Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị là dịp để các đại biểu, các tổ chức thành viên cùng nhìn lại những kết quả hoạt động trong một năm đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhận định những vấn đề còn tồn tại, đồng thời thảo luận, đưa ra những mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động trợ giúp NKT trong thời gian tới.

NKT được quan tâm nhiều hơn trong đại dịch

Theo bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam, năm 2021 là một năm rất khó khăn do đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội của cả nước nói chung, hoạt động trợ giúp NKT nói riêng. Song hoạt động trợ giúp NKT tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định.

UBQG 2

Về công tác ban hành văn bản, Chính phủ đã ban hành 1 Nghị quyết, 3 Nghị định liên quan đến NKT: Nghị quyết 126 sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68 của Chính phủ quy định một số chính sách hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó đã bổ sung đối tượng NKT nặng, đặc biệt nặng phải điều trị F0 hoặc cách ly theo quy định; Nghị định số 20/NĐ-CP quy định về trợ cấp, trợ giúp đối với đối tượng BTXH trong đó nâng mức trợ cấp hàng tháng cho NKT từ 270.000 lên 360.000 đồng; Nghị định số 38 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá, quảng cáo. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030; Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, NKT và các đối tượng trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt. Các bộ ngành ban hành 6 Thông tư, 10 Quyết định, 6 công văn cụ thể hoá, hướng dẫn các chỉ đạo công tác NKT ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng giao thông, trợ giúp pháp lý..

Công tác truyền thông được tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực việc làm cho NKT trong và sau đại dịch. Kỷ niệm ngày NKT Việt Nam, Quốc tế NKT, Tết trung thu, Tết cổ truyền, Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mít tinh, kỷ niệm, đặc biệt là tổ chức Diễn đàn lắng nghe tiếng nói NKT. Chương trình Toả sáng nghị lực Việt đã tuyên dương và tặng quà, sổ tiết kiệm cho 50 thanh niên tiêu biểu toàn quốc. Trung ương Hội người mù Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả sử dụng cây gậy trắng. Bộ Kế hoạch và đầu tư thông qua các nguồn vận động đã tặng trên 6.000 gậy trắng cho NKT. Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam hướng dẫn các Hội địa phương tổ chức các chương trình Trái tim nhân hậu, Trung thu yêu thương…Hội Nạn nhân chất độc da cam kỷ niệm 60 năm thảm hoạ da cam Việt Nam…

2021, ngân sách nhà nước bố trí 18.546 tỷ đồng để thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ BHYT cho các đối tượng BTXH. Cả nước có khoảng 1,1 triệu NKT nặng, đặc biệt nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Chương trình trợ giúp NKT và kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT được Bộ Tài Chính bố trí ngân sách 12.000 tỷ đồng. Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam phối hợp với các tổ chức của NKT triển khai Mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại 15 xã cho 100 NKT và các cơ sở của NKT. Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã vận động được nguồn quỹ đạt 522 tỷ đồng gồm tiền mặt và hiện vật để trợ giúp các đối tượng. Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT trong đó có mục tiêu mở rộng đối tượng được hưởng BHYT.

Công tác giáo dục được đẩy mạnh trong đó đã xây dựng 50 video bài giảng môn Toán và 100 video bài giảng môn tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính và sử dụng được cho học sinh tiểu học khác. Thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chương trình sách giáo khoa mới sang chữ nổi Braile cho học sinh khuyết tật. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích hợp dữ liệu về NKT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về NKT, nghiên cứu, chế tạo thiết bị hỗ trợ PHCN vận động chi trên cho giai đoạn đầu đột quỵ, sau đột quỵ trong quá trình điều trị, chăm sóc. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất, sản phẩm cho NKT. Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đã mở chuyên ngành Thể dục thể thao thích ứng phục vụ đào tạo NKT, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến NKT

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2022, Uỷ ban Quốc gia về NKT sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những quy định còn vướng mắc liên quan đến NKT như Luật BHYT, Luật KCB, Luật BHXH, việc làm. Đổi mới công tác truyền thông. Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật NKT và xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NKT. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề cho NKT. Cập nhật danh mục đào tạo nghề, chi phí đào tạo làm căn cứ đào tạo hoà nhập và chuyên biệt cho NKT. Thúc đẩy hoạt động hiệu quả Trung tâm giáo dục hoà nhập quốc gia… Xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu cho NKT nghe nói, chuyển đổi sách giáo khoa sang chữ nổi Braile cho người khiếm thị. Xây dựng tài liệu phát hiện sớm, can thiệp sớm lứa tuổi mầm non…

Anh 1.1

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về NKT, ông Lương Phan Cừ - Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam khẳng định, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn, đặc biệt với NKT. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp NKT vượt qua thách thức. Tuy nhiên, sự giúp đỡ còn nhỏ nhoi so với thiệt hại, khó khăn của NKT. So với các cam kết quốc tế, chúng ta vẫn còn cách một khoảng khá xa. Vì vậy, Uỷ ban Quốc gia về NKT nói riêng, các Bộ, ngành, tổ chức của NKT và vì NKT nói chung càng phải nỗ lực cố gắng hơn nữa, thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Ông Lương Phan Cừ đề nghị Uỷ ban Quốc gia về NKT cần khuyến nghị nhà nước tăng nguồn ngân sách trợ giúp cho NKT, hỗ trợ và khuyến khích tổ chức xã hội tăng nguồn vận động xã hội hoá, giao thêm nhiệm vụ cho tổ chức xã hội, kèm theo hỗ trợ ngân sách để triển khai thực hiện.

Đại diện các đơn vị thành viên như Vụ xã hội của Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cũng đã đóng góp ý kiến vào bản dự thảo phương hướng hoạt động năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về NKT. Trong đó, khẳng định thời gian qua, công tác với NKT ngày càng đi vào chiều sâu và có tiến bộ rõ ràng. Có cơ chế hành lang chính sách tương đối đầy đủ, quan trọng, là cơ sở để quan tâm, đầu tư đối với công tác NKT. Tuy nhiên, việc đảm bảo quyền của NKT ngoài vai trò của Uỷ ban Quốc gia về NKT còn có vai trò của tổ chức của, vì NKT, tổ chức quốc tế và bản thân NKT. Đề nghị Uỷ ban Quốc gia về NKT quan tâm đầu tư hồ sơ đề nghị việc chỉnh sửa, bổ sung chính sách liên quan đến NKT đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Lấy Luật NKT là trung tâm bên cạnh các Luật khác liên quan cần phải chỉnh sửa theo để đảm bảo sự tương thích. Trong đó cần tập trung vào một số nội dung như: Cấp giấy chứng nhận cho NKT nhẹ, Tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Luật NKT, Tổ chức đoàn kiểm tra giám sát thực tế và chuyên đề đối với công tác NKT trong năm 2022 (nếu dịch ổn định hơn).

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Đinh Thị Thuỵ, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, Uỷ ban sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ xem xét và hy vọng, với sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành, tổ chức của NKT và vì NKT, hoạt động trợ giúp NKT Việt Nam sẽ đạt được những kết quả khởi sắc hơn trong năm 2022.

Phong Châu

 

Tin liên quan