Bằng nghị lực, tinh thần vươn lên trước số phận khi bị khuyết tật, ông Phạm Việt Hoài (47 tuổi, Vạn Phúc, Hà Đông, TP Hà Nội) đã tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ.
Ông Phạm Việt Hoài mở xưởng thú nhồi bông tạo việc làm cho những người đồng cảnh ngộ. Ảnh: Kim Anh
Những ngày giữa tháng 11, trong căn nhà nhỏ ở số 123 Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), âm thanh của tiếng kéo cắt vải, tiếng máy may làm rộn ràng lên không khí làm việc của xưởng may K.M. Đây là nơi làm việc của những người khuyết tật, họ làm việc với nhau bằng ánh mắt, bằng những cử chỉ để làm ra những con thú nhồi bông vô cùng bắt mắt.
Ông Phạm Việt Hoài (47 tuổi), một trong những người sáng lập xưởng may K.V. chia sẻ, bản thân là người khuyết tật, chính vì vậy ông hiểu hơn ai hết về những khó khăn của họ trong cuộc sống. Với những người khuyết tật, để có một công việc ổn định, phát triển được lâu dài và thu nhập tốt là điều không hề dễ.
Xưởng may thú nhồi bông tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật. Ảnh: Kim Anh
Ông Hoài cho biết, cuối năm 2013, ông cùng 2 người bạn khuyết tật đã cùng góp vốn sáng lập xưởng sản xuất thú nhồi bông. Giai đoạn đầu khởi nghiệp đầy khó khăn về vốn, địa điểm, giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
“Khó khăn lớn nhất với chúng tôi đó là lòng tin. Lòng tin từ phía khách hàng, xã hội bởi không ai có thể nghĩ rằng những người khuyết tật như tôi là chủ doanh nghiệp cũng như những công nhân của tôi có thể mang đến cho họ những sản phẩm tốt nhất”, ông Hoài trăn trở.
Những con thú nhồi bông được làm ra từ chính đôi tay người khuyết tật. Ảnh: Kim Anh
Thế rồi, ở mỗi sản phẩm do chính những người khuyết tật làm ra, khách hàng đều bị ấn tượng bởi “cái hồn” ở trong đó. Từng đường kim, mũi chỉ đều được chăm chút tỉ mỉ bằng khối óc và cái tâm của những người khuyết tật.
Tính trung bình một tháng cả xưởng sẽ sản xuất ra khoảng 2.500 - 3.000 sản phẩm, tùy vào từng mẫu mã. Trong đó, mỗi sản phẩm sẽ có giá từ 200 - 300.000 đồng.
Sản phẩm được làm tỉ mỉ từ đường kim, mũi chỉ. Ảnh: Kim Anh
Theo ông Hoài, mục đích chính của xưởng là tạo việc làm, thu nhập cho người khuyết tật. Ngoài ra, xưởng may cũng là điểm kết nối để trải nghiệm của học sinh - sinh viên đến giao lưu với người khuyết tật, học ngôn ngữ kí hiệu, chơi trò chơi. Điều này để mỗi người trong chúng ta có thể hiểu thêm hơn về cuộc sống của những người khuyết tật.
Gắn bó với nghề tại xưởng may gần 7 năm, chị Lê Thị Vân (27 tuổi, quê ở Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Vì có chung hoàn cảnh, cảnh ngộ nên chúng tôi coi nhau như gia đình. Ở đây chúng tôi học được nhiều điều, dần tự tin hơn trong cuộc sống, vui nhất là tạo ra được những sản phẩm thủ công đẹp, bắt mắt, được khách hàng ủng hộ”.
Xưởng may tất bật với âm thanh của tiếng kéo cắt vải, tiếng máy may. Ảnh: Kim Anh
Đến nay, dưới sự dẫn dắt của ông Phạm Việt Hoài, xưởng may của ông có đến 20 lao động, chủ yếu là người khiếm thính. Thu nhập trung bình của họ từ 4,5 - 5 triệu đồng. Với những người ở xa, xưởng may cũng hỗ trợ chỗ ăn ở, tiền xăng xe được hưởng các chế độ về bảo hiểm.
“Mục tiêu đơn giản của tôi là làm sao giúp được cho nhiều người khuyết tật hơn nữa. Tôi chỉ mong muốn có thể giúp những người khuyết tật, khiếm thính bớt khó khăn, có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”, ông Hoài nói.