Sinh ra với thân hình không trọn vẹn nhưng họa sĩ Lê Minh Châu đã làm được những việc phi thường, truyền cảm hứng đến cộng đồng.
Nhắc đến cái tên Lê Minh Châu, chắc hẳn nhiều người yêu hội họa không còn xa lạ. Đó là nam họa sĩ khuyết tật vẽ tranh bằng miệng, sinh năm 1991 (Đồng Nai) từng xuất hiện trong bộ phim ngắn: ‘Chau Beyond The Lines’ của nữ đạo diễn Courtney Marsh.
Ngay khi ra mắt vào năm 2015, bộ phim đã tạo nên tiếng vang lớn, lọt top 10 đề cử hạng mục: ‘Phim tài liệu ngắn hay nhất’ tại Oscar 2016.
Minh Châu trở thành nhân vật truyền cảm hứng, lay động trái tim biết bao người.
Lê Minh Châu trong bộ phim ‘Chau Beyond The Lines’. |
Cuộc sống nơi làng trẻ
Trò chuyện với phóng viên sau chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM, dù khá mệt nhưng Châu vẫn nở nụ cười tươi rói. Được biết, Châu sinh ra tại Đồng Nai với căn bệnh: Teo cơ khớp tứ chi (càng lớn, tay chân càng teo lại).
Sáu tháng tuổi, anh được gia đình đưa đến làng trẻ Hòa Bình (BV Từ Dũ, TP.HCM) - nơi chuyên nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.
Họa sĩ Lê Minh Châu. Ảnh: Nguyễn Tấn Vinh. |
'Năm 11 tuổi, tôi thực sự bị sốc khi bố mẹ quay lại tìm. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó, cô nuôi gọi tôi lên văn phòng. Trước mặt tôi là hai người xa lạ, chưa từng gặp mặt.
Cô nuôi giới thiệu đó là bố mẹ đẻ của tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: ‘Đây là bố mẹ con à?’. Bố mẹ tôi bật khóc, nói xin lỗi. Lúc đó tôi mới bắt đầu nghĩ nhiều đến cội nguồn. Tôi cũng thắc mắc vì sao bố mẹ không nuôi mà để mình ở làng trẻ… Bao câu hỏi liên tục xuất hiện .
Khi gia đình đón về nhà ở Đồng Nai chơi, chứng kiến gia cảnh nghèo khó, tôi đã hiểu rằng, việc bố mẹ đưa mình vào làng trẻ Hòa Bình là việc chẳng đừng.
Đêm đầu tiên đó, mẹ thức trắng đêm, thủ thỉ tâm sự cùng đứa con hơn 10 năm xa cách. Đôi lúc tôi thấy bà đưa tay lên quệt nước mắt. Bà trách bản thân, để tôi phải sống lạc lõng nơi đất khách quê người’, Minh Châu nghẹn ngào kể.
Hành trình không mỏi của chàng trai khuyết tật
Vượt lên nghịch cảnh, Châu đã và đang làm những việc phi thường. Không ai nghĩ đứa trẻ bị bỏ rơi năm xưa có thể trở thành họa sĩ nổi tiếng, tự nuôi sống bản thân bằng cây cọ vẽ.
‘Tôi phát hiện mình đam mê vẽ, có tư duy màu sắc từ năm 9 tuổi. Năm đó, có nữ họa sĩ đến làng vẽ tranh tường, tôi lập tức bị cuốn hút, ngồi xem cô vẽ tranh.
Nhìn mảng màu sắc rực rỡ, tôi ao ước mình cũng vẽ được như vậy. Thấy tôi chăm chú xem, cô hỏi tôi có muốn học không? Tất nhiên tôi trả lời là có.
Tôi bắt đầu làm quen với cây bút, bảng màu. Tôi tập vẽ bằng tay nhưng không thể, tôi chuyển qua tập vẽ bằng miệng’, Châu nói.
Từ đó, mỗi ngày Châu ngậm cây bút vào miệng, tập điều khiển cây vẽ sao cho mềm mại. Thời gian đầu chưa quen, bút chọc thẳng vào họng, vào răng khiến anh đau điếng. Vết thương chưa kịp lành, Châu lại tiếp tục. Sau này học vẽ thêm màu dầu, việc Châu bị nuốt phải màu trở thành cơm bữa.
Tất cả các dịp đi du lịch, thăm quan… Châu đều cố gắng lưu giữ phong cảnh nơi đó và về phác thảo lại.
Anh chia sẻ giấc mơ làm họa sĩ của mình cho vài người quen biết nhưng người ta cười phá lên rồi khẳng định, anh chẳng bao giờ làm được. Vì câu nói đó, mỗi lần vẽ tranh, Châu đều giấu dưới đệm nằm, không dám khoe ai.
‘Tôi nghĩ mình chưa vẽ đẹp. Khi bạn bè cùng phòng dọn dẹp, lật tấm đệm lên, thấy nhiều tranh, họ khen ngợi, mang tranh của tôi treo khắp phòng ngủ. Cứ thế, những bức tranh của tôi bắt đầu được mọi người chú ý, khách đến làng trẻ đều ghé thăm gian phòng trưng bày đầu đời đó’, họa sĩ 28 tuổi bộc bạch.
Năm 17 tuổi, bằng nghị lực và quyết tâm của tuổi trẻ, Châu quyết định rời làng Hòa Bình, tự nuôi sống bản thân bằng cách mở phòng tranh, dạy học.
Nam họa sĩ có thể nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật. Anh mở một lớp học vẽ dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi với mọi quốc tịch khác nhau. Tất cả các em học vẽ sẽ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Châu hướng dẫn các em nhỏ học vẽ. |
Vài năm nay, anh thuê căn hộ chung cư nhỏ, làm nơi ở, vẽ tranh và chuyển lớp vẽ về nhà.
Những hoàn cảnh khó khăn, Châu đều miễn hoặc giảm hoặc phí. Châu cũng mua màu vẽ tặng, tạo điều kiện cho các em có thể theo đuổi đam mê giống anh ngày xưa.
Không dừng lại ở đó, Minh Châu đã có một hành trình không mỏi, tham gia vào các hoạt động từ thiện, vẽ tranh quyên góp tiền cho những hoàn cảnh bất hạnh.
Anh thường xuyên đồng hành cùng chương trình 'Xanh yêu thương' - một dự án thuộc Hội Y tế công cộng TP HCM triển khai nhằm cải thiện sức khỏe học đường tại các vùng sâu vùng xa (Nước sạch học đường, nhà nội trú, nhà vệ sinh học đường...)
Bức ảnh Châu vẽ quyên góp cho bà con vùng thiên tai. Ảnh: Nguyễn Tấn Vinh. |
Hai năm trước, trận lũ kinh hoàng quét qua các tỉnh miền Trung. Nhân dịp ra Hà Nội chơi, Châu quyết định lên Bờ Hồ vẽ tranh, phía dưới giá vẽ đặt hộp đựng tiền.
Mọi người qua lại, trầm trồ trước khả năng của chàng trai khuyết tật. Nghĩ anh biểu diễn vẽ tranh mưu sinh, họ thi nhau cho tiền vào thùng. Sau đó, Châu gom toàn bộ số tiền được 2 triệu đồng, gửi đến một tổ chức thiện nguyện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai.
Cách đây vài tháng, trong một sự kiện, bức tranh Châu vẽ được mang ra đấu giá. Số tiền bán tranh được BTC xây dựng 2 nhà vệ sinh ở tỉnh Bình Thuận và Gia Lai cho các học trò nghèo. Châu còn tham gia cùng một số mạnh thường quân, vẽ tranh ủng hộ tiền xây cầu cho bà con tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Lễ khởi công xây dựng cây cầu bằng tiền Châu vẽ tranh quyên góp. |
Hiện tại, nam họa sĩ còn dạy vẽ miễn phí cho một số trung tâm nhân đạo. Châu tâm sự, mỗi ngày anh chỉ ngủ 4 tiếng, dành 20 tiếng còn lại để lao động nghệ thuật và mang trái tim nhân hậu của mình trao tặng cuộc đời.
Ngoài các dự án thiện nguyện cộng đồng, mỗi tháng Châu tích cóp một phần tiền kiếm được, ủng hộ trên danh nghĩa cá nhân cho những trường hợp khó khăn.
'Cuộc đời không cho tôi lành lặn nhưng tôi sẽ biến cuộc đời mình thành điều tuyệt vời nhất', Châu nói. |
Lê Minh Châu trao quà cho học sinh vùng sâu vùng xa trong dự án thiện nguyện của mình. |