Tròn 10 năm làm việc công việc của một nhân viên CTXH với những trải nghiệm đáng nhớ, những cảm xúc vui buồn, và cả những trăn trở về chuyện đời, chuyện nghề, nhưng trên tất cả, anh Nguyễn Xuân Huy cảm thấy hạnh phúc với công việc của mình, bởi anh và các đồng nghiệp của mình đã góp phần nhỏ bé của mình làm vơi đi nỗi buồn của những người có số phận không may mắn.

Qua thực tiễn công việc của mình, anh Huy chia sẻ: Can thiệp, hỗ trợ là một hoạt động đặc trưng và là nòng cốt của nghề CTXH. Đây là hoạt động mang tính cá nhân của đối tượng rất cao, cùng một vấn đề nhưng mỗi đối tượng lại có những tổn thương khác nhau và kế hoạch hỗ trợ cũng khác nhau. Đối với những trường hợp bị bạo lực, bị xâm hại tình dục thì thông thường những đối tượng đó đều bị tổn thương nặng nề về tâm lý, bởi vậy việc tham vấn tâm lý và thực hiện các giải pháp để can thiệp hỗ trợ không thể giúp đối tượng thay đổi một sớm một chiều mà là cả một quá trình nhân viên CTXH kỳ công trợ giúp. Thời gian tư vấn, can thiệp, trị liệu một trường hợp thậm chí có thể kéo dài vài năm trời mới có thể cải thiện được tình hình.
Anh Nguyễn xuân Huy trong buổi tiếp xúc, hỗ trợ người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn
Trong hàng trăm trường hợp anh Huy từng trực tiếp can thiệp, hỗ trợ, việc giúp đỡ thành công những người bị trầm cảm đã để lại trong anh nhiều cảm xúc, niềm vui và kỷ niệm sâu sắc. Có thể kể tới trường hợp anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1974 tại huyện Hải Hà. Sống ở một xã miền núi, khoảng 7 năm về trước, do anh hay rượu chè, không chịu làm ăn nên vợ anh mang con bỏ nhà ra đi. Sau khi vợ con bỏ đi, anh D cảm thấy cuộc sống chán nản, anh dần mất đi nghị lực sống và rơi vào trạng thái trầm cảm, buồn chán, nằm bẹp cả ngày trên giường, không thiết làm ăn gì. Được chị gái ở gần nhà quan tâm, chăm sóc, anh chỉ ra khỏi giường để ăn khi quá đói. Khi thực hiện nhiệm vụ tại cộng đồng và tìm hiểu về những trường hợp yếu thế trong thôn, anh được cộng tác viên công tác xã hội của thôn chia sẻ về vấn đề của anh D, đó cũng là khi tình trạng của anh D đã kéo dài 6 - 7 năm, thể trạng của đối tượng gầy yếu, suy kiệt, tinh thần rệu rã, khủng hoảng trầm trọng, nhà cửa bẩn thỉu, tối tăm... Trực tiếp đảm nhận trợ giúp trường hợp này, trong vòng khoảng nửa năm trời, anh Huy hàng chục lần đi xe máy từ thành phố Hạ Long đến tận nhà đối tượng (cách 150km) và dành nhiều giờ gặp gỡ, tiếp xúc để tư vấn, trị liệu cho đối tượng. Trong những lần đầu tiên tiếp xúc, mặc cho anh Huy mất cả tiếng tư vấn, tâm sự, trao đổi nhưng đối tượng vẫn chưa thay đổi thói quen, tình hình không thay đổi là bao. Không bỏ cuộc, anh vẫn kiên trì đi lại và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động hỗ trợ người trầm cảm. Dần dần, anh D cũng chịu mở lòng, lắng nghe, chịu trò chuyện với nhân viên CTXH và bắt đầu ra khỏi giường để ăn uống, vệ sinh cá nhân, quét dọn nhà cửa, giặt giũ chăn màn...
Anh Nguyễn Xuân Huy trong buổi gặp gỡ để xây dựng kế hoạch
trợ giúp trẻ em bj xâm hại tình dục
Trao đổi với chúng tôi về “nghiệp vụ” của mình, anh Huy cho biết, đối với mỗi trường hợp nhân viên CTXH cần đặt mình vào hoàn cảnh đối tượng để có cách hỗ trợ, can thiệp uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp và nhu cầu, mong muốn của từng đối tượng, chứ không chỉ “tác nghiệp” một cách cứng nhắc theo lý thuyết, theo qui trình định sẵn. Để có thể hỗ trợ hiệu quả, triệt để các đối tượng yếu thế, nhất là những trường hợp phức tạp, cấp bách, đặc biệt khó khăn, đòi hỏi mỗi nhân viên CTXH, nhất là những người làm việc trong lĩnh vực can thiệp, hỗ trợ phải thực sự có “tâm”, có tinh thần trách nhiệm cao, kiên trì tìm nhiều cách giúp đỡ đối tượng. Câu chuyện của em T là một trường hợp như thế!
Anh kể, vào những ngày giáp Tết Canh Tý năm 2020, anh và các đồng nghiệp nhận được thông tin về một trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp. Đó là em Trần Thị T, 15 tuổi, tại thành phố Hạ Long, bị chính bố đẻ của mình nhiều lần xâm hại tình dục. Lúc cô giáo của em T phát hiện ra những biểu hiện bất thường, tâm sự với em và liên hệ với Trung tâm CTXH để được trợ giúp thì em T đã rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, em tự cắt tay, không thiết học hành, không làm bài thi, sống thu mình, câm lặng. Hoàn cảnh gia đình em T rất khó khăn, gia đình em có 3 anh em, em là con thứ 2, dưới T còn em nhỏ mới hơn 3 tuổi. Anh trai em bị bệnh ung thư nên mẹ em thường xuyên phải đưa anh của T đi chữa bệnh tại Hà Nội. Bố em là người duy nhất trong gia đình có thể đi làm để duy trì nguồn sống cho cả gia đình và có tiền chữa bệnh cho con trai. Hàng ngày, ngoài giờ đi học, em còn phải trông em nhỏ và nấu cơm, làm việc nhà giúp bố mẹ. Qua tìm hiểu thông tin, anh Huy được biết lần gần nhất em T bị xâm hại tình dục đã cách đó hơn 1 tháng và không có bất cứ bằng chứng nào về sự việc này ngoài lời kể của em. Có thể do quá lo lắng về việc mất đi nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình, bản thân mẹ em T cũng phủ nhận về sự việc và không hợp tác với nhân viên CTXH để giải quyết.
Sự việc rõ ràng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng bài toán đặt ra cho anh Huy và các đồng nghiệp của mình là phải xử lý sao cho tế nhị, hài hòa, vừa giúp cho em T thoát khỏi tình trạng xâm hại của bố mình, ổn định tâm lý mà gia đình em không tan nát, bố em nhận ra những việc làm của mình là sai trái, vi phạm pháp luật và đạo đức, không thể tiếp tục thực hiện hành vi đó và vẫn có thể tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, chữa bệnh cho con. 
Nếu ngay khi phát hiện sự việc, nhân viên CTXH lập tức tiết lộ thông tin về sự việc, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc bắt giữ bố em T, thì chắc chắn gia đình em sẽ tan nát, mất đi nguồn sống duy nhất. Tình huống xấu nhất xảy ra là có thể em T sẽ bế tắc, khủng hoảng tâm lý và tự tử. Trước tình thế đó, anh Huy và các đồng nghiệp một mặt liên hệ với cô giáo, nhà trường làm công tác tư tưởng, thường xuyên động viên, an ủi em; một mặt gặp gỡ, trao đổi với bố em phân tích phải trái, cảnh báo, răn đe và tìm hiểu thông tin, tìm cách trợ giúp em T. Cách giải quyết được đưa ra là ban ngày em T vẫn đi học và về nhà trông em, làm việc nhà, còn ban tối đến nhà bà nội cách nhà em vài trăm mét để ngủ. Bác dâu em nhà cũng ở gần đó được nhân viên CTXH trao đổi, thông báo tình hình và huy động vào cuộc chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ em. Đến nay, sự việc đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa, qua tìm hiểu của nhân viên CTXH, em T đã dần ổn định tâm lý, chú tâm học hành, sống vui vẻ,  hòa đồng hơn với các bạn ở trường...
Anh Huy tâm sự, đối với anh và các nhân viên CTXH, mỗi trường hợp tư vấn, trợ giúp thành công cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là những trường hợp nghiêm trọng, phức tạp, khẩn cấp... chính là những phần thưởng vô giá, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để anh và các đồng nghiệp của mình nỗ lực hơn nữa trong công việc. Với sự tậm tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, các anh chị đã kết nối với những cơ quan chức năng và dịch vụ xã hội khác để chia sẻ, trợ giúp những con người đã từng có lúc rơi vào tận cùng của sự bế tắc và tuyệt vọng tìm ra lối thoát, có cơ hội thay đổi hoàn cảnh, số phận của mình, qua đó, họ có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào tình người, vào tính nhân văn và tốt đẹp của xã hội chúng ta. 
Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan