Theo Báo Hà Tĩnh: Mới đây, Đội An ninh Công an huyện Nghi Xuân phát hiện người đàn ông tên là Đào Thanh Toại (1982) quê quán xã Đức An là Giám đốc TTTVLNKT có trụ sở tại 14 Lý Thái Tông, khối 5, phường Bến Thủy, thành phố Vinh (Nghệ An) có hành vi giả mạo chữ ký của Phó Giám đốc TTTVLNKT Nguyễn Hữu Khang để lợi dụng trẻ khuyết tật trục lợi người tiêu dùng.

Giám đốc Trung tâm Tạo việc làm người khuyết tật (Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Nghệ An) Đào Thanh Toại tại Công an huyện Nghi Xuân.

Sáng 28/8/2020, tại cổng Công an huyện Nghi Xuân xuất hiện cháu bé cùng chiếc xe đạp cà tàng trên tay cầm 1 hộp bút bi. Gặp cán bộ trực ban, cháu chìa giấy giới thiệu của Trung tâm Tạo việc làm người khuyết tật (TTTVLNKT) thuộc Hội Bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An “gạ” bán hộp bút bi 30 chiếc với giá 300 ngàn đồng.

Thấy cháu bé còn nhỏ, cán bộ trực ban yêu cầu phải có người lớn giám hộ mới mua hàng. Chiều cùng ngày, cháu bé đi cùng một người đàn ông đến, xuất trình giấy giới thiệu do Phó Giám đốc TTTVLNKT Nguyễn Hữu Khang ký, ghi rõ: Kính gửi Ban lãnh đạo Công an huyện Nghi Xuân; giới thiệu ông Đào Thanh Toại và cháu PDH, đến quý cơ quan để… “xin liên hệ công tác”.

Những chiếc bút bi Smart (1) do Trung Quốc sản xuất được đóng gói trong hộp 48 chiếc có giá bán lẻ trên thị trường là 52.000/hộp

Nghi ngờ có điều khuất tất, Đội An ninh Công an huyện Nghi Xuân đã tiến hành xác minh nhân thân các đối tượng. Qua kiểm tra, xác minh, người đàn ông tên là Đào Thanh Toại (1982) quê quán xã Đức An (nay là xã An Dũng, Đức Thọ) là Giám đốc TTTVLNKT có trụ sở tại 14 Lý Thái Tông, khối 5, phường Bến Thủy, thành phố Vinh (Nghệ An); cháu PDH (2003) là trẻ khuyết tật cũng ở trung tâm này.

Quá trình làm việc với Cơ quan Công an, ông Toại thừa nhận đã giả mạo chữ ký của Nguyễn Hữu Khang để bán hàng. Trớ trêu ở chỗ, ông Nguyễn Hữu Khang không làm việc tại trung tâm này hơn 1 năm nay. Hơn nữa, dù trung tâm không có chức năng bán bút bi nhưng ông Toại vẫn tổ chức cho các trẻ khuyết tật đem hàng đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tờ phiếu thu sau khi bán 30 bút bi với giá 300.000 đồng cho Trường Tiểu học Xuân Hồng.

Quá trình làm việc với Cơ quan Công an, Đào Thanh Toại trình bày: mua những chiếc bút bi nhãn hiệu Smart (1) với giá 4.000 đồng/chiếc ở chợ Vinh rồi bán ra 10.000 đồng/chiếc.

Tuy nhiên, theo Đội phó Đội an ninh Công an huyện Nghi Xuân Trần Thị Thu Thủy: “Những chiếc Smart (1) do Trung Quốc sản xuất được đóng gói trong hộp với 48 chiếc có giá bán lẻ trên thị trường là 52.000/hộp”.

Chỉ tính riêng từ ngày 22 - 28/8/2020 bằng “bảo bối” là giấy giới thiệu do trung tâm cấp, cháu PDH đã đem đi tiêu thụ 5 gói bút bi Trung Quốc giá 300.000 đồng tại: Trường Tiểu học Xuân Hồng, UBND phường Đậu Liêu, Trường THPT Hồng Lĩnh, Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân và Kho bạc Nhà nước huyện Nghi Xuân.

Ông Toại còn thừa nhận, đầu năm 2018 đến nay, bút bi đã được các cháu khuyết tật đem bán nhiều nơi tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trụ sở của Trung tâm Tạo việc làm người khuyết tật Nghệ An tại 14 Lý Thái Tông, khối 5, phường Bến Thủy, thành phố Vinh.

TTTVLNKT là đơn vị trực thuộc Hội Bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An, được hội “khai sinh” ngày 19/10/2016. Tuy nhiên, điều bất ngờ là sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, đơn vị chủ quản không hề biết hoạt động của đơn vị thành viên.

Tại buổi làm việc với Công an huyện Nghi Xuân vào ngày 31/8/2020, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Nghệ An Trần Anh Tời thừa nhận: Hội không nắm rõ được số lượng trẻ mồ côi, tàn tật và các hoạt động khác tại TTTVLNKT. Ông Nguyễn Hữu Khang - Phó Giám đốc trung tâm nghỉ việc từ lúc nào hội cũng không biết. Chỉ biết trung tâm không có chức năng bán hàng.

Thiếu tá Hồ Công Đạt - Phó trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho biết: “Công an huyện Nghi Xuân đề nghị các cơ quan chức năng Nghệ An xử lý nghiêm hành vi vi phạm của TTTVLNKT và người đứng đầu trung tâm này. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của Hội Bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đối với việc buông lỏng quản lý để đơn vị thành viên “tự tung tự tác”, hoạt động không đúng mục đích tôn chỉ gây ảnh hưởng lớn đến ANTT trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, làm xói mòn niềm tin của quần chúng Nhân dân".

Lợi dụng người khuyết tật để trục lợi bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 3 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì hành vi lợi dụng người khuyết tật để trục lợi sẽ bị xử phạt như sau:

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

...

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 3 Điều này.

Như vậy, đối với hành vi bạn thắc mắc (lợi dụng người khuyết tật để trục lợi) có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Đồng thời, sẽ bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trên đây là nội dung quy định về mức xử phạt hành vi lợi dụng người khuyết tật để trục lợi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP.

Tin liên quan