Tạp chí Người bảo trợ đã trở thành kênh thông tin quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Quang cảnh lễ kỷ niệm.
Ảnh: Tạp chí Người bảo trợ cung cấp

TTXVN - Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Tạp chí Người bảo trợ (Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam) đã diễn ra ngày 3/4, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Ảnh: Tạp chí Người bảo trợ cung cấp

Đến dự và chung vui cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của tạp chí, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lưu ý thời gian tới, Tạp chí cần tiếp tục thông tin kịp thời, sinh động, sâu sắc hơn những câu chuyện về sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi; phản ánh việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi, người yếu thế; nghiên cứu, phản biện, góp ý kiến với việc xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước ở lĩnh vực này.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người bảo trợ đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm
Ảnh: Tạp chí Người bảo trợ cung cấp

Ôn lại chặng đường 20 xây dựng, trưởng thành, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người bảo trợ cho biết: Cách đây 20 năm, Ban Thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam quyết định cho ra đời bản tin "Bảo trợ - Từ thiện". Sau 3 số Bản tin, Tạp chí Người bảo trợ được thành lập và hoạt động theo Giấy phép của Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Thông tin - Truyền thông) và Quyết định của Trung ương Hội. Thời gian qua, tạp chí từng bước được cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng về nội dung, hình ảnh theo tiêu chí: trung thực, chính xác, hiệu quả, chất lượng. Tạp chí đã trở thành kênh thông tin tuyên truyền quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng đối với người khuyết tật, trẻ em nói chung, trẻ mồ côi nói riêng; phát hiện, tuyên truyền về khả năng, sự đóng góp của người khuyết tật, trẻ mồ côi và những gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu; đăng tải, tuyên truyền sâu rộng về Luật Người khuyết tật, Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật; những ý kiến, phản biện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo trợ, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi…

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phát biểu chúc mừng Tạp chí
Ảnh: Tạp chí Người bảo trợ cung cấp

Thời gian tới, Tạp chí sẽ tiếp tục chủ động, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có năng lực cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng tốt công nghệ hiện đại, các kỹ năng làm báo hiện đại; chủ động tìm hiểu, nắm bắt, tiếp cận, nghiên cứu chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình hoạt động của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam để có nhiều hơn các bài viết mang tính phản biện định hướng, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc, bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi.../.

Theo chinhsachcuocsong.vnanet.vn

Tin liên quan