Những yếu tố thúc đẩy sự thành công của giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật
Theo báo cáo của tổ chức UN năm 2015, người khuyết tật (NKT) là1 tỷ người trong tổng số 7,3 tỷ dân số thế giới (chiếm 7,3%). Trong đó 85% NKT sống ở các nước đang phát triển và Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có nhiều NKT nhất (730 triệu NKT). Tại Việt Nam, theo số liệu của ngành lao động thương binh và xã hội, năm 2014 có 6,1 triệu NKT, trong đó có 1,98 triệu trẻ khuyết tật. 4,7% số này là trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi 5-18.
Các học sinh trường tiểu học Thanh Trì đoạt giải cuộc thi "Ước mơ của em" chụp ảnh cùng cô hiệu trường và đại diện Trung tâm ICC
Lịch sử phát triển con người đã trải qua ba mô hình trợ giúp NKT. Đầu tiên từ mô hình từ thiện, sau dó đến mô hình y tế và hiện tại là mô hình xã hội. Mô hình xã hội có nghĩa là cả xã hội tạo cơ hội cho NKT tham gia, các chính sách pháp luật quy định quyền của NKT, tạo điều kiện để thực hiện quyền, xã hội gỡ bỏ rào cản, NKT đóng góp cho xã hội. Mô hình này tạo cơ hội cho NKT thực hiện quyền nên còn được gọi là mô hình tiếp cận dựa trên quyền. Cùng với sự phát triển của các mô hình này thì vai trò và vị thế của các tổ chức xã hội, đặc biệt là vai trò của các tổ chức của và vì người khuyết tật, của Hội người khuyết tật các cấp đã được nâng cao. Với các hoạt động đa dạng, thiết thực cho cộng đồng NKT, tiếng nói của các tổ chức này đã được các cơ quan chính quyền quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện trong quá trình NKT hoà nhập cộng đồng, đóng góp vào xã hội, thực hiện chính sách của Nhà nước.
Cô Nguyễn Thúy Vân - Hiệu trưởng trường tiểu học Thanh Trì trao giải đặc biệt và phần thưởng cho em Nguyễn Trang Nhung
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ Hòa nhập người khuyết tật (gọi tắt là Trung tâm ICC),một tổ chức thành viên của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, được thành lập theo quyết định số 03/QĐ-HNKT ngày 08 tháng 03 năm 2012 của Chủ tịch Hội trên cơ sở Văn phòng Hòa nhập ra đời năm 2010 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), theo đúng tên gọi của mình, đã và đang tiến hành nhiều chương trình hoạt động hỗ trợ người khuyết tật từng bước hòa nhập cộng đồng, thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền được tiếp cận giáo dục.
Nhà vệ sinh trường Bình Minh sau khi cải tạo
Với sự kết nối của Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, từ năm 2017, Trung tâm ICC đã hợp tác với Tổ chức Angels’ Haven của Hàn Quốc thực hiện dự án “Cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật tại Hà Nội”. Mục tiêu của dự án là tăng cường cơ hội giáo dục cho trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật thông qua việc cải thiện môi trường giáo dục tiếp cận. Dự án được thực hiện với sự phối hợp của Ban nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện khoa học giáo dục Việt Nam trường chuyên biệt Bình Minh, huyện Đông Anh, trường tiểu học Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai và Hội Người khuyết tật huyện Đông Anh - đây là những tổ chức đại diện cho người khuyết tật tại hai địa phương.
Đường tiếp cận cho học sinh khuyết tật tại trường Bình Minh
Các hoạt động chính của dự án được thiết kế nhằm tăng cường sự thích ứng xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật thông qua việc cải thiện môi trường giáo dục. Dự án đã cải tạo trường học tiếp cận với học sinh khuyết tật và cung cấp một số đồ dùng cho trường chuyên biệt và trường hoà nhập. Cụ thể hai trường đã được hỗ trợ để xây dựng các đường dốc tiếp cận với lớp học tầng 1, cải tạo nhà vệ sinh phù hợp với học sinh khuyết tật. Để việc cải tạo được thuận lợi và an toàn cho học sinh, Hội người khuyết tật địa phương đã cử đại diện đến các trường cùng trao đổi, thống nhất phương án cải tạo và giám sát công việc tại trường. Kết quả là các hạng mục cải tạo được thực hiện đúng kế hoạch, sự có mặt thường xuyên của cán bộ ICC và Hội người khuyết tật địa phương đã gắn kết thêm mối quan hệ giữa các trường và các bên liên quan. Trong quá trình thực hiện dự án, bên cạnh những hoạt động về chuyên môn giáo dục sinh động, hấp dẫn dưới sự tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia từ Ban nghiên cứu giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dụcViệt Nam, cảnh quan của hai ngôi trường thay đổi và góp phần đem lại cho học sinh nhà trường niềm vui khi đến trường học.
Học sinh trường chuyên biệt Bình Minh chia vui cùng các bạn đoạt giải
Vai trò của Hội người khuyết tật cấp địa phương cũng đã được phát huy trong hoạt động nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh khuyết tật về kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật tại nhà nhằm thay đổi những định kiến trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật. Cùng với nhà trường, ICC và Hội NKT 2 quận, huyện đã cùng vận động các cha mẹ học sinh tham gia các hoạt động liên quan của dự án. Tại các buổi trao đổi này, kinh nghiệm của chính những người khuyết tật đã vươn lên trong cuộc sống của các Hội, những trao đổi, chia sẻ thông tin đến những người tham dự đã để lại những ấn tượng sâu sắc và làm thay đổi nhận thức của nhiều cha mẹ trẻ khuyết tật, giúp cho họ không bi quan về tình trạng khuyết tật của con mình, mà có cái nhìn lạc quan về khả năng của người khuyết tật Thông qua đây, vai trò của các Hội trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng cũng được ghi nhận một cách tích cực.
Với quan điểm để học sinh khuyết tật có cơ hội được hỗ trợ về mọi mặt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, Trung tâm ICC và hai Hội người khuyết tật địa phương đã tiến hành tập huấn cho cha mẹ học sinh khuyết tật tại Trường Chuyên biệt Bình Minh và Trường Tiểu học Thanh Trì về kỹ năng thành lập, vận hành và vận động gây quỹ cho Câu lạc bộ cha mẹ trẻ khuyết tật. Sự chia sẻ kinh nghiệm của những người khuyết tật có con là học sinh, sự hỗ trợ của Hội địa phương đã phần nào giúp các cha mẹ trẻ khuyết tật tại hai trường yên tâm tham gia CLB. Tại Hoàng Mai, Hội NKT quận xác định CLB Cha mẹ trẻ khuyết tật sẽ là 1 tổ chức thành viên của Hội. Các hoạt động của CLB sẽ được Hội đưa vào kế hoạch hoạt động của Hội để trình UBND quận phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện. Tại Đông Anh, Chủ nhiệm CLB Cha mẹ trẻ khuyết tật sẽ được xem xét là uỷ viên Ban chấp hành Hội NKT huyện Đông Anh. Đồng thời trong quá trình hoạt động của CLB, Hội NKT huyện sẽ tạo mọi điều kiện để CLB phát triển và mở rộng.
Các học sinh trường chuyên biệt Bình Minh đoạt giải cuộc thi "Ước mơ của em" bên cô Phó hiệu trưởng và đại diện Trung tâm ICC
Đối với học sinh tại hai trường thí điểm, năm 2017, ICC đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề "Ước mơ của em" nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về khuyết tật. Để học sinh có thể đến gần hơn với chủ đề “Ước mơ của em”, Trung tâm ICC đã tổ chức buổi lễ phát động cuộc thi vào ngày 11/12/2017 tại mỗi trường. Hoạt động này giúp cho các em được nâng cao nhận thức về người khuyết tật nói chung và các bạn khuyết tật đang theo học tại trường nói riêng thông qua phần chia sẻ, hướng dẫn của cô Đinh Thị Quỳnh Nga – giáo viên dạy họa trường chuyên biệt Sóc Sơn, người đã gắn bó với nghệ thuật hội họa và học sinh khuyết tật từ rất lâu. Cô Nga đồng thời cũng là một cán bộ của Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn nên đã đem đến và truyền cảm hứng cho các "họa sỹ nhí" rất nhiều. Hơn thế nữa, trong thời gian dự thi, học sinh của hai trường đã nhận được sự hỗ trợ không chỉ của cô giáo Nga, mà còn của các giáo viên dạy họa của mỗi trường. Các cô đã có thời gian hướng dẫn cụ thể hơn để trẻ đến gần hơn với “Ước mơ của em”.
Chỉ qua hai tuần dự thi, ban tổ chức đã nhận được 1.141 bài dự thi của các em. Trong đó có 111 bài dự thi của trường chuyên biệt Bình Minh và 1030 bài dự thi của trường tiểu học Thanh Trì. Đây là một con số ấn tượng thể hiện sự đam mê của trẻ đối với nghệ thuật hội họa và với chủ đề của cuộc thi, đồng thời thể hiện sự làm việc hết mình của những cán bộ của ICC, của Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai và huyện Đông Anh.
Để nâng cao nhận thức về quyền của học sinh khuyết tật, năm 2017, Trung tâm ICC thực hiện một số sản phẩm truyền thông. Các sản phẩm này được gửi đến các cha mẹ học sinh trường chuyên biệt Bình Minh và tiểu học Thanh Trì, đồng thời cũng được hiển thị tại nhà trường, các địa điểm công cộng ở Hoàng Mai và Đông Anh nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về quyền được học tập của trẻ khuyết tật.
Những kết quả trên thể hiện sự kết nối, phối hợp hiệu quả của Trung tâm ICC, các Hội Người khuyết tật với các bên liên quan, với chính quyền các cấp. Các đơn vị này đang dần khẳng định vai trò là cánh tay nối dài của chính quyền trong các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền của trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục./.