Ông Lực luôn tìm hiểu tận nơi tận chốn và hỏi bác sĩ cụ thể chi phí điều trị để sự trợ giúp được đúng người đúng nhu cầu.

Ông là Nguyễn Văn Lực – Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo - Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng (Hội Bảo trợ BNT). Gần như mỗi tháng, 30 ngày ông dành trọn cho việc vận động tài trợ và tổ chức các chương trình nhân đạo giúp những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chỉ tính riêng 5 năm gần đây (giai đoạn 2016 – 2020) ông cùng các hội viên Hội Bảo trợ BNT đã vận động các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ và tài trợ hơn 338 tỉ đồng để giúp cho 232.907 lượt bệnh nhân, người nghèo, trẻ mồ côi…

Không chỉ chăm lo cho bệnh nhân nghèo, trẻ em dị tật và trẻ mồ côi, ông Nguyễn Văn Lực còn vận động tài trợ nâng cao chất lượng bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh mẫu giáo vùng xa, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em mù và trẻ mồ côi; tổ chức cứu trợ và cấp vốn cho đồng bào nghèo, người khuyết tật bị thiệt hại do bão lũ ở Lâm Đồng và các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định; tài trợ khoan giếng và xây dựng trạm cấp nước sạch cho các xã và các trường học vùng xa; thành lập và tài trợ dài hạn cho bếp ăn từ thiện tại Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên; hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 50 gia đình người mù, khuyết tật và gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Bệnh nhân Rơ Ông Y Tang ( huyện Đam Rông) bị đa chấn thương, gãy chân trái hoàn cảnh rất khó khăn, được Hội hỗ trợ 23.500.000đ.

Từ năm 2016 đến nay, ông Nguyễn Văn Lực đã được Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội, Bộ Công an, Trung ương Hội Người Khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBMTTQVN tỉnh tặng nhiều bằng khen về hoạt động nhân đạo từ thiện và 6 Kỷ niệm chương vì đã đóng góp cho sự nghiệp an sinh xã hội, vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, vì an ninh tổ quốc và chăm lo cho người cao tuổi. 

Ông cũng được tỉnh Lâm Đồng tuyên dương và tặng danh hiệu "Gương sáng đời thường" (2018); được Bộ Lao động - Thương binh Xã Hội và Trung ương Hội Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam 3 lần vinh danh là "Người bảo trợ tiêu biểu". Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì "đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và được vinh danh "Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" (2020).

nguoinguysuotdoi004-1630463019207456744454

Hỗ trợ người già neo đơn và người khó khăn do COVID-19

Cùng với các danh hiệu và khen thưởng, ông Lực có được sự yêu mến, ngưỡng mộ, khâm phục, quý trọng và noi gương của rất nhiều người, vì ý chí vượt qua bệnh tật, nỗ lực và tấm lòng không ngừng nghỉ để làm từ thiện, gieo hạnh phúc, yêu thương đến những mảnh đời khốn khó vì bệnh tật, bất hạnh vì đói nghèo… 

Ông tự ví mình: "Như là một tảng đá nhỏ trên núi cao, trải qua bao năm tháng nung đốt dưới hơi nóng của mặt trời nên thân thể đầy vết nứt. Rồi vỡ ra, lăn xuống chân núi và dạt vào dòng suối. Hình hài mang đầy thương tích với những nỗi đau tưởng như không dứt. Nhưng chính dòng suối trong mát đã làm những vết thương trên cơ thể của lành lặn. Không làm được những việc lớn, chỉ xin làm con thuyền bé nhỏ chuyên chở yêu thương".

"Con thuyền nhỏ bé chở đầy yêu thương" ấy, không những đã đến được nơi cần đến, mà còn thắp lên niềm tin về lòng nhân ái, khơi dậy cái tâm, cái thiện trong cộng đồng và thu hút hơn 1.000 người tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện – Họ vừa là đối tác, vừa là cộng sự, là Việt kiều, doanh nhân trong và ngoài nước; hay đơn giản chỉ là hội viên của ông (là bác sĩ, công nhân, nông dân, cán bộ hưu trí, tiểu thương, lái xe, chủ doanh nghiệp, tu sĩ, người nội trợ, giáo viên, sinh viên...), thậm chí có những người còn chưa dư dả gì, phải chạy chợ, làm thuê… nhưng có sự đồng cảm, sẻ chia, nhiệt thành... Trên con đường thiện nguyện, từ Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, dường như đều có dấu chân ông, bởi với ông đó là "mệnh lệnh của trái tim".

nguoinguysuotdoi005-16304630598681053398261

Ông chia sẻ thêm: "Từ năm lên sáu tuổi, tôi đã theo mẹ đi phát gạo, phát muối, phát mì tôm cho người nghèo. Năm 1969, tôi gia nhập Đoàn Thanh niên Hồng thập tự Đà Lạt khi tròn 16 tuổi, được tham gia nhiều hoạt động trợ giúp những mảnh đời bất hạnh, được chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, giúp trẻ mồ côi và người khuyết tật. 

Sau năm 1975, tôi làm công tác báo chí, phát thanh truyền hình rồi về làm lãnh đạo chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng. Cuộc đời cứ đưa đẩy, nhưng có một việc chẳng ai phân công, chẳng ai "bổ nhiệm" mà luôn cuốn hút và thôi thúc tôi hơn 60 năm qua, đó là công việc từ thiện". Từ khi được ghép thận hiến tặng, ông Lực còn tâm niệm làm từ thiện để không phụ ân tình của người đã cho ông thận – dù ông không biết đó là ai!

Người nguyện suốt đời thực thi mệnh lệnh trái tim - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Lực (ngoài cùng bên phải) trong chương trình “Kết nối yêu thương - Đem ánh sáng cho người nghèo 2021” tại Di Linh, Lâm Đồng.

Ông Lực chính là người đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo - người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Lâm Đồng (năm 2011); đồng thời, khẳng định quan điểm: "Làm từ thiện phải có cái tâm, phải công khai, minh bạch tài chánh. Tôi sử dụng Facebook để thông tin việc trao tặng quà, nhà, xe lăn, xe đạp… để các nhà tài trợ, ân nhân biết. Tôi và Hội Bảo trợ BNT là chiếc cầu để nối nhịp yêu thương của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đến với bệnh nhân nghèo, trẻ em mồ côi".

Hằng tháng, vợ chồng ông Lực dành trọn tiền cho thuê mặt bằng, ông trích thêm 1/2 tiền lương hưu, con gái ông đều đặn gửi về 6 triệu đồng/tháng; phần còn thiếu ông vận động bạn bè, người thân giúp đỡ để chăm lo cho 40 cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa, với số tiền trợ giúp mỗi người 800.000 đồng/tháng (tiền mặt, gạo, sữa, nhu yếu phẩm, thuốc men…).

Nhiều người ví ông Lực như ông Bụt, còn số tiền ông quyên góp, kêu gọi để hoạt động từ thiện được gọi là những con số của tình thương. Và từ khi được thành lập, tài khoản của Hội Bảo trợ chưa bao giờ đóng lại và chưa bao giờ cạn. Ông Lực không rõ tài khoản ấy sẽ có bao nhiêu tiền. Chỉ chắc chắn một điều, tài khoản ấy không bao giờ cạn, bởi nó được tạo ra từ lòng trắc ẩn, tình thương yêu, sự nhân ái của những trái tim khỏe mạnh và được chi tiêu vào đúng một lý do duy nhất, hồi sinh cho những trái tim lỗi nhịp. Ông Lực cũng khẳng định: "Nếu như sau một đợt khám tầm soát, có 100 trường hợp cần phải phẫu thuật để giành lại sự sống cho các em, chúng tôi cũng có thể tiến hành ngay lập tức".

Ông Nguyễn Văn Lực trong chương trình tặng nhà tình thương và tặng xe đạp, áo khoác cho người dân
Người nguyện suốt đời thực thi mệnh lệnh trái tim - Ảnh 8.

Những bệnh nhân nghèo được hỗ trợ mổ mắt miễn phí.

Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao vai trò của Hội Bảo trợ Bệnh Nhân nghèo: "Không chỉ là không khí chan hòa, thắm đượm tình nhân ái của anh chị em hội viên Hội bảo trợ; mà những người kết nối yêu thương còn góp phần đem lại nhịp đập bình thường, sự lành lặn cho trái tim bệnh nhân nghèo, trẻ khuyết tật, mồ côi. Con số hơn 338 tỷ đồng mà Hội đã vận động tài trợ cho 17 chương trình nhân đạo là con số biết nói, là tấm lòng của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân và những tấm lòng nhân ái đã dành cho bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi và những mảnh đời bất hạnh".

Ông Lực vẫn luôn hy vọng có đủ sức khỏe để tiếp tục đi những nơi cần đi, đến những nơi cần đến để vận động tài trợ nhằm tổ chức tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa các chương trình nhân đạo từ thiện cùng các hội viên Hội Bảo trợ BNT tỉnh Lâm Đồng để tiếp tục giúp những người bị bệnh tim bẩm sinh sớm tròn nhịp đập, đôi môi của các cháu dị tật nở được nụ cười, đôi mắt của người cao tuổi được nhìn thấy ánh sáng, người nghèo khó có được căn nhà, người già neo đơn được nuôi dưỡng, người khuyết tật có được phương tiện mưu sinh và lan tỏa những trái tim thiện nguyện đến thật nhiều người khác …

nguoinguysuotdoi009-16304631960251186762186

"Trong 10 năm làm Chủ tịch Hội Bảo trợ BNT tỉnh Lâm Đồng (2011 đến nay), ông đã vận động hơn 500 tỷ đồng để giúp đỡ hơn 1.300 trẻ em và bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim; giúp đem lại ánh sáng đôi mắt cho gần 10.000 người cao tuổi; tặng 4.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt; tăng hơn 1.500 xe đạp và 1.200 suất học bổng đã được trao cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo, gần 100 ngôi nhà tình thương được xây dựng; đã có 421 cháu bé bị dị tật bẩm sinh được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; hơn 4.000 lượt học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số được tài trợ nâng cao thể trạng từ những bữa ăn dinh dưỡng; hơn 6.000 thẻ bảo hiểm y tế được tặng cho những gia đình khó khăn;

Hơn 100 hoàn cảnh được hỗ trợ từ các chương trình Tiếp sức hồi sinh, Vượt lên chính mình, Mở cửa tương lai, Khát vọng sống, Thắp sáng ước mơ Xanh, Nhịp tim Việt Nam, Nâng cao chất lượng dinh dưỡng, Phẫu thuật đem lại nụ cười, Trợ vốn khởi nghiệp…; nhiều gia đình được hỗ trợ từ 100 - 500 triệu đồng; nhiều công trình công cộng như giếng khoan, hệ thống nước sạch, thư viện trường học, cầu giao thông, bếp ăn tình thương được xây dựng để phục vụ đồng bào, bệnh nhân và học sinh vùng sâu, vùng xa..."

nguoinguysuotdoi010-16304632299091897106219

Trong 5 năm (2016-2020), 248 bệnh nhân nghèo và trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được tài trợ 100% chi phí phẫu thuật tim; 6.890 người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo; 1.126 bộ máy trợ thính được tặng cho trẻ em khiếm thính và người có vấn đề về thính lực; 531 lượt trẻ khuyết tật cơ quan vận động và trẻ em bị sẹo lồi, sẹo bỏng, sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng; 51 bệnh nhân khánh kiệt vì suy thận mãn được hỗ trợ chi phí chạy thận nhân tạo hàng tháng; 2.326 xe lăn, xe lắc được tặng cho người khuyết tật và bệnh nhân bị tai biến, bại liệt;

6.260 người được tặng thẻ bảo hiểm y tế; 40.245 lượt bệnh nhân nghèo, trẻ khuyết tật và đồng bào vùng dân tộc thiểu số được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, siêu âm, xét nghiệm, chụp X Quang; 869 chiếc xe đạp, 265 suất học bổng và 21 máy vi tính xách tay cho học sinh mồ côi, khuyết tật và học sinh nghèo; 35 nhà tình thương được xây mới cho gia đình bệnh nhân nghèo và người khuyết tật; 4.500 phụ nữ nghèo được khám tầm soát ung thư phụ khoa và nhũ khoa; 9.689 người nghèo được trám, nhổ, trồng răng giả và điều trị các bệnh về răng miệng; hơn 150 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ viện phí, chi phí phẫu thuật và chi phí điều trị các bệnh hiểm nghèo; 11.300 người nghèo ở vùng sâu, vùng xa được hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực trong những mùa giáp hạt…

Theo Suckhoedoisong.vn

Tin liên quan