Trước những diễn biến và hệ lụy khôn lường của đại dịch Covid-19, trẻ em được xem là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được xã hội đặc biệt quan tâm.
Báo cáo gần đây của các tổ chức quốc tế đưa ra con số ước tính gần 1,5 tỷ trẻ em - hơn một nửa số trẻ em trong độ tuổi đi học trên toàn thế giới không được đến trường do việc triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại các quốc gia; hơn 350 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học không được hưởng các dịch vụ ăn uống và nhu cầu dinh dưỡng ở trường. Kết quả nghiên cứu chung của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra dự báo, tính đến cuối năm 2020, khoảng 86 triệu trẻ em có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói, sự an toàn của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Ở nước ta, tính đến giữa tháng 4, gần năm triệu công nhân Việt Nam bị mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19; và số lượng hộ nghèo tăng thêm. Giữa bối cảnh đó, sự thiệt thòi có thể nhìn thấy rõ hơn khi hiện nước ta có hàng triệu trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em di cư, trẻ dân tộc thiểu số… là những đối tượng dễ bị tổn thương, thuộc nhóm trẻ có nhiều nguy cơ bị bạo lực, lao động sớm, bóc lột, mua bán và xâm hại. Vừa qua, trong bối cảnh cả nước đang tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch, Tháng Hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em (PCXHTE)" thu hút sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình và cộng đồng tích cực hơn trong việc bảo vệ trẻ em, nhất là PCXHTE.
Mới đây, Quốc hội vừa tổ chức giám sát cấp cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE, tiếp đó kịp thời ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Nội dung đáng chú ý trong nghị quyết trên đã đặt ra yêu cầu trước mắt và lâu dài là Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường giám sát, kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCXHTE ngay tại địa bàn dân cư; tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào, các cuộc vận động do các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai. Vấn đề được quan tâm khác là cần đổi mới căn bản công tác tuyên truyền tại nhà trường và cộng đồng, để trẻ nâng cao nhận thức, kỹ năng sống, sớm biết cách tự phòng ngừa, biết "đề kháng" với những tác động tiêu cực. Yêu cầu người đứng đầu mọi cơ quan, đơn vị, địa phương trước hết phải là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại, bạo lực đối với trẻ em…
Đến nay, với phương châm hành động trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ là "Không một ai bị bỏ lại phía sau", đối tượng phụ nữ và trẻ em được ưu tiên chăm sóc hơn. Trong số nhiều biện pháp, chính sách về an sinh xã hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai kịp thời, hiệu quả các chiến dịch truyền thông đa phương tiện, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề của trẻ em, các bậc phụ huynh và giáo viên trong bối cảnh giãn cách xã hội. Nhiều quyết sách, quyết định kịp thời, đủ mạnh, phù hợp đã và đang được xã hội đón nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nhiều sản phẩm truyền thông hấp dẫn, mang lại hiệu quả, kế thừa kinh nghiệm, phương pháp từ các tài liệu phổ biến toàn cầu của UNICEF và các tổ chức quốc tế khác. Trong quá trình triển khai được thực hiện bằng nhiều hình thức sáng tạo, phù hợp đặc điểm, văn hóa địa phương. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch cho người dân cần tiếp tục chú trọng. Các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp, tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về năng lực, nguồn lực, kỹ thuật, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không mong muốn do giãn cách xã hội đối với trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.