Nữ luật sư Chia Yong Yong sắp trở thành nghị sĩ quốc hội của Singapore. Câu chuyện đang gây chú ý bởi bà là một người khuyết tật ngồi xe lăn.
Luật sư Chia, với 20 năm ngồi xe lăn vì chứng teo cơ mác, chia sẻ rằng bà không thể không nhận thấy nhiều người gọi bà là “luật sư khuyết tật”. Do đó, với nhiệm kỳ hai năm rưỡi sắp tới tại quốc hội, người phụ nữ 52 tuổi này quyết định sẽ tập trung để vận động về tầm quan trọng của những người khuyết tật, bắt đầu bằng việc xóa bỏ cái nhìn phiến diện về người khuyết tật. Và cũng bởi nó gắn bó từ câu chuyện chính cuộc đời bà.
“Cha tôi là tài xế”
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng người khuyết tật cũng có những khả năng khác nhau và rất nỗ lực để hòa nhập vào xã hội" Luật sư CHIA YONG TONG |
Luật sư Chia nhìn nhận mình thật sự may mắn khi có một gia đình tuyệt vời. Ba mẹ của bà không có nhiều cơ hội để học hành đến nơi đến chốn và phải bươn chải mưu sinh nên rất hiểu giá trị của kiến thức.
Họ đã không từ bỏ hi vọng mà còn đặt niềm tin mạnh mẽ vào cô con gái mắc chứng teo cơ mác. Báo Straits Times cho biết ba mẹ của bà Chia tin rằng bằng cấp sẽ chắp thêm đôi cánh cho đứa con lớn nhất của họ vào một ngày nào đó, cho bà một sự độc lập nhất định và thu nhập đủ để sống một cuộc sống đầy đủ hơn, thậm chí cả khi phải vật lộn hằng ngày với đôi tay co quắp và chiếc xe lăn.
Để con theo đuổi học vấn, ông Chia Cheng Heng hằng ngày lái xe tải chở con gái đến Trường ĐH Quốc gia Singapore. Trong khi đó mẹ của bà là Teo Kee Wei nhận thêm nhiều công việc để tăng thu nhập cho gia đình. Bà Teo đã nhận trông trẻ, làm người giúp việc và công nhân nhà máy.
Không phụ sự kỳ vọng của ba mẹ, bà Chia Yong Yong đã vượt qua số phận và trở thành một luật sư, người đứng đầu một tổ chức từ thiện vì người khuyết tật và sắp trở thành thành viên của Quốc hội Singapore.
Ngày nay, cha bà Chia vẫn là một tài xế của gia đình. Hằng ngày ông đều chở con gái đến văn phòng Công ty luật Yusarn Audrey nơi bà đang làm việc.
“Tôi đã lớn lên trong một môi trường được che chở và yêu thương. Tôi cảm thấy rằng nếu mình có thể thì tại sao những người khác lại không?” - bà chia sẻ về việc muốn cống hiến và tranh đấu cho quyền lợi của người khuyết tật.
Cần thay đổi cả cộng đồng
Quen biết bà Chia 25 năm trước khi bà còn có thể tự đi trên chính đôi chân mình, giảng viên Luật ĐH Quốc gia Singapore Stephen Phua (50 tuổi) chia sẻ ông chưa từng nhìn thấy những cảm xúc tiêu cực nơi bà Chia. Thay vào đó bà luôn có một sự vui vẻ dễ lan truyền cho người khác. “Chứng kiến cuộc đấu tranh hằng ngày của cô ấy với những nhiệm vụ đơn giản đã xoa dịu mọi sự mệt mỏi và sự thiếu kiên nhẫn nơi tôi. Cô ấy là hình ảnh thu nhỏ của một tinh thần bất khuất với tâm hồn dịu dàng” - ông Phua hồi tưởng. |
Theo bà Chia, những cụm từ như “cộng đồng người khuyết tật” dùng chỉ người khuyết tật có nghĩa là “chúng tôi sẽ không bao giờ là một phần của cộng đồng Singapore”. Những cụm từ mang tính phân biệt như vậy sẽ đóng khung người khuyết tật vào khiếm khuyết của chính họ, và “khiến họ gặp khó khăn trong việc nhận ra rằng mình có thể đóng góp cho cộng đồng theo bất kỳ cách nào khác”.
Nữ nghị sĩ tương lai, thông qua truyền thông, đã liệt kê một số đề xuất bắt đầu từ những thay đổi nhỏ như để người khuyết tật ngồi cùng với khán giả khác tại các sự kiện nơi công cộng như quốc khánh, các buổi trình diễn, và nhiều lĩnh vực khác như ngành giáo dục hay lao động việc làm “cần phải làm việc nhiều hơn”.
Luật sư Chia đề xuất tạo thêm cơ hội cho trẻ khuyết tật được học ở các trường thông thường và tạo nhiều hoạt động gắn kết học sinh ở các trường thông thường với những trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật.
Đặc biệt các trường thông thường nên tập trung hơn vào việc giúp học sinh hiểu hơn về những khuyết tật của người khác cũng như nhu cầu đặc biệt của họ. “(Những sáng kiến như vậy) sẽ giúp trẻ em của chúng ta lớn lên với tâm lý rằng họ đang sống cùng nhau trong một cộng đồng, bất kể khả năng làm việc” - bà Chia nhìn nhận.
Mặt khác, việc mở rộng hình thức giáo dục trực tuyến cũng tạo thuận lợi hơn cho sinh viên không thể đến trường một cách thường xuyên.
Giáo dục, đào tạo cho người khuyết tật là điều nên làm nhưng còn cần phải trao cơ hội việc làm cho họ. Theo luật sư Chia, chính sách và cơ sở hạ tầng thay đổi có thể trở thành vô ích nếu không được bổ sung bởi “phần mềm” và một trong những điều quan trọng là các đồng nghiệp nên cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng đồng nghiệp khuyết tật.
“Chúng ta cần đẩy mạnh công tác đào tạo người khuyết tật và xây dựng sự tự tin cho họ tại nơi làm việc. Một lần nữa con người nên học cách chấp nhận những người khuyết tật, các vấn đề khác cũng sẽ dần được giải quyết” - bà Chia nhấn mạnh.
“Chính phủ, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của quốc gia, nên mở đường cho việc tuyển dụng người khuyết tật” - nữ luật sư Chia kết luận.
Theo Tuoitre.vn