Được sự tài trợ của Quỹ Ủy thác đa đối tác, ngày 20/11 tại Hà Nội, Hội người mù Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Thách thức và giải pháp trong sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận ở Việt Nam”.
Bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Patrick Haverment – Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ông Tạ Ngọc Trí – Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, ông Phạm Viết Thu – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam. Tham dự hội thảo trực tiếp và trực tuyến còn có 160 đại biểu đại diện Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng 160 đại biểu đại diện các Nhà xuất bản, Công ty phát hành sách, trường đại học, viện nghiên cứu, Hội người mù các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết: Sách là nguồn thông tin, tri thức vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Khi xã hội càng phát triển, các loại sách được xuất bản ngày càng phong phú, đa dạng, song, đối với người khiếm thị, người khuyết tật nhận thức, rối loạn khả năng đọc hiểu, người khuyết tật thể chất không thể cầm nắm, lật giở trang sách, không thể đưa mắt để đọc ở mức độ bình thường... thì việc tiếp cận sách còn gặp rất nhiều rào cản. Tuy nhiên, theo ước tính của Hiệp hội người mù thế giới, chưa đến 10% sách được chuyển đổi sang định dạng dễ tiếp cận như chữ nổi, âm thanh, sách điện tử, chữ in lớn … dành cho các đối tượng này. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này dưới 1%. Sự thiếu thốn tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận đã ngăn cản hàng chục triệu người không có khả năng đọc chữ in trên khắp thế giới phát huy tối đa tiềm năng con người; hạn chế cơ hội tiếp cận hoạt động giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe cũng như hầu hết mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo Báo cáo nghiên cứu về “Thực trạng tiếp cận xuất bản phẩm của người khuyết tật chữ in ở Việt Nam” do Hội Người mù Việt Nam và UNDP thực hiện năm 2022 -2023, khảo sát trên 1.217 người khuyết tật chữ in, chủ yếu là người khuyết tật nhìn thì 62,1% cho rằng "Sách/tài liệu khoa học tự nhiên" dưới định dạng dễ tiếp cận còn rất khan hiếm hoặc không có, 61,2% cho rằng: "Sách/tài liệu phục vụ nghiên cứu/công việc" dưới định dạng dễ tiếp cận khan hiếm hoặc không có. Thậm chí, có tới 44,5% cho biết "Sách giáo khoa/tài liệu học tập" dưới định dạng dễ tiếp cận cũng rất khan hiếm, hoặc không có, dù rằng đây là những xuất bản phẩm cơ bản.
Để góp phần giải quyết những khó khăn trên, tháng 10/2023, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với UNDP đã tổ chức khóa tập huấn về sản xuất sách dễ tiếp cận EPUB và chữ Braille. Hội thảo “Thách thức và giải pháp trong sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận ở Việt Nam” được tổ chức nhằm chia sẻ những khó khăn hiện nay khi sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận ở Việt Nam, tìm ra những giải pháp và nguồn lực để giải quyết đồng thời huy động sự hợp tác của các bên liên quan trong công tác sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận..
Ông Patrick Haverment – Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu chào mừng hội thảo
Ông Patrick Haverment – Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam tại Hội thảo cho biết, UNDP đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong thời gian qua nhằm nội luật hóa các cam kết chính trị với Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ pháp lý quốc gia nhằm bảo vệ quyền của những người yếu thế. Đặc biệt, chỉ trong năm 2022 và 2023, Việt Nam đã gia nhập Hiệp ước Marrakesh, ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới và ban hành 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật mới, trong đó có các điều khoản cụ thể về ngoại lệ quyền tác giả đối với người khuyết tật in ấn. Những quy định pháp luật này cung cấp nền tảng vững chắc để chúng ta "tạo ra một sức sống mới" trong việc thúc đẩy việc xuất bản các ấn bản phẩm ở các định dạng dễ tiếp cận. Trong bài phát biểu của mình, ông Patrick Haverment gửi đến 3 thông điệp gồm: Việc tiếp cận với sách ở các định dạng dễ tiếp cận không phải là một điều xa xỉ hay chỉ là phục vụ sở thích đọc sách, mà là một quyền cơ bản của con người liên quan đến cơ hội tiếp cận tri thức cho người khuyết tật chữ in. Do đó, chúng ta có nghĩa vụ chung là đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau hoặc không nên nói về những khó khăn để từ chối cơ hội được tiếp cận sách của họ; Việc tiếp cận sách ở các định dạng dễ tiếp cận không chỉ tốt cho người khuyết tật mà còn cho toàn xã hội; Việc truy cập vào sách ở các định dạng có thể truy cập không chỉ là mong muốn mà còn khả thi. Chúng ta có khung pháp lý, có các công cụ kỹ thuật và các phương pháp hay nhất để biến điều đó thành hiện thực. Những gì chúng ta cần là sự hợp tác, phối hợp và phân bổ nguồn lực nhiều hơn giữa tất cả các bên liên quan: chính phủ, nhà xuất bản, tác giả, thư viện, trường học, tổ chức của và cho người khuyết tật và các tổ chức quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện Hội người mù Việt Nam chia sẻ kết quả Khảo sát về việc sản xuất sách dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in tại Việt Nam, trong đó đưa ra một số thông tin đáng chú ý như: Trong 45 tổ chức tham gia trả lời khảo sát, có 30 tổ chức có sản xuất sách dễ tiếp cận cho người khuyết tật trong 12 tháng qua, chủ yếu là sách chữ Braille và sách nói. Có 38 tổ chức cho biết đối tượng phục vụ sách dễ tiếp cận của mình là người khiếm thị, có 2 tổ chức cung cấp sách dễ tiếp cận cho người khuyết tật vận động (không lật giở được trang sách, hoặc không đưa mắt để đọc sách được theo cách thông thường), có 7 tổ chức (15,4%) chưa sản xuất sách dễ tiếp cận. Có 30 tổ chức (tỷ lệ 66.7%) cho rằng, loại sách mà NKT có nhu cầu cao nhất là sách giáo khoa phổ thông, tiếp đến là sách kỹ năng mềm, sách truyện, giáo trình đại học, sách/tài liệu nghiên cứu khoa học, báo và tạp chí. Có đến 31 đơn vị (68.9%) được hỏi cho rằng nguồn cung sách quá ít so với cầu.
Về nguồn tài chính để sản xuất sách dễ tiếp cận, các tổ chức chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước (19 tổ chức, tỷ lệ 42,2%), 19 tổ chức (tỷ lệ 15.6%) không có ngân sách để sản xuất sách dễ tiếp cận. Số liệu này cho thấy các nguồn tài chính hỗ trợ cho công tác này đối với các tổ chức không phong phú và tỉ lệ vẫn còn thấp.
Đại diện các Bộ, ngành, Hội người mù Việt Nam tham gia tọa đàm, trao đổi về thực trạng, giải pháp cho công tác sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận tại Việt Nam
Khó khăn của các tổ chức trong việc sản xuất, phân phối sách dễ tiếp cận chủ yếu là về tài chính (chiếm 93.3%), nhân lực (chiếm 57,8%). Những khó khăn về kĩ thuật được kể đến là: Chưa được đào tạo về công nghệ sản xuất sách kỹ thuật số dễ tiếp cận (48.9%); chưa nắm được quy trình tối ưu để sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận (26.7%). Bên cạnh dó, một số tổ chức cho rằng thủ tục xin phép tác giả/chủ thể quyền để chuyển đổi định dạng sách khá phức tạp (tỷ lệ 40%), chưa nắm được thủ tục đăng ký với nhà nước để được sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận (22.2%).
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người khuyết tật chữ in, các tổ chức đã đề xuất phương hướng, giải pháp và mong muốn trong thời gian tới là: Đa dạng hóa các định dạng dễ tiếp cận, đáp ứng nhu cầu đọc sách khác nhau của người khuyết tật; học hỏi, nghiên cứu thêm về công nghệ sản xuất, phân phối sách kỹ thuật số dễ tiếp cận; chuẩn hóa quy trình sản xuất sách kỹ thuật số dễ tiếp cận; áp dụng công nghệ bảo mật, đảm bảo sách dễ tiếp cận chỉ phục vụ người khuyết tật. Bên cạnh đó cần thu hút thêm tài trợ và phát triển nguồn nhân lực cho công tác này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng được nghe ông Đặng Hoài Phúc – Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và công nghệ trợ giúp người mù Sao Mai chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi và phân phối tài liệu sang định dạng dễ tiếp cận của Trung tâm; ông Dipendra Manocha – đại diện Hiệp hội Daisy Ấn Độ chia sẻ mô hình thư viện sách dễ tiếp cận và cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và đối tượng hưởng lợi của Hiệp ước Marrakesh. Với sự điều hành của cán bộ UNDP, đại diện Hội Người mù Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Bản quyền tác giả, Nhà xuất bản, Vụ Thư viện… đã tham gia tọa đàm, trao đổi về thực trạng, giải pháp cho công tác sản xuất và phân phối sách dễ tiếp cận tại Việt Nam.
Tổng kết Hội thảo, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cảm ơn các đại biểu đã lắng nghe, chia sẻ ý kiến tại hội thảo và hy vọng các đại biểu sẽ tiếp tục cùng chung tay, góp sức nhằm từng bước giúp NKT chữ in tại Việt Nam có điều kiện tốt hơn để tiếp cận thông tin, tri thức, phát huy trí tuệ, năng lực, phấn đấu vươn lên hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.
Hoàng Dung