Tình cờ biết chị qua một cuộc thi ảnh truyền cảm hứng và thông điệp bình đẳng của người khuyết tật, người phụ nữ mạnh mẽ trên chiếc xe lăn đua lan tỏa sức mạnh phi thường, nghị lực và đầy nhiệt huyết.


Chị Hà đoạt Huy chương Đồng tại ASEAN Para Games bộ môn điền kinh (đua xe lăn)

Vượt qua nghịch cảnh

Đã gần chớm tuổi 60 nhưng chị Phạm Thanh Hà trú tại phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội vẫn trẻ khỏe, đầy nhiệt huyết với đam mê hoạt động thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật. Nhưng để được có ngày hôm nay, chị không quên những ngày tháng vất vả, gian chuân đã qua. Ngày chị lên 2 tuổi bị sốt cao, biến chứng liệt nửa người, được bố mẹ chạy chữa khắp nơi, sử dụng nhiều loại thuốc nên các bộ phận dần lấy lại được chức năng hoạt động mặc dù khá yếu. Riêng chân trái không có tiến triển, bị liệt hoàn toàn từ hông xuống, muốn đi lại đều phải nhờ người thân hỗ trợ. Nay chị phải sử dụng nẹp để cố định, tiện di chuyển khoảng cách gần, khi di chuyển đường dài phải sử dụng xe lăn.

Chị Hà lớn lên với sự yêu thương, chia sẻ của gia đình, người thân nhưng không thể tránh khỏi những buồn tủi, mặc cảm trong cuộc sống, chị tâm sự: “Cuộc sống của chị từ đó đảo lộn, bị ảnh hưởng rất nhiều từ việc sinh hoạt cá nhân, đi học và lớn lên là công việc, gia đình. Đến tuổi đi học không thể tự đi được, đều phải nhờ anh chị em, ban bè cõng đi. Bây giờ xã hội, cộng đồng nhìn người khuyết tật với một ánh mắt khác chứ ngày xưa chị đi học với bao nhiêu nước mắt, bạn bè trêu chọc nhiều khiến chị thiếu tự tin, mặc cảm, nhìn thấy ai là ngại, tránh tiếp xúc.” Khó khăn là vậy nhưng bằng sự nỗ lực và mong muốn được đi học, tiếp cận với tri thức, chị theo học hết cấp 3 (10/10) nhưng trớ trêu thay thời ấy người khuyết tật không được học đại học nên sự nghiệp học hành của chị cũng chấm dứt từ đó.

Không được học cao, chân không thể đi lại, bằng cấp không có nên chị Hà không thể xin được một công việc ổn định, phù hợp với tình trạng sức khỏe. Hàng xóm quanh khu thấy chị chăm chỉ, vượt khó nên đều quý mến và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện nhận hàng cho chị làm gia công tại nhà và trả hàng giúp. Thấu hiểu những nhọc nhằn, khó khăn của gia đình nên chị luôn khao khát được tự lập và chứng minh bản thân không hề vô ích, thôi thúc chị tự xin việc, không ngại học hỏi và làm đủ thứ nghề như thêu, may, in phong bì, in thiệp thuê, gấp hộp… “Dù công việc nhỏ lẻ và khi nhận được số tiền thực ra không đáng là bao đâu nhưng mình cảm thấy rất hân hoan, đấy là những đồng tiền bằng sự nỗ lực của mình, mình kiến được. Cho nên trong đầu chị luôn luôn nghĩ rằng mình phải vượt lên chính mình, phải đứng bằng đôi chân của mình không phụ thuộc vào bất kỳ ai.”

Vượt qua mọi giới hạn

Ngày ấy, chị được bạn bè giới thiệu vào hoạt động tại Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao dành cho người khuyết tật nhưng bởi cuộc sống mưu sinh, chị phải chăm lo cho gia đình và con nhỏ nên chị gác lại. Khi con cũng đã đi học được, cuộc sống bớt căng thẳng, chị quyết định xin vào Trung tâm với mong muốn tham gia vận động, nâng cao sức khỏe và phục hồi chức năng. Chị vui vẻ chia sẻ: “Mới đầu chị chỉ nghĩ đi tập để cho khỏe thôi, trong này toàn người khuyết tật, mọi người đối xử với nhau rất tình cảm, không hề tự ti, mặc cảm và quan trọng hơn nữa còn được tập miễn phí. Tập được nửa năm thì huấn luyện viên thấy chị có năng khiếu và mời chị tham gia huấn luyện thi đấu.”.

Nét đẹp thể thao (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Và từ đây, chị bén duyên với thể dục thể thao từ đó, ngày đêm luyện tập bộ môn điền kinh (đua xe lăn) dành cho người khuyết tật. Bằng nhiệt huyết, niềm đam mê thể dục thể thao đã mang chị tiến tới thành công liên tiếp, chỉ trong thời gian ngắn chị được cử đi thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Nỗ lực được đền đáp xứng đáng, khoảng gần 1 năm chị tham gia giải thi đấu thể thao người khuyết tật toàn quốc giành được 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng. Chị tiếp tục tham gia thi đấu tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) được tổ chức tại Malaysia và xuất sắc giành Huy chương đồng bộ môn điền kinh.


Chị Hà giành Huy chương Vàng giải đấu toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh

Không dừng lại ở môn đua xe lăn, chị Hà còn tiếp tục huấn luyện và chinh phục các giải đấu toàn quốc thi các môn phóng lao, đẩy tạ, ném đĩa. Nhìn những tấm huy chương, thành tích đã đat được trong suốt hơn 20 năm qua, chị chia sẻ: “Với người bình thường tập thể thao đã rất vất vả, chị còn là người khuyết tật nữa nên tập và thi đấu thể thao không chỉ là mồ hôi, vất vả mà còn đổ máu, gãy tay, gãy chân là việc diễn ra rất bình thường. Thực sự vào thể thao là cả một niềm đam mê, không có đam mê không thể nào chơi được các bộ môn này.” Mong muốn vượt lên số phận, chinh phục tất cả giới hạn của bản thân, thỏa niềm đam mê và khao khát được cống hiến chính là động lực giúp chị cố gắng, nỗ lực để theo đuổi niềm đam mê đến cùng. Đúng như câu nói là “lửa thử vàng gan nan thử sức”, đến nay chị đã mang về 38 huy chương ở các giải thể thao dành cho người khuyết tật.

Tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng

Bên cạnh những giải đấu đầy nhiệt huyết, chị Hà thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến và truyền nghị lực sống cho người khuyết tật đồng cảnh ngộ. Hiện chị đang là Chi hội trưởng Hội người khuyết tật phường Đội Cấn, Phó chủ nhiệm CLB Phụ nữ Hội người khuyết tật quận Ba Đình và là Ủy viên Ban thường trực Hội người Khuyết tật quận Ba Đình. Trong đợt giãn cách này, hòa chung tinh thần chống dịch như chống giặc, Hội người Khuyết tật quận Ba Đình đã vận động được 100 suất quà từ các mạnh thường quân chia sẻ đến những người khuyết tật trong địa bàn quận Ba Đình chủ yếu sống phụ thuộc vào gia đình, nhiều người có khả năng lao động nhưng vì dịch bệnh giờ đây cũng đã thất nghiệp. Những chiếc xe 3 bánh, xe máy, xe lăn của chính các anh chị hội viên trong hội đã kịp thời hỗ trợ, động viên tất cả người khuyết tật trên địa bàn gặp khó khăn, lan tỏa tấm lòng lá rách ít đùm lá rách nhiều giữa tâm dịch Covid-19.


Hội Người khuyết tật quận Ba đình tổ chức chào mừng ngày Người khuyết tật Việt Nam

Hội nghị kiện toàn của CLB Phụ nữ khuyết tật nhiệm kỳ 2021-2026

Tin liên quan