“Em tự mày mò học để nâng thêm kiến thức, mong muốn mình sẽ kiếm được việc làm phù hợp tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ cho gia đình”, Trần Anh Thái Nguyên ở khu phố 2, thị trấn Tân Nghĩa (Hàm Tân) nói rồi quay sang động viên cô em gái Trần Anh Yến Nhi cũng khuyết tật như mình cố gắng học tốt.

Vượt lên số phận

Trong căn nhà cấp 4, chàng thanh niên nhỏ nhắn chân tay co quắp, lồng ngực nhô hẳn lên phía trước nhưng vẫn chăm chú lập trình mạng trong máy tính. Đây không chỉ là niềm vui cuộc sống mà với Nguyên còn là sự tin tưởng kiến thức rồi sẽ thay đổi cuộc đời khuyết tật của mình. Chàng trai sinh năm 1997 khoe với tôi tấm bằng đại học ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh mà em vừa nhận trong lễ tốt nghiệp mới đây. Nguyên nói: “Đây là kết quả một chặng đường dài em nỗ lực cộng với sự lo toan của ba mẹ”.

Dù cơ thể bệnh tật nhưng 2 em Nguyên, Nhi vẫn miệt mài học tập.

Ba Nguyên đứng sát bên, anh Trần Tùng không giấu được sự xúc động. Trên gương mặt đượm buồn, mắt anh ánh lên niềm tự hào, đặt bàn tay trìu mến lên vai cậu con trai “tàn mà không phế” thay lời động viên. Anh Tùng kể lại, khi mới sinh ra Nguyên bình thường như bao đứa trẻ khác đến khi 8 tuổi thì chân tay em bị teo lại, người mềm phải có chỗ tựa mới giữ cơ thể. Gia đình vay mượn đưa em đi chữa trị nhiều nơi, nhưng rồi kết quả đều không mong muốn. Các bác sĩ ở bệnh viện trong TP. Hồ Chí Minh chẩn đoán Nguyên bị chứng teo cơ tủy sống. Đây là căn bệnh không thể chữa lành để lại nhiều di chứng, làm biến dạng cơ thể. Cứ mỗi khi trái gió trở trời Nguyên lại lên cơn hen suyễn, viêm phổi nhiều ngày, nhẹ thì điều trị thuốc ở nhà, nặng thì phải vào bệnh viện can thiệp thở oxy từ 1 - 2 tuần mới duy trì sự sống.

Hành trình theo đuổi con chữ, có được tấm bằng đại học của Nguyên đến ngày hôm nay là cả quá trình không hề dễ dàng. Những lúc ốm đau Nguyên chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ học giữa chừng, em chăm chỉ mượn vở bạn chép bài rồi nhờ bạn bè, thầy cô giúp để theo kịp bài. 12 năm học Nguyên gắn liền với chiếc xe lăn, thầy cô, bạn bè cảm mến tấm gương sáng hiếu học, luôn động viên giúp đỡ em đến trường. Nguyên nhớ mãi, lúc đi thi đại học mẹ phải bế em vào Sài Gòn, hai mẹ con ở trọ lại 1 tuần. Người dân tỉnh lẻ vào thành phố lớn vốn đã lóng ngóng, cộng thêm Nguyên bị khuyết tật thì càng khó khăn gấp bội. Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, Nguyên cố gắng làm bài tốt và đạt điểm số như mong đợi, mở cánh cửa đại học mơ ước. Chiếc xe cũ mà mẹ buộc em phía sau chở đến trường vẫn còn nằm ở góc nhà như nhắc nhở về một thời gian khó đã qua, ước mơ trở thành cử nhân ngày nào nay đã thành hiện thực.

Chịu những cơn đau hành hạ, Nhi vẫn quyết tâm học giỏi.

Tìm hạnh phúc trong mảnh vỡ giấc mơ

Trần Anh Yến Nhi (SN 2000) là con gái thứ 2 của anh Tùng cũng bị bệnh như anh trai, hiện là sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Mắt của Nhi nhìn không rõ, xương lại yếu, 2 chân thì khoèo vì vậy em nhanh chóng bị gù. Bệnh của Nhi không khác gì anh trai, không đi lại được, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào ba, mẹ. Khi học lên bậc THPT, Nhi rất thích ngành tâm lý học. Nhưng rồi lại đắn đo: Nếu lựa chọn ngành học này buộc phải đi lại nhiều, thường xuyên lên thư viện nghiên cứu tài liệu. Vì bệnh tật bản thân, Nhi quyết định chọn học công nghệ thông tin, nghĩ rằng mình có thể dễ dàng học tập và cơ hội tìm việc tại chỗ sau này. Sự nỗ lực không ngừng, suốt năm tháng đi học Nhi đều đạt loại giỏi. “Điều em tiếc nuối là khi cầm tờ giấy báo được tuyển thẳng vào đại học nhưng không được như bạn bè ngày ngày đến trường trên đôi chân của mình mà phải chọn hình thức học từ xa”, giọng đượm buồn Nhi nói.

Trên mảnh vườn thanh long 1.000 trụ trồng được 4 năm, thu nhập bấp bênh, vợ chồng anh Tùng vẫn bám trụ lo cho con

Cơ thể không lành lặn làm gập ghềnh ước mơ theo đuổi tấm bằng đại học của 2 anh em Nguyên và Nhi, nhưng ý chí thì không thể khuất phục. Câu chuyện hiếu học của hai em đã lan tỏa bài học về nghị lực sống không đầu hàng số phận. Càng cảm động tình thương bao la đồng hành cùng con của vợ chồng anh Tùng. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, anh Tùng cùng vợ là chị Đặng Thị Thúy Liên chăm chỉ làm lụng, từ đồng vốn vay chính sách của Nhà nước hỗ trợ nuôi bò, trồng thanh long chăm lo cho con đến trường. Bởi suy nghĩ, chỉ có con đường học tập mới đảm bảo cuộc sống cho 2 con sau này. "Khó khăn về kinh tế cộng thêm 2 đứa con đều bị tật nguyền nên nỗi buồn như tăng lên. Thương con tuy gặp khó khăn đi lại, sinh hoạt hàng ngày nhưng trời thương cho trí óc minh mẫn, lại thấu hiểu vất vả của ba mẹ chịu khó học tập, nên vợ chồng tôi động viên nhau, lấy đó làm niềm tự hào”, anh Tùng trải lòng.

Trong mảnh vỡ giấc mơ về những đứa con lành lặn, vợ chồng anh Tùng đang le lói hạnh phúc bởi 2 con đều giàu nghị lực vươn lên. Ước mong duy nhất của đôi vợ chồng nghèo là các con sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được công việc phù hợp, giúp con thực hiện ước mơ bình dị là được làm việc và sống có ích. Rất mong các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật nói chung và trường hợp của Nguyên và Nhi, giúp các em có cơ hội vượt lên chính mình.

Theo baobinhthuan.com.vn

Tin liên quan