Những câu chuyện “hậu trường” trong việc dạy nghề cho người khuyết tật (NKT) khiến người nghe lặng người bởi mang đến cơ hội phát triển bản thân cho NKT đồng nghĩa với việc chấp nhận vô vàn khó khăn…
Ngỡ như đứng bên bờ vực thẳm
Suốt 17 năm qua, Trung tâm Vì ngày mai hoạt động được là nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các tấm lòng hảo tâm, không có sự đầu tư nào của nhà nước.
Trước đây, Trung tâm được tổ chức Caritas của Đức tài trợ cho các khóa dạy nghề nhưng 2 năm nay bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm đã phải tìm tới các tổ chức quốc tế. “Nói thật, tôi rất mệt mỏi vì suốt ngày phải đi tìm nguồn, đi xin tiền để tài trợ cho các khóa dạy nghề. Cũng có lúc tôi ngỡ như mình đã đứng bên bờ vực thẳm vì không có kinh phí hoạt động đồng nghĩa với việc trung tâm phải đóng cửa. Nghĩ đến trẻ khuyết tật, cứ nghe ở đâu có dự án cho người khuyết tật là tôi lại lao vào”.
Học viên khuyết tật hứng thú với tiết học tại Trung tâm Vì ngày mai. |
Cũng may khi toàn bộ đội ngũ giáo viên trợ giảng, dạy kỹ năng sống, ngôn ngữ ký hiệu, vẽ… đều là những người tình nguyện đến giúp trung tâm. Ngoài ra, có 3/4 giáo viên của trung tâm là nghệ nhân, đều từng là học viên các khóa học nghề tại Trung tâm Vì ngày mai. Gắn bó với trung tâm từ lâu nên họ hiểu đây là mô hình hoạt động không lợi nhuận, gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, bán hàng… Bản thân giáo viên ngoài việc giảng dạy cũng phải kiêm thêm rất nhiều việc khác (sản xuất, quản lý đời sống, ăn ở của học viên…) mới nhận được khoản lương tháng không nhiều.
NKT vẫn học và thao tác chính xác công việc của mình |
Bà Minh Hiền cho biết, hiện tại chi phí vận hành bộ máy (thuê nhà, lương giáo viên, tiền ăn cho học viên) mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng- đây là mức khá khiêm tốn bởi suất ăn của học trò đôi khi đã có các nhà hảo tâm tặng gạo, dầu, mì... “Tiền ăn rất tốn bởi học viên ăn như tằm ăn rỗi”.
“Cách đây gần 10 năm, trung tâm cũng được thành phố quan tâm khi có chủ trương cấp cho 9.300 m2 đất để xây trụ sở. Nhưng vướng mắc vì nhà tài trợ chỉ cấp tiền khi có đất, còn bên cấp đất chỉ đồng ý giao khi trung tâm chứng minh được có tiền xây. Tôi ở giữa không biết làm thế nào nên từ đó đến nay vẫn trong cảnh mỗi tháng mất 20 triệu đồng thuê trụ sở, điện nước”- bà Minh Hiền chia sẻ.
Đau tim vì học viên… tự tử
Ở Trung tâm Vì ngày mai đã có 60 cặp đôi nên duyên, học viên tự tìm hiểu, sau khi quyết định yêu nhau thì báo cáo với giám đốc. “Khi biết các học viên có tình cảm với nhau, tôi vừa mừng vừa lo và phải giáo dục từng chút một, ngay cả vấn đề tế nhị như giới tính. Tôi thường nói với học viên, con may mắn có người yêu nên phải sống tốt hơn, chan hòa hơn để bạn bè và mọi người xung quanh ủng hộ”.
Sản phẩm do các học viên khuyết tật làm ra tại Trung tâm Vì ngày mai. |
Giờ mọi việc đã đi vào nền nếp, quản lý không quá vất vả như trước đây. Tôi nhớ có thời điểm có hơn trăm học viên theo học, có lần học viên cãi nhau, một em uống cả vỉ thuốc ngủ tự tử, may mà phát hiện kịp thời và đó là thuốc ngủ loại nhẹ. Cũng có học viên nam bị nhóm bạn xấu đến tận trung tâm rủ rê hút hít. Với trường hợp này, tôi đã phải nhờ công an phường quân sư để bắt được cả nhóm. Sau đó, tôi vẫn bảo lãnh cho học viên của mình nhưng mời gia đình đến đón về vì không thể để ảnh hưởng tới các em khác.
Hay có em gái cũng vì mâu thuẫn với bạn học uống viên băng phiến. Đến bữa không xuống ăn cơm vì đau bụng, tôi đưa vào Bệnh viện 354 cấp cứu, sau đó chuyển sang Bệnh viện Saint Paul và phải nằm viện 3 ngày. Suốt mấy ngày đó tôi ở bên em, chăm sóc như mẹ chăm con vì đúng thời gian đó bố em bị tai biến cấp cứu ở Bệnh viện 108, có một mình mẹ em xoay xở mọi việc. “Nếu báo thêm tin con chị ấy đang nằm bệnh viện chắc chị ấy hoảng lắm, hơn nữa thấy em cũng đã bình phục nên khi đó tôi đành tạm thời giấu chuyện học trò phải nhập viện”.
Hiện tại, các học viên sau giờ học phải tự phân công nhau đi chợ, nấu ăn, trực nhật, rửa bát, quét dọn… “Trước quản lý rất vất vả, đau tim lắm, còn hiện tại đã thành nếp. Trung tâm có hòm thư góp ý để học viên thoải mái nêu ý kiến. Thứ sáu hàng tuần, sẽ họp cả trung tâm…”- bà Minh Hiền chia sẻ.
Cầm tay chỉ việc
Giáo viên Nguyễn Thu Hương (Hà Nam), 1 trong 3 nghệ nhân của trung tâm, chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, ngày mới đến học cô cũng tự ti và nhút nhát. Mỗi bàn tay chỉ có một ngón, tôi không nghĩ mình có thể học nghề và giờ lại trở thành giáo viên như bây giờ. Nhờ có sự động viên, giáo viên hướng dẫn từng ly từng tí, tôi dần tự tin hơn. “Với các học viên hiện tại, mỗi em một trình độ, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc cho từng em. Thời gian thực hành nhiều hơn lý thuyết, có những bài phải dạy đi dạy lại nhiều lần”- cô Thu Hương chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thu Hương, 1 trong 3 nghệ nhân của Trung tâm Vì ngày mai tự tin giới thiệu sản phẩm tới thành viên CLB Phụ nữ Quốc tế Hà Nội. |
Một cơ sở dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm miễn phí cho NKT (xin được giấu tên) cũng chia sẻ, họ cũng gặp khó khăn trong việc tuyển sinh dù năng lực thực tế có thể đào tạo được nhiều hơn chỉ tiêu tuyển. “Ngoài ra, nhiều em sau khi học nghề đã bị không ít doanh nghiệp từ chối tiếp nhận- đầu ra của học viên cũng là điều khiến các cơ sở dạy nghề lo lắng”- chủ cơ sở này cho biết.
Tạo cơ hội cho NKT hòa nhập cộng đồng, được học nghề, có việc làm, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và các cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức của chủ sử dụng lao động về khả năng làm việc của NKT, nhằm giúp NKT tự tin hòa nhập và sống có ích thay vì trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.