Sở hữu một xưởng may, tạo việc làm cho 60 lao động, anh Phan Văn Tưởng, thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã chứng minh được dù thua thiệt sức khỏe nhưng người khuyết tật không thua kém về tinh thần và ý chí làm giàu.

Sinh năm 1970, anh Phan Văn Tưởng bị khuyết tật, teo chân trái từ nhỏ, việc đi lại của anh gặp rất nhiều khó khăn.

Học hết Tiểu học, anh Tưởng xin nghỉ vì trường học xa nhà. Với suy nghĩ phải có một công việc để tự lo cho bản thân, anh Tưởng đã quyết định theo học nghề cắt may. Lúc đầu anh học may ở nhà một người thân tại làng.

Một thời gian sau, anh Tưởng xin học may tại nhà bạn của anh trai mình, một người có tay nghề giỏi về cắt may ở xã bên, khi đó anh mới 17 tuổi.

Anh Tưởng chia sẻ: “Thời gian đầu đi học may ở xã bên, anh trai là người đưa đón tôi đi. Để anh đỡ vất vả, tôi ở lại đó, mỗi tuần về nhà một lần. Thấy anh vất vả, cứ phải đưa đón, học được 2 tuần, tôi đã xin nghỉ 1 tuần ở nhà để quyết tâm học đi xe đạp.

Đi xe đạp, đối với những người 2 chân bình thường thì dễ, nhưng đối với tôi thì cực kỳ khó khăn. Sân nhà hơi thoải nên tôi cứ thả xe theo dốc và tập đạp một chân. Sau 1 tuần tôi cũng đã tự đi được xe và hàng ngày đạp xe tới chỗ học nghề”.

Nghề may đòi hỏi người thợ phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ, từ đường kim, mũi chỉ ban đầu cho đến khi hoàn thành sản phẩm, bởi chỉ sai sót hay giữ lệch một chút sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức sản phẩm. Người bình thường đã vậy, nhưng với Tưởng lại càng khó khăn.

Anh Phan Văn Tưởng hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân may


Với một chân, anh Tường học cách đạp máy, rồi học cắt, may thành sản phẩm. Bởi cái duyên với nghề, nên anh học may rất nhanh và may rất khéo. Năm 1987, sau khi ra nghề, anh mở một của hàng nhỏ để phục vụ người dân địa phương.

Đến năm 2010, anh Tưởng đã tìm tòi và bắt mối với các cửa hàng ở Hà Nội lấy hàng về may gia công. Tay nghề cao, lại cẩn thận, sản phẩm anh làm ra được khách hàng rất ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm 2011, anh mở xưởng sản xuất, với diện tích khoảng 100m2.

Các đơn hàng ngày càng nhiều, anh Tưởng đã giúp đỡ để em gái và một người cháu cùng làm. Từ cơ sở gia công nhỏ, được sự giúp đỡ của anh Tưởng, người cháu đã phát triển, thành lập công ty lấy thương hiệu Chivando và cũng là người thường xuyên đi giao dịch thay cho anh.

Hiện nay, cơ sở may của gia đình Tưởng và em gái đang đảm nhiệm gia công áo véc, áo sơ mi công sở. Tưởng chia sẻ: “Khi bắt tay vào mở xưởng tôi mới thấy rằng kinh doanh không hề đơn giản. Ngoài việc thiếu vốn, tôi còn lo nguồn hàng, tìm nhân công, thêm vào đó mỗi đơn hàng lại đòi hỏi một kỹ thuật khác nhau.

Đối với những công nhân mới vào tôi phải chỉ dẫn từ đầu và yêu cầu họ cẩn thậm trong từng khâu của sản phẩm. Những khó khăn ban đầu về vốn, nhân công, nguồn hàng dần được giải quyết.

Hiện nay, tôi và em gái tập trung khâu kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm, việc tìm nguồn hàng và tiêu thụ sản phẩm đã có cháu tôi lo. Mỗi người một việc sẽ đỡ vất vả và các khâu được quản lý chặt chẽ, cẩn thận hơn”.

Đến với nghề bởi cái duyên nhưng rõ ràng để được thành công như ngày hôm nay, Phan Văn Tưởng đã nỗ lực và cô gắng rất nhiều. Hiện nay, xưởng may của gia đình anh đã được mở rộng, với diện tích 300m2, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 60 công nhân lao động, với mức lương từ 7-9 triệu đồng/tháng.

Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng. “Tôi làm ở xưởng may của gia đình anh Tưởng đến nay cũng được 6 năm. Làm việc ở đây tôi thấy rất thoải mái, gần nhà có thể về buổi trưa để chăm sóc con nhỏ.

Với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/tháng, tôi có thể lo cho cuộc sống gia đình mình. Tôi và nhiều người lao động rất khâm phục ý chí, nghị lực của anh Tưởng.

Không chỉ giỏi về kỹ thuật chuyên môn, năng động, nhạy bén đi tìm nguồn hàng, anh rất quan tâm tới đời sống người lao động, trả lương đầy đủ, đúng hẹn”, chị Vũ Thị Hằng, xã Hồng Thái nói:

Theo ông Phan Duy Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thì xã cũng quan tâm, khuyến khích nhân dân phát triển các ngành nghề mới tại địa phương, như nghề mộc dân dụng, nghề may mặc...

“Trong số những người phát triển nghề mặc tại địa phương, anh Phan Văn Tưởng, thôn Duyên Yết là một điển hình. Dù bị khuyết tật từ nhỏ, nhưng bằng nghị lực và niềm đam mê, Tưởng cũng đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở xưởng may và giúp cho nhiều người có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập khá; góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Hưng nói.
Nói về những thành quả của mình, anh Tưởng khiêm tốn cho rằng nó vẫn còn rất nhỏ bé. Nhưng anh vẫn cảm thấy tự hào vì mình đã tìm được hướng đi đúng đắn, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nuôi dạy con cái chăm ngoan và tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Hiện anh đang ấp ủ dự định đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để mở rộng sản xuất.

Với nghị lực vượt lên chính mình, anh Phan Văn Tưởng là một trong những cá nhân đã được Huyện ủy Phú Xuyên khen thưởng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tin liên quan