Ánh mắt ngời sáng hạnh phúc, giọng nói tự tin, nụ cười rộng mở, họ đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết mạnh mẽ đến mọi người bởi sức mạnh nội tâm tỏa ra từ chính những câu chuyện của cuộc đời họ.
Những người phụ nữ dám dấn thân, tạo sự thay đổi trong buổi tọa đàm tại Women’s Summit 2019 do Forbes tổ chức ngày 23/5
“Đằng sau người phụ nữ thành công là người đàn ông yêu thương vô điều kiện”Cả khán phòng Women’s Summit 2019 như vỡ oà khi tận mắt chứng kiến chàng kỹ sư người Úc đã quỳ liên tục cả tiếng đồng hồ bên sân khấu để ghi lại cho vợ những tấm hình đẹp nhất. Chuyện tình đẹp như cổ tích của cô gái khuyết tật Nguyễn Thị Vân, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Trung tâm nghị lực sống Imagtor và nỗ lực không ngừng nghỉ để biến sự yếm thế của mình trở thành sức mạnh, tạo dựng một trung tâm đào tạo cho hơn 1000 người khuyết tật có công ăn việc làm, tự chủ trong cuộc sống đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người.
Ánh mắt ngời sáng hạnh phúc, giọng nói tự tin, nụ cười rộng mở, Nguyễn Thị Vân đã truyền ngọn lửa tự tin và mạnh mẽ đến tất cả mọi người bởi sức mạnh nội tâm tỏa ra từ chị. Điều gì đã khiến cho một phụ nữ nhỏ bé, ngồi xe lăn, chưa bao giờ bước đi được bằng đôi chân của mình lại có thể trở thành một doanh nhân, tạo động lực sống và cống hiến cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ.
Chia sẻ về cuộc đời mình, Vân nói: “Từ nhỏ tôi đã có thôi thúc phải làm gì đó, không chấp nhận hiện tại, từ đó tôi có hành động quyết liệt hơn so với các bạn cùng trang lứa bị khuyết tật khác, giúp cho bạn bè có cuộc sống tươi mới hơn. Tạo trung tâm dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật để có cuộc sống bền vững, từ cơ sở từ thiện, tôi lập thêm công ty kinh doanh, giúp cho người khuyết tật hiểu rằng mình không có gì khác biệt với xã hội. Hiện Trung tâm đã đào tạo một ngàn em khuyết tật, giúp các em có việc làm, tôi khá hài lòng với cuộc sống của mình”.
Làm thế nào để tạo ra giá trị sống cho riêng mình khi cuộc đời không may mắn như người khác. Vân cho rằng: “Khi lớn lên, nhìn thấy người khuyết tật ăn xin trước cổng chùa, tôi nghĩ cuộc đời mình không thể như vậy được. Người khuyết tật còn chịu rất nhiều phân biệt trong đối xử, nhưng mình luôn có niềm tin vào bản thân, biến sự bất lợi của mình thành lợi điểm. Bạn thử hình dung một cô gái áo đỏ ngồi xe lăn như tôi xuất hiện trong hội nghị này, khiến ai cũng phải chú ý. Đó chính là điểm mạnh để tôi bước ra xã hội, tiếp cận khách hàng, làm họ nhớ tới mình.
Trong cuộc sống có rất nhiều người giúp Vân để có sự đột phá. Khi tôi 12 tuổi, anh trai tôi, Nguyễn Công Hùng, người từng được gọi là Hiệp sĩ công nghệ thông tin được tặng chiếc xe lăn. Ra Hà Nội cùng anh, tôi phát hiện người tặng cũng là một người ngồi xe lăn, và được mọi người rất chú ý. Điều này khiến tôi thay đổi suy nghĩ, mình sẽ là người có ảnh hưởng đến mọi người.
Ra Hà Nội làm được 2 năm, tìm kiếm cơ hội có học bổng du học Thái Lan, cũng là ngày Vân được trường báo chỉ có Vân đi một mình không ai hỗ trợ. Nhận được thông tin mình rất thất vọng, nhưng phải thử chứ. Viết mail tới trường bày tỏ nguyện vọng ước mơ đi học, sau 1 tuần, họ đồng ý hỗ trợ 1 suất học bổng nữa cho người hỗ trợ mình được đi học. Đừng bao giờ dừng lại bởi những mặc định, hãy phá bỏ tất cả mọi định kiến để thực hiện ước mơ”.
Kể về mối tình kỳ diệu với Neil Bowden Laurence, người đã yêu thương cô vô điều kiện, Vân chia sẻ rất hóm hỉnh: “Trước đây mình toàn quen mấy anh Việt Nam, tính cũng khoảng 6 anh rồi, nhưng toàn quen chơi chơi vậy thôi. Sau đó qua Úc du học, thấy bạn mình, một người khuyết tật quen với một người mù và đã kết hôn, mình tiếp tục thả thính trên facebook, sau mấy tháng anh Neil bị dính! Chúng mình đã sống thử, thấy phù hợp và kết hôn, giờ thì anh định cư ở Việt Nam luôn”.
Chia sẻ với những phụ nữ trẻ, Vân nói: “Tôi có thể đến các hội nghị và ngồi xe lăn, đôi khi sự bất bình đẳng đến từ sự yếu thế. Khó khăn chính là phần tất yếu của cuộc sống, vì mọi việc dễ dàng thì cuộc sống tẻ nhạt lắm. Bạn không cần giống ai cả, hãy là chính mình. Khi anh ấy cầu hôn tôi, tôi đã hỏi anh ấy “Em có đẹp không”, anh trả lời “Đẹp”, tôi hỏi tiếp “Em có sexy không”, anh trả lời “Có sexy”. Vậy thì mình kết hôn!
Tôi không muốn anh ấy lấy tôi chỉ vì thương hại. Tôi nhìn vào gương thấy mình đẹp mà. Đằng sau người phụ nữ hạnh phúc viên mãn là người đàn ông yêu thương vô điều kiện. Để được yêu thương, bạn hãy tự tin với chính mình”.
Nói về Vân, Nell chỉ dành vài lời ngắn gọn và cảm động: “Cô ấy là người truyền cảm hứng, nhìn thấy điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người”.
"Người làm giáo dục phải mạnh mẽ hơn"
PGS.TS Chu Thị Cẩm Thơ hiện là Phó trưởng ban phụ trách, ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đồng thời là người sáng lập và giám đốc nghiên cứu phát triển chương trình dạy toán cho trẻ em POMART được công bố 2012. Năm 2016 chương trình được nghiệm thu và đưa vào giảng dạy, áp dụng ở các trường tiểu học lớn của Hà Nội như Archimedes, Hanoi Academy, Tây Hà Nội, Brendon, Tiểu học đô thị Sài Đồng.
Đề cập đến mục đích sống của mình, Chu Thị Cẩm Thơ chia sẻ: “Tôi muốn truyền cảm hứng cho các giáo viên, đồng nghiệp bằng chính những nghiên cứu của mình. Tôi muốn mọi người tự chủ, bình đẳng và tự nắm bắt được cơ hội khi được hưởng nền giáo dục tốt. Tôi muốn gia tăng sự trải nghiệm để người học cảm nhận và tự tìm ra tri thức cho bản thân. Người dạy tự thiết kế và làm chủ chương trình dạy học. Chính vì vậy, tôi đã tham gia đào tạo hàng chục ngàn giáo viên, hỗ trợ các cộng đồng dạy học tích cực, giáo viên sáng tạo”.
Luôn không thích hai từ “Phải” và “Không được”, trở thành người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ dám dấn thân và sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, Cẩm Thơ cho rằng đó là phương châm sống của mình từ khi còn nhỏ.
“Khi mẹ bắt tôi vào sư phạm, để kiềm chế bớt những cá tính mạnh mẽ của mình, nhưng mỗi lần bắt đầu công việc, tôi thấy tất cả mọi người đều có thể thay đổi một thế giới, đầu tiên là bản thân mình, và cho người khác. Ngay cả môn toán của tôi, phải làm cách khác để có tự do trong đó, không phải chờ đợi cơ hội người khác mang đến.
Để liên minh những người giáo viên muốn làm gì đó thay đổi nền giáo dục, không còn cách nào khác là phải dấn thân. Hãy làm đi, đừng chờ đợi sự cấp vốn của nhà nước. Ai cũng xứng đáng được đánh thức tính thiện, sự tích cực, để sống tử tế hơn. Những năm gần đây tôi dành nhiều thời gian cho giới trẻ, tổ chức các ngày hội khoa học, định hướng cho phụ huynh trẻ… Nếu mọi người đều làm như thế thì cuộc sống sẽ tốt hơn. Tôi làm điều đó rất tự nhiên.
Tôi luôn không thích hai từ “Phải” và “Không được”. Lịch sử gia đình tôi có nhiều thăng trầm, khiến mẹ luôn nói câu “Phải” và từ “Không được” với tôi. Mọi người luôn nói tôi không được lấy chồng, nhưng tôi vẫn có chồng. Mọi người chờ đợi phải có tiền bảo trợ từ Nhà nước mới viết sách nhưng tôi không chờ đợi, tôi viết sách không có tài trợ. Trong gia đình nghĩ tôi làm việc như vậy thì không thể nấu được cơm nhưng tôi vẫn làm được cả hai.
Mọi người nghĩ sinh viên sư phạm phải mô phạm, tôi không thích hai từ này vì nó hạn chế suy nghĩ, tầm nhìn của mình. Tôi không được du học nước ngoài vì gia đình không muốn cho tôi đi, định kiến xã hội thường cho rằng người không học nước ngoài thì không được cái này, cái kia. Tôi phải đi từ bên ngoài vào để được chấp nhận trong ba mươi ăm qua, dù ngành giáo dục rất khác với kinh doanh”.
Chia sẻ về trách nhiệm của người làm giáo dục, Cẩm Thơ tỏ ra quyết liệt: “Người làm giáo dục cũng phải mạnh mẽ hơn, để xã hội nhìn thấy tương lai bắt đầu từ giáo dục. Mình không làm thì ai làm? Chúng ta không thể chờ mong bất kỳ ai hết, mỗi giáo viên đều phải làm để nâng cao dân trí, phải có niềm đam mê để nghiên cứu giáo dục. Nếu có cơ hội hãy làm đi”.
"Xã hội không cần một Jang kều giàu có hơn mà cần Giang giúp cho mọi người trở nên tốt đẹp hơn"
Phạm Thị Hương Giang được biết đến qua vai trò sáng lập và điều hành dự án Nhà Chống Lũ, một dự án phát triển xã hội, quyên góp từ cộng đồng qua hoạt dộng online và đấu giá trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật, nhằm hỗ trợ người dân cùng xây nhà an toàn trong các vùng chịu thiên tai, bão lũ
Dự án ra đời năm 2013 khi Giang đang là chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc 5 công ty trong tổ hợp các công ty tư vấn, sáng tạo và truyền thông GroupG Asia Pacific Pte Ltd, trụ sở chính tại Singapore. Lúc ấy, chị đang là mẹ của một đứa con trai mắc chứng tự kỷ luôn cần đến mình nhưng Giang vẫn lựa chọn con đường đầy nhọc nhằn là Nhà Chống Lũ.
“Từ nhỏ tôi rất khao khát được kết nối và chia sẻ, từng thành lập rất nhiều CLB như tiếng Anh, trung tâm gia sư, khiêu vũ…để tạo việc làm cho bạn bè. Một ngày tôi cùng bạn bè đi cứu trợ cho bệnh nhân nghèo trường tiểu học Quảng Nam, khi biết có em không thể tới, tôi quyết định đi thăm những nhà nghèo nhất. Bước vào làng, trước mắt tôi hiện ra ngôi nhà chỉ còn có cái nền, toàn bộ tường mái đã biến mất, tôi quyết định vét tất cả đồng tiền còn lại cho các em. Gặp người đàn ông tay cầm cái cuốc và bức ảnh gia đình, mắt không còn cảm giác gì, tôi hiểu với người mất hết nhà cửa, họ không còn hy vọng gì ở tương lai.
Tôi thay đổi suy nghĩ, phải hỗ trợ để mỗi người xây được căn nhà bền vững. Giúp đỡ, chung tay cùng họ xây nhà, giúp họ thay đổi cuộc đời, tôi nghĩ ra phương án 50-50, từ đó khởi xướng nhà chống lũ 2013 với mức giá 50 triệu đồng/căn. Chúng tôi cùng kiến trúc thiết kế nhà cho dân, đến nay đã được 700 căn nhà, thay đổi nhận thức sống trong tương lai của 700 gia đình. Họ bắt đầu mong muốn con được đi học, mở cửa hàng sửa xe, tự tin thay đổi cuộc sống. Đây chính là đam mê thực sự để mình đeo đuổi, làm gì có ý nghĩa cho chính cuộc đời họ và người xung quanh”.
Để xây nhà chống lũ và ngôi làng hạnh phúc, để giúp người khác thành công, Giang cho rằng: “Trong tôi có cả người kinh doanh và nhà hoạt động xã hội. Hồi bé thì đi bán rau giúp cho những bạn rất nghèo, thời sinh viên thì mở trung tâm gia sư, khiêu vũ, buôn quần áo, kiếm rất nhiều tiền âm thầm đóng tiền học cho ba người bạn…
Sau đó lớn lên, tôi mở doanh nghiệp, dùng tiền để làm thiện nguyện. Thời học năm thứ tư tôi từng bỏ học làm dự án thuỷ sản biển, mẹ rất thất vọng khi thấy con gái về các miền quê giúp họ bảo vệ môi trường. Sau khi làm rất nhiều nghề, giảng trường đại học, tôi nghĩ tại sao mình không dùng sự sáng tạo, khả năng quản lý để làm điều gì cho xã hội.
Xã hội không cần một “Jang kều (biệt hiệu của Giang) giàu có hơn, mà cần Giang giúp cho mọi người trở nên tốt đẹp hơn".
Tôi hiện có 5 dự án cho quỹ, còn 5 công ty đều thuê tổng giám đốc, mình làm chủ tịch, cố gắng cân bằng thời gian để tư vấn chiến lược thôi, và cân bằng thời gian cho cậu con trai của mình nữa. Mục đích sống của tôi luôn có sự dịch chuyển, mong ước nhất có thể làm hoàn toàn cho cộng đồng, các mảng kinh doanh khác có thể gọn lại".
Nhà Chống Lũ chưa bao giờ dùng hình ảnh thương tâm để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, Giang luôn đưa hình ảnh tươi vui, tích cực. Cách hỗ trợ 50- 50% của Giang khiến cho người dân thực sự tin tưởng vào chính mình, mong muốn thay đổi cuộc đời, chị kể:
“Ai cũng muốn tìm ra đam mê, tìm ra mình giỏi nhất cái gì. Tôi có một câu chuyện để tìm ra đam mê. Tôi có cậu con trai Taka bị tự kỷ, tôi đã đưa con đi khắp nơi, đến những vùng đất xa xôi để tìm ra gốc gác của con mình,đi tìm niềm tin tôn giáo, giúp con trở lại bình thường. Nhưng thực ra không phải thế.
Một hôm tôi có người bạn đến tặng tôi bó hoa, tôi rất vui, không còn kiểm soát con nữa. Tôi vốn luôn nhắc nhở, kiểm soát con từng ly từng tý, nhưng vì vui quá nên tôi đã để cho con được tự do: “Hãy làm gì con muốn đi”. Tôi thấy Taka ngồi gần cửa, đưa tay lên đón những giọt nắng và cười rất hạnh phúc. Taka đang nhặt nắng và đếm từng sợi nắng trên tay mình
Lúc ấy, tôi rất căng thẳng, chưa thể hạnh phúc thì con mình làm sao hạnh phúc? Nhìn thấy vẻ đẹp của Taka khi nhặt nắng, tôi thấy à, tai sao không làm điều mình muốn? Quay trở lại hành trình thời sinh viên, từ bỏ rất nhiều việc, tặng bạn bè những công ty event của mình để dành thời gian cho Nhà Chống Lũ
Khuyến khích nông dân chỉ bỏ 50 % làm dự án nhà chống lũ, vì tôi hiểu mình không thể giúp theo cách mình muốn, mà phải thực sự lắng nghe điều họ muốn, để cùng chung tay với mình. Ban đầu bạn bè ai cũng phản ứng, cho rằng người dân không chịu bỏ ra 50% đâu, nhưng tiền không phải là tất cả.
Nhà đầu tiên tôi giúp đã sắp đổ rồi, gần như mục, ngước lên thấy 1 cái quan tài trên gác xép, tôi hỏi bà chủ nhà , bà kể cách đây ba năm lũ cao quá, bà với ông phải núp trên gác xép, lũ lâu quá, ông chết, bà ôm xác ông trên đó, phải cuốn ông bằng chiếc chiếu đem chôn. Bao nhiêu năm bà tích cóp quan tài để ít ra chết còn có cái để chôn.
Tại sao mong ước một con người lại kinh khủng như thế? Kiểu gì cũng phải giúp bà, nhưng không thể dùng hết tiền của mình. Tìm hiểu kỹ tôi phát hiện bà có ba người con gái ở xa, vận động họ gửi thêm tiền về cho mẹ để xây nhà. Từ đó, tôi nhận ra mình chỉ thực sự hạnh phúc khi làm điều mình muốn.