Chị Nguyễn Khánh Minh (Hà Nội) có gương mặt mà ai nhìn vào cũng có thể cảm nhận được sự bao dung và hiền hậu. Chị giãi bày: Tôi ám ảnh với những hình ảnh người khuyết tật nằm lê lết ở dọc các ngã tư, con phố, đi ăn xin… sống bằng tình thương của người khác”.
Chị đã thuê địa điểm ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội và biến nơi đây thành “ngôi nhà đan móc” cho các chị em khuyết tật. Chị khẳng định: Họ đều có khả năng tạo ra giá trị đúng nghĩa.
Bị chèn ép bởi những khối u to như bát tô úp lên cơ thể mình. Chị Nguyễn Thương sinh ra đã phát hiện căn bệnh u sụn từ nhỏ. Chị đã mổ mấy lần nhưng theo thời gian nó lại trở về trạng thái như cũ, thậm chí còn to lớn hơn. Chính vì những khối u đó, chị chủ yếu làm việc bằng tay trái, mọi người đều nói chị là người làm khéo nhất. Chị có thể tự móc cho mình chiếc váy xòe duyên dáng có nhiều họa tiết, những con thú có nhiều kích cỡ khác nhau… Chị cũng có thể dạy cho những thành viên ở đây cùng theo học nghề. Chị Thương trước kia cũng là một dược sĩ nhưng chính ngôi nhà này đã khiến chị đến với nghề móc. Chị nức nở: Chính ngôi nhà này đã kéo chị lại những lần trầm cảm do mất mát người thân, bệnh tật.
Hay chị Nguyễn Như Thêu, là một người bị bại liệt, cũng trải qua những lần mổ đau đớn. Chị là người có khả năng vận động tốt hơn so những thành viên ở đây. Chị chính xác là “chân chạy”, những bước chân tập tễnh, chậm chạp nhưng là linh hồn của cả ngôi nhà. Từ việc lấy dụng cụ, giúp đỡ các thành viên khác, giao hàng đến tận nhà các thành viên vận động khó khăn đến giao hàng cho khách. Trước kia chị cũng từng làm công ty may, cũng đã từng là nhân viên bán hàng… nhưng việc đó dường như không phù hợp với chị. Giờ đây, chị không sống co mình lại giống nữa, chính vì được làm việc, được tiếp xúc, chị tự tin hơn nhiều! Chị hồ hởi nói: Giờ chị là thổ địa ở đây rồi nhé!
Việc đan móc dù không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, hay phải sử dụng nhiều sức lực nhưng đòi hỏi người làm ra nó phải có thời gian, làm thật tỉ mỉ, cầu kỳ, chính xác bởi nếu sai một mũi kim sẽ sai cả đoạn về sau. 12 thành viên chính thức trong ngôi nhà này tự chỉ cho nhau để hoàn thiện trên những sản phẩm để tung ra thị trường. Những sản phẩm được khéo léo làm thủ công bằng tay đương nhiên sẽ đắt hơn sản phẩm dệt. Chính vì đan móc kén người dùng nên chị em cũng tự tìm cách đến phát triển mẫu mã và kiểu dáng khác nhau…
Bởi được sống với những giá trị của mình, chị em ở đây như Thương, Thêu, Nhung, cô Hà… có người đang chạy thận, có người ngồi xe lăn… Những đôi chân tập tễnh, những bàn tay không được lành lặn, kết hợp với nhau để tạo ra những sản phẩm độc đáo. Đó là những chiếc khăn, là túi xách, là váy, là áo, váy… là những con thú nhồi bông dễ thương. Họ chia sẻ, kết nối với nhau để cùng chiến đấu với cuộc sống đầy khắc nghiệt này. Trong căn nhà ấy, mỗi lần gặp mặt có phần ồn ào, đương nhiên sẽ không thiếu bóng dáng của nụ cười.