Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời của trẻ, được biểu hiện ra bên ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại. Cuộc chiến với chứng rối loạn phổ tự kỷ thường rất gian nan, vì vậy, việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời là rất quan trọng, giúp trẻ có cơ hội hoà nhập cộng đồng, tự lập trong cuộc sống.
Nhận biết trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Trẻ tự kỷ cũng có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, vấn đề về tiêu hoá, thường xuyên lo lắng và bồn chồn…
Tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng tăng lên (ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ xuất hiện của trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ được ghi nhận khác nhau giữa các quốc gia và nhóm người. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 200.000 người tự kỷ. Tỷ lệ mắc chứng tự kỷ ở trẻ em là khoảng 1%. Trong khoảng 15 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng lưu tâm. Hiện chưa có loại thuốc nào chữa khỏi hoàn toàn chứng tự kỷ, song nếu được phát hiện sớm, can thiệp đúng cách thì người tự kỷ vẫn có khả năng tiến bộ, hoà nhập với xã hội, đi học, đi làm và sống độc lập.
Thời điểm 6 tháng tuổi là thời điểm sớm nhất để phát hiện trẻ có các dấu hiệu tự kỷ. Các triệu chứng của trẻ có thể rất khác nhau, tùy mức độ nghiêm trọng và thường không rõ ràng cho đến khi bé được hơn 2 tuổi. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên thường xuyên theo dõi sự phát triển của con mình và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu phát hiện con có những biểu hiện bất thường, không giống với các bạn cùng trang lứa. Đặc biệt, bố mẹ cần lưu ý khi thấy trẻ: không cười tươi, khó thể hiện tình cảm khác nhau hoặc không giao tiếp mắt khi trẻ 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn; Trẻ không trao đổi âm thanh qua lại hoặc khó thể hiện nụ cười biểu cảm trên khuôn mặt với người đối diện khi trẻ 9 tháng tuổi hoặc lớn hơn; Đến 12 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa bập bẹ mama, baba; Trẻ không có cử chỉ chỉ trỏ, chỉ cho người khác thấy điều mình muốn khi trẻ 12 tháng tuổi hoặc lớn hơn; Đến 16 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa nói được từ đơn như: Cơm, gà, cha, mẹ; Đến 24 tháng tuổi mà trẻ vẫn chưa tự nói được cụm 2 từ có nghĩa. Bất kỳ dấu hiệu mất tiếng nói, tiếng bập bẹ hay mất kỹ năng tương tác xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào trong quá trình phát triển.
Can thiệp sớm giúp cải thiện đáng kể tình trạng khuyết tật của trẻ (ảnh minh họa)
Khi trẻ có các loại hành vi như: Lặp đi lặp lại một số động tác: liên tục vẫy tay, tự xoay người vòng vòng; Khó thích nghi hay cứng nhắc: rất thích xếp đồ vật theo đúng thứ tự, ngăn nắp; Thiếu thích thú, không biết vui đùa; Nhạy cảm với thức ăn, mùi vị, âm thanh hay hình ảnh: thích nhìn nghiêng hay liếc mắt khi ngắm nghía đồ vật rất đỗi thông thường… thì cha mẹ cần cho trẻ đi thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Can thiệp sớm hỗ trợ trẻ tự kỷ hoà nhập
Cần phải hiểu rõ, tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa hội chứng tự kỷ, tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được trợ giúp để phát triển ngay từ đầu các kĩ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức, trẻ vẫn có thể phát triển tương đối bình thường, hòa nhập được với cộng đồng. Việc can thiệp cho trẻ tự kỷ thường bao gồm hoạt động luyện tập, giáo dục cho trẻ các kĩ năng ngôn ngữ, nhận thức, xã hội và kĩ năng tự phục vụ bản thân. Hướng dẫn, tư vấn cha mẹ trẻ để hỗ trợ trẻ.
Ngay từ khi trẻ có biểu hiện bất thường, chẩn đoán xác định rõ từ 24 – 30 tháng tuổi, trẻ cần được trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu tâm vận động và điều hoà cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội, tư vấn gia đình. Các kỹ năng cơ bản cần dạy trẻ gồm: chú ý bằng nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ, chơi phù hợp, hiểu lời, kỹ năng phát âm. Trong quá trình này, thái độ và vai trò của cha mẹ trẻ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cha mẹ không nên lo lắng mà giấu giếm tình trạng của con mình, cần nhìn nhận thực tế một cách khách quan để có cơ hội cải thiện tình trạng của trẻ. Hãy đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện các biểu hiện nghi ngờ trẻ bị tự kỷ, tích cực tìm hiểu tự kỷ, điểu chỉnh cảm xúc bản thân, tạo môi trường sống an toàn, ổn định cho trẻ. Cùng với đó, việc cha mẹ dành nhiều thời gian cho trẻ từ đó quan sát, hiểu, tương tác và dạy trẻ phù hợp có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ tự kỷ. Cha mẹ có thể dạy trẻ mọi lúc mọi nơi bằng vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, biểu tượng đồng thời kết hợp với các nhà chuyên môn như bác sỹ nhi khoa, cán bộ tâm lý, giáo viên giáo dục đặc biệt, bác sỹ chuyên khoa tâm thần… để hiệu quả giáo dục trẻ được tốt hơn.
Tại gia đình, cha mẹ có thể tự can thiệp sớm cho con bằng cách chơi và dạy trẻ mọi lúc mọi nơi, ít nhất 3 giờ/ngày, hạn chế cho trẻ xem ti vi đồng thời làm các động tác gây sự chú ý của trẻ, tạo cho trẻ nhu cầu tiếp chuyện, học theo cử chỉ, động tác hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ hãy dạy cho trẻ các cử chỉ giao tiếp, dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác, bắt chước các động tác môi, miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản. Nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, đồ vật, sai trẻ làm những việc đơn giản phù hợp với độ tuổi của trẻ. Giúp trẻ thực hiện vận động tinh (xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán,…), vận động thô (đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng, …), kích thích cảm giác khác nhau vào da, cơ, khớp của trẻ (mát xa, chải, xoa bóp, ép khớp…), hướng dẫn trẻ tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép, …, khuyến khích trẻ chơi cùng trẻ khác. Luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi với tiến bộ nhỏ nhất.
Những trò chơi dân gian giúp tăng sự tương tác cho trẻ
Theo các nhà nghiên cứu, đối với trẻ từ 18 - 36 tháng tuổi, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, điều trị bởi các chuyên gia thì có khoảng 30% khả năng trẻ sẽ trở lại bình thường, có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng. Quá độ tuổi này, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Tự kỷ cũng rất dễ nhầm lẫn với chậm phát triển, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn học tập. Vì vậy, việc dành thời gian quan tâm đến trẻ, đặc biệt là nắm chắc các dấu hiệu cho thấy trẻ bị tự kỷ sẽ giúp cha mẹ nắm chắc thời điểm “vàng” để quyết định những biện pháp can thiệp sớm cho trẻ.
Lâm Nguyên