Phạm Thị Thùy Trang, lớp 10 trường THPT Trần Văn Quan, chế tạo thiết bị đa chức năng giúp trẻ khiếm thị học chữ, toán song ngữ và nghe nhạc.
Thuỳ Trang đặt tên máy là Thiết bị học toán, chữ cái cho người khiếm thị, có chức năng giống "chiếc hộp thần kỳ". Thiết bị gồm nhiều phím khắc chữ cái nổi, công thức hình học phục vụ cho việc học chữ, toán số, toán hình tiếng Việt và tiếng Anh; phím chức năng chuyển đổi giữa các chế độ. Chiếc hộp còn có loa phát nhạc khá to, đọc giờ và màn hình led hiển thị.
Trang cho biết, ý tưởng về chiếc hộp bắt nguồn từ lần đi tham quan tại trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM), thấy các em khiếm thị khó khăn trong quá trình học bảng chữ cái, tính toán và nhận dạng ảnh hình học. "Em cứ nghĩ mãi là làm thế nào tạo ra thiết bị hỗ trợ các em học tập", Trang nói.
Nữ sinh lên mạng tìm hiểu nguyên lý hoạt động của bảng chữ nổi, mã nguồn, lập trình, thiết kế... Ban đầu, Trang dự định tạo ra "máy tính nói" để giúp học sinh học bảng chữ cái, một số câu giao tiếp bằng tiếng Anh thông dụng và học các phép tính đơn giản.
Sau hơn 3 tháng nỗ lực với sự giúp đỡ của các thầy trong trường và đàn anh khóa trước, Thùy Trang hoàn thành thiết bị và mang đến các trường khiếm thị thực nghiệm để được thầy cô và học sinh góp ý. "Nhiều bạn chia sẻ rằng không cảm nhận được thời gian sáng - tối, giải trí sau những tiết học. Em lại mày mò tích hợp chức năng đọc giờ, phát nhạc vào chiếc hộp", Trang kể.
So với những thiết bị đã được ứng dụng, chiếc hộp của Thùy Trang có nút hình ảnh hình học ở mặt sau, giúp học sinh nhận diện hình ảnh hình học. "Các em sờ vào để cảm nhận, rồi nhấn nút, loa sẽ phát ra định nghĩa, công thức tính chu vi, diện tích dễ dàng mà không cần sự trợ giúp trực tiếp của giáo viên". Những bài học, bài hát trên thiết bị được thay đổi một cách dễ dàng thông qua thẻ nhớ.
Thầy Cao Ngọc Sơn (giáo viên hướng dẫn Thuỳ Trang) cho biết, điểm nổi bật của thiết bị này là thiết kế trực quan, phát thông tin song ngữ giúp học sinh khiếm thị học chữ cái, học toán dễ dàng và hiệu quả. Ngoài các phép toán đơn giản ở cấp tiểu học, thiết bị còn hỗ trợ việc tính toán các phép tính phức tạp hơn như khai căn, lũy thừa. "Sau nhiều lần bổ sung, hoàn thiện, thiết bị hiện có thể hỗ trợ cho học sinh khiếm thị lẫn sáng mắt", thầy Sơn nói.
Mỗi thiết bị được sản xuất đại trà có giá khoảng 700.000 đồng, với các linh kiện dễ kiếm, dễ sửa chữa thay thế. "Em đang nghiên cứu tích hợp mạng di động vào chiếc hộp này để các em có thể tra cứu phục vụ việc học dễ dàng", Thùy Trang nói.
Dự án "Thiết bị dạy học toán, chữ cái cho người khiếm thị" của Phạm Thị Thùy Trang đoạt giải 3 cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, diễn ra hôm 21/6, tại Đà Nẵng. Mới đây, trong lễ tổng kết năm học của trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền), em được Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh gửi thư và quà khen ngợi.
"Quà của bác Lĩnh và các cuộc thi, em sẽ dành mua linh kiện làm nhiều sản phẩm tặng cho các trẻ không may mắn ở tỉnh và các địa phương vùng sâu vùng xa", Trang dự tính.
Nguồn: vnexpress.net