Tại vỉa hè ở các quận trung tâm TP.HCM có lắp loại gạch chỉ hướng cho người khiếm thị. Nhưng thật trớ trêu là nếu đi đúng theo hàng gạch này, người khiếm thị có thể đâm vào gốc cây, tủ điện, nắp cống, xe máy... để trên vỉa hè.
Phần gạch hướng dẫn cho người khiếm thị dẫn vào tủ điện trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 - Ảnh: LÊ PHAN
Ngày 18-3 vừa qua, Google tôn vinh ông Seiichi Miyake - người phát minh ra loại gạch chỉ hướng cho người khiếm thị. Trong khi đó, khảo sát tại nhiều con đường ở TP.HCM cho thấy gạch chỉ hướng trên vỉa hè hầu như mất tác dụng vốn có của nó.
"Người thường còn khó, huống chi tụi tui"
Buổi trưa đầu tháng 5 trời nắng như đổ lửa. Anh Hoàng, một người khiếm thị đi bán vé số, cẩn thận khua khua cây gậy nhỏ về phía trước, dò dẫm bước đi. Tập vé số trên tay trái của anh vẫn còn tới mấy chục tờ. Nghiêng đôi tai khi nghe có người hỏi thăm, anh Hoàng quệt mồ hôi trên mặt, trả lời: "Đường sá này, người thường sáng mắt còn khó, huống chi tụi tui".
Anh Hoàng nói những viên gạch chỉ đường trên vỉa hè thực ra không có nhiều ý nghĩa với anh. Anh đi bán vé số mấy năm nay nhưng mới biết có loại gạch này. "Chúng tôi chủ yếu dò đường bằng bản năng, không chỉ bằng gậy mà còn phải nhỏng tai lên nghe tiếng xe nữa vì đã có lần tôi bị xe máy lao lên vỉa hè tông trúng" - anh Hoàng kể.
Tại nhiều con đường ở Q.1, Q.3 có lắp hai loại gạch chỉ hướng với những thanh ngang được rập nổi trên viên gạch và loại gạch cảnh báo nguy hiểm với những nốt tròn rập nổi trên viên gạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kể cả những đoạn đường sạch sẽ, hiện đại nhất vẫn có khi đường gạch cho người khiếm thị bị đứt đoạn bởi nắp cống, hoặc tường nhà dân xây thò ra. Có khi viên gạch chỉ đường bể nát chưa thay, hoặc được thay bằng loại gạch khác.
Trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) có nơi đường gạch hướng dẫn cho người khiếm thị di chuyển lại dẫn thẳng vào một tủ điện nằm chắn giữa lối đi. Cạnh đó, các cửa hàng hoa, cây cảnh, hòn non bộ để đồ chắn lên phần gạch này khiến cả người đi bộ thông thường cũng phải đi xuống lòng đường để tránh chướng ngại vật.
Trên đường Lý Chính Thắng (Q.3), đường gạch chỉ hướng chạy ngay dưới một gốc cây xanh bị nghiêng sà xuống. Nếu dùng gậy dò đường, người khiếm thị cũng khó tránh được thân cây này. Trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.3), công trình xây dựng đổ cát ra hết vỉa hè. Những quầy bán nước giải khát di động đậu ngay trên hàng gạch chỉ đường cho người khiếm thị...
Vỉa hè xung quanh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10) đều lát bằng loại gạch thông thường. Trong khi đó giáo viên, học viên trường này thường đi bộ ra trạm xe buýt hay các điểm đến trong khu vực, nhưng không có một chỉ dẫn nào để phục vụ họ. Một số người cho biết họ phải chọn đi xe ôm thay vì đi xe buýt vì di chuyển trên vỉa hè rất khó khăn và nguy hiểm.
Một cọc sắt cắm trên phần gạch chỉ đường cho người khiếm thị ở đường Nguyễn Văn Thủ, Q.1 (TP.HCM) - Ảnh: LÊ PHAN
Quy định đã có 10 năm, nhưng...
Theo Sở Giao thông vận tải TP, năm 2009 sở ban hành quyết định 1762 quy định về cải tạo nâng cấp vỉa hè, có hướng dẫn về kỹ thuật và thiết kế mẫu đối với hàng tấm lát có cảm giác nhằm hướng dẫn người khiếm thị di chuyển tại những nơi không có thông tin định hướng thông thường.
Khi thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp chỉnh trang vỉa hè, các quận huyện và chủ đầu tư đã thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật nói trên.
Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng một thời gian thì một số vị trí vỉa hè không đảm bảo được công năng dẫn hướng cho người khiếm thị, không đảm bảo an toàn cho người đi bộ và mỹ quan đô thị do tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xe máy chạy trên vỉa hè...
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho biết sẽ tham mưu UBND TP điều chỉnh, bổ sung các quy định về quản lý sử dụng vỉa hè, quy định khi thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp vỉa hè tại quyết định 74/2008 của UBND TP.
Còn trước mắt, sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với quận huyện rà soát, xử lý các bất cập trên vỉa hè nhằm đảm bảo tốt hơn cho người đi bộ, đặc biệt là người khiếm thị.
"Đồng thời sẽ ứng dụng camera, công nghệ thông tin vào công tác giám sát, quản lý, phát hiện, xử lý nhanh, có hiệu quả các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè" - đại diện Sở Giao thông vận tải TP cho biết.
* Ông NGUYỄN QUYẾT THẮNG (giáo viên Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu):
Mong vỉa hè trống trải để đi bộ là vui rồi!
Người khiếm thị tại TP.HCM rất sợ khi ra đường một mình. Hầu như ở khắp nơi vỉa hè đều không thuận tiện cho người đi bộ. Tình trạng xe máy chạy lên vỉa hè khiến gạch bong tróc, hư hỏng hoặc xe đậu chiếm hết lối đi của người đi bộ thường xuyên xảy ra.
Bản thân tôi cũng nhiều lần va vào cột điện, xe hủ tiếu, thậm chí là lọt cống khi đang đi bộ trên vỉa hè. Chúng tôi chỉ dám đi ở nơi quen thuộc, rất sợ đi ở nơi lạ vì không biết gặp nạn lúc nào trước thực tế có rất nhiều chướng ngại vật trên đường mà không có gì báo hiệu cả!
Từ trước đến nay, tôi không hề biết trên vỉa hè có loại gạch chỉ hướng cho người khiếm thị. Nếu vỉa hè TP.HCM có lát loại gạch này chỉ dẫn cho người khiếm thị thì rất tốt, nhưng tôi chỉ ao ước vỉa hè trống trải để người khiếm thị đi lại thuận tiện là rất vui rồi.