văn bản nêu rõ, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 277/LĐTBXH-VPQGGN ngày 6/2/2023 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 227/LĐTBXH-VPQGGN của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023 và số vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
Thứ hai, tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo các cấp; rà soát danh mục các dự án đầu tư, nội dung hoạt động, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, công khai, minh bạch; dứt khoát không dàn trải, manh mún, tránh rủi ro trong quá trình thực hiện; kiên quyết đưa ra khỏi danh mục các dự án, hoạt động không hiệu quả, không khả thi.
Thứ ba, nghiên cứu đổi mới cách thức triển khai Chương trình theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, thiết kế quy trình, thủ tục thông thoáng phù hợp điều kiện thực tiễn và đặc thù của tỉnh theo quy định.
Thứ tư, rà soát, tổng hợp dữ liệu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, danh mục dự án đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023, định kỳ báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan theo quy định.
Thứ năm, căn cứ ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về việc kiểm toán Chương trình từ khi triển khai đến ngày 31/12/2022, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương được giao trong việc quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình để kịp thời rà soát, chấn chỉnh, khắc phục theo quy định như:
Giao các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chỉ đạo các ngành, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn được giao.
Giao các đơn vị có liên quan rà soát và cân đối nguồn ngân sách địa phương để đối ứng thực hiện Chương trình theo đúng quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Chỉ đạo các sở, huyện liên quan phân bổ, sử dụng vốn đầu tư, vốn sự nghiệp đúng đối tượng, nội dung chương trình.
Thứ sáu, tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình của tỉnh, thành phố đến hết ngày 30/6/2023 và ước thực hiện hết ngày 31/12/2023 gửi về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo; số 35 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội). Bản điện tử đề nghị gửi về email [email protected] trước ngày 30/6/2023 để tổng hợp, báo cáo Đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” theo Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội.
Thứ bảy, xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 trên địa bàn tỉnh, thành phố, bảo đảm thực hiện đúng, đủ quy trình, xác định chính xác đối tượng, bảo đảm quy định về thời gian và hệ thống mẫu, biểu báo cáo; đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và thu thập cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư.
Đối với các địa phương ban hành chuẩn nghèo riêng, thực hiện rà soát quy định về chuẩn nghèo của địa phương bảo đảm phù hợp theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP.
Trước đó, vào tháng 1/2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc.
Cụ thể, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.
Tại huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ nghèo đa chiều là 55,45%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538.737 hộ.
Cũng tại các địa bàn trên, tỷ lệ hộ nghèo là 38,62%; tổng số hộ nghèo là 375.141 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,84%; tổng số hộ cận nghèo là 163.596 hộ.
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (ASVHO) là tổ chức
xã hội hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi.,
được thành lập ngày 25/4/1992 theo quyết định số 136/CT của Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hội đã 4 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân
chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 lần Huân chương Lao động
hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; vận động nguồn lực từ
các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật với
mục đích tổ chức các hoạt động trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của
người khuyết tật, trẻ mồ côi, hỗ trợ họ sống tự tin, tự lực và hòa nhập cộng đồng.