Sau 3 năm chờ đợi, với sự chuẩn bị tỉ mỉ, chi tiết, sự góp sức của Ban tổ chức và các đơn vị, Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI năm 2024 hứa hẹn trở thành ngày hội thực sự của người khuyết tật, trẻ mồ côi, đáp ứng lòng mong mỏi của gần 600 đại biểu người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ và đội ngũ cán bộ Hội, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cả nước được giao nhiệm vụ tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức đoàn tham dự Hội nghị. 
z5289458460050 3653e7f2e4967c94fe22206b3a9631c9
Bà Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch nước Cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp nhận mô hình nhà từ đại biểu là người dận tộc về dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ I (2003)
Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức định kỳ 3 năm một lần, lần thứ I tháng 4/2004, lần thứ II tháng 4/2007, lần thứ III tháng 4/2010, lần thứ IV tháng 4/2013, lần thứ V tháng 4/2016. 
Theo đúng tiến độ, Hội nghị lần thứ VI sẽ diễn ra vào tháng 4/2021. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, Hội nghị chưa thực hiện được. Sau 3 năm chờ đợi trong điều kiện nhiều lần phải lùi thời gian tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, bố trí nguồn lực, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam quyết định tổ chức Hội nghị vào tháng 4 năm 2024.
Từ trước khi có quyết định chính thức về việc tổ chức Hội nghị, từ năm 2021 đến nay, thông tin liên lạc giữa Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam với các đơn vị liên quan vẫn luôn được kết nối để trao đổi về thời gian, hình thức tổ chức Hội nghị. Thông báo về việc tổ chức Hội nghị được phát hành vào tháng 12/2023 - thời điểm cận Tết Giáp Thìn càng làm cho việc chuẩn bị Hội nghị thêm rộn ràng, phấn khởi.
Theo đánh giá của đại diện các tỉnh, thành Hội, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời điểm tổ chức Hội nghị lần này có những thuận lợi nhất định khi công tác chuẩn bị đã được triển khai và cơ bản hoàn thành từ năm 2021. Ngay khi nhận được công văn của Bộ LĐTBXH về việc tổ chức Hội nghị, UBND các tỉnh, thành phố đã lập tức có văn bản chỉ đạo, giao Sở LĐTBXH, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi chủ trì hoặc phối hợp lựa chọn, tổ chức đoàn đại biểu tham dự Hội nghị. Sự hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết đến từng đối tượng đại biểu (số lượng phân bổ đại biểu từng tỉnh, thành phố, tiêu chí lựa chọn đại biểu, các văn bản, thủ tục cần thiết với từng đối tượng, thành phần đoàn, mẫu báo cáo thành tích cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, mẫu danh sách đoàn, danh sách trích ngang...), sự kết nối thông tin thường xuyên, liên tục của Ban tổ chức Hội nghị đã giúp cho các địa phương lựa chọn được những đại diện tiêu biểu trong hàng nghìn đối tượng trên địa bàn tham dự Hội nghị.
Việc lựa chọn đại biểu, tổ chức họp bình xét khen thưởng đã được thực hiện trong điều kiện vừa làm vừa chống chọi với đại dịch, vừa phấn khởi vừa lo lắng vì đại dịch vẫn chưa chấm dứt. Khi có quyết định lùi thời gian tổ chức Hội nghị để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, các khâu chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã lập tức có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo triển khai và các địa phương đã khẩn trương “khởi động lại” chương trình.
Ở cấp Trung ương, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đồng thời có văn bản gửi các tổ chức Hội thành viên chủ động phối hợp tổ chức đoàn, mời đại biểu của các tổ chức, đơn vị khối Trung ương tham dự hội nghị. Công tác chuẩn bị về nguồn lực, địa điểm tổ chức, nơi ăn nghỉ, đón tiếp đại biểu, xây dựng phóng sự, tổ chức trưng bày ảnh... đã được thực hiện theo kế hoạch. Tạp chí Người bảo trợ đã xây dựng kế hoạch, phát hành số báo đặc biệt với nhiều bài viết tập trung tuyên truyền cho Hội nghị.
z5289458787291 146781c3a5d159d1ade3be0be6a6c77a
Bà Nguyễn Thị Doan, phó Chủ tịch nước Cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm hỏi anh Nguyễn Quốc Toàn, đại biểu người khuyết tật tiêu biểu trước thềm Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ  III (2010)
Ở địa phương, việc rà soát, cập nhật thông tin đại biểu được tiến hành khẩn trương, tích cực. Sau 3 năm gián đoạn, có không ít khó khăn phát sinh trong công tác tổ chức đoàn đại biểu dự Hội nghị. Đó là thủ tục đề nghị cấp kinh phí, việc rà soát đại biểu, lựa chọn đại biểu thay thế. Bởi người khuyết tật, trẻ mồ côi là nhóm đối tượng yếu thế, có sự biến chuyển không ngừng. Nhiều người sau 3 năm đã không còn sinh sống trên địa bàn, trẻ mồ côi đã trưởng thành, ra trường và đi làm, nhiều em quá tuổi để ở lại các cơ sở Bảo trợ xã hội; một số đại biểu vì lý do bất khả kháng như sức khỏe, thay đổi địa bàn cư trú... đã không thể tham dự Hội nghị. Một số tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Đắc Nông, Gia Lai, Khánh Hoà, Long An, Nghệ An, Tây Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Long... buộc phải lựa chọn đại biểu thay thế. Lúc này, đơn vị được giao công tác tổ chức đoàn sẽ phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị khen thưởng cho những đại biểu mới được chọn thay thế.
Không chỉ có sự xáo trộn về đại biểu, thành phần cán bộ phục vụ đoàn cũng có nhiều thay đổi. Một số cán bộ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2021 được phân công theo đoàn nay chuyển công tác hoặc thay đổi cán bộ phụ trách, một số cán bộ Hội do điều kiện sức khoẻ không thể tham gia phục vụ đoàn. Và đặc biệt là trường hợp có địa phương như tỉnh Bạc Liêu có tổ chức Hội mới thành lập trong giai đoạn tạm hoãn Hội nghị nay cũng tham gia công tác chọn lựa, đề xuất đại biểu và tổ chức đoàn đại biểu. Bà Lê Thu Đãnh – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Thời điểm năm 2021 ở tỉnh chưa thành lập Hội nên UBND tỉnh giao cho Sở LĐTBXH tổ chức đoàn. Hiện tại, khi tổ chức Hội đã được thành lập nên chúng tôi sẽ đảm nhận trọng trách này. Nhìn chung cũng không có nhiều khó khăn vì có sự chỉ đạo sát sao, chi tiết của Trung ương Hội, sự tạo điều kiện của UBND tỉnh và sự phối hợp hiệu quả của Sở LĐTBXH”.
Có thể nói, việc tổ chức Hội nghị đã đáp ứng sự mong mỏi không chỉ của các đại biểu mà các tỉnh, thành Hội, các Sở LĐTBXH trên khắp cả nước. Công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm cùng tinh thần hết mình vì người khuyết tật, trẻ mồ côi của các đơn vị từ ngành LĐTBXH đến các cấp Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Sau 3 năm chờ đợi, với sự chuẩn bị tỉ mỉ, chi tiết, sự góp sức của BTC và các Bộ, ngành Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI hứa hẹn sẽ trở thành ngày hội thực sự của người khuyết tật, trẻ mồ côi./.
 Hoàng Dung

Tin liên quan