Người ta thường nói "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay", tuy nhiên, đối với chị Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Người mù huyện Phú Xuyên (Hà Nội), không còn thị lực không đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa của tương lai sẽ khép lại.
Sinh năm 1976, ở xã Ðại Thắng (Phú Xuyên, Hà Nội), chị Việt Anh là một người mù bẩm sinh. Tuy không được may mắn nhìn thấy ánh sáng, nhưng trong chị luôn có một khát khao, đó là tri thức. Do hoàn cảnh khó khăn, đến năm 16 tuổi, chị mới có cơ hội được học chữ nổi và bắt đầu chương trình tiểu học. Kiên trì theo học văn hóa qua các bậc học phổ thông và chương trình dành cho người khiếm thị, chị đã quyết tâm theo học và tốt nghiệp chuyên ngành Luật của Viện đại học Mở Hà Nội. Năm 1996, chị được bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Phú Xuyên. Tại đây, chị tham gia giảng dạy chữ nổi cho học viên. Sau nhiều năm tích cực tham gia các hoạt động của Hội, năm 2017, chị được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Là người đứng đầu một tổ chức xã hội đặc thù, không chỉ cố gắng cho bản thân, mà chị còn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, động viên họ vượt lên số phận, giúp đỡ hội viên tiếp cận tri thức, học nghề để cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. "Tôi luôn động viên hội viên, dù mình là người khuyết tật cũng không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ từ người khác, không để bản thân bị lãng quên trong bóng tối", chị Việt Anh chia sẻ.
Chị Trần Việt Anh (đeo kính đen) hướng dẫn học viên đan lồng lưới (Ảnh Kinh tế đô thị).
Trong vai trò là Chủ tịch Hội, chị Việt Anh không ngừng cố gắng, nỗ lực, tìm tòi xây dựng, triển khai dự án lớp học phục hồi chức năng và dạy nghề đan lưới lồng cho hội viên. Với người bình thường, việc xây dựng dự án đã khó, còn đối với người khiếm thị việc xây dựng dự án và nhất là vận động hội viên tham gia lớp học còn khó khăn gấp bội. Bởi lẽ, rất nhiều chị em và người thân do chưa hiểu hết về dự án, đã ngăn cản và bản thân họ cũng không muốn tham gia học nghề vì tự ti, mặc cảm. Thấu hiểu điều đó, nên bằng sự đồng cảm, lòng nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, chị đã đến từng nhà hội viên để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó có biện pháp tuyên truyền, vận động tham gia lớp học. Sau một thời gian, các hội viên đã từng bước vượt qua chính mình, tham gia học nghề và có thu nhập từ 50 đến 60 nghìn đồng/ngày. Ðiều phấn khởi hơn cả là giờ đây, lớp học không chỉ là nơi anh chị em học nghề, mà đã trở thành nơi để anh chị em chia sẻ những kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống. Mỗi ngày đến lớp đối với họ đã trở thành một ngày đầy niềm vui và ý nghĩa.
Với nghị lực vượt lên số phận, và những thành tích đã đạt được, chị Trần Việt Anh đã vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2020, nhận Bằng khen của T.Ư Hội Người mù Việt Nam. Thế nhưng có lẽ, phần thưởng lớn nhất của chị đó là tình yêu thương, sự nể phục của các hội viên nói riêng và của mọi người nói chung dành cho chị. Chị xứng đáng là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng, để những người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung tự tin, mạnh mẽ vươn lên.