Vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho người khuyết tật chính là con đường bền vững để họ thực sự là một phần của xã hội…
Ngày 13/04/2021, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm đối thoại chính sách về vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn cho người khuyết tật (NKT).
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Hà, cho biết: Nhiều năm qua, Hội luôn đặt vấn đề việc làm cho NKT ở trọng tâm các chương trình, kế hoạch của mình. Việc làm ổn định sẽ giúp NKT tạo dựng cuộc sống tự lập, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội, mở ra những cơ hội mới để NKT hoà nhập đầy đủ và bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho phù hợp với NKT gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó là những rào cản trong tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế của NKT.
“Chính vì vậy, trăn trở với những khó khăn của NKT làm sao có thể tự lập và tham gia hoạt động Hội, Hội NKT Hà Nội luôn khuyến khích những NKT tham gia vào thị trường lao động chung và đạt được những kết quả ghi nhận. Trong đó có việc tổ chức dạy nghề cho hội viên thông qua sự phối hợp với trung tâm dạy nghề và các doanh nghiệp; Hội NKT cấp quận, huyện và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với các doanh nghiệp địa phương, trung tâm dạy nghề đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại chỗ cho hàng trăm NKT" - Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Hà, thông tin.
Đặc biệt, tại Hà Nội đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh do NKT làm chủ và nhiều cơ sở nhận lao động là NKT. Đó là những mô hình tiêu biểu như các hợp tác xã: Trái Tim Hồng, Tâm Ngọc, Sức Sống Xanh (huyện Sóc Sơn), Vụn Art (quận Hà Đông); Cơ sở May cờ 3/12 (quận Bắc Từ Liêm)...
Chị Trần Thị Thuần, Chủ tịch HĐQT kiếm Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc (huyện Sóc Sơn), trao đổi: HTX Tâm Ngọc có 30 thành viên, trong đó 26 NKT làm các công việc như trồng cây dược liệu, chế biến trà thảo dược, đóng gói... thu nhập ở mức từ 2,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng tùy theo khả năng của từng người.
Theo Giám đốc Công ty TNHH 3/12 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) Ông Phạm Quang Khôi, cho biết: Hiện tại, đơn vị có 18 công nhân là NKT, trong đó 6 NKT nặng làm các công đoạn về may các loại cờ có mức thu nhập từ 2 – 7 triệu đồng/người/tháng. Bản thân là NKT và mong muốn tạo việc làm cho những NKT nên tôi đã bố trí việc làm tùy theo mức độ khuyết tật và khả năng của từng người.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong công tác giải quyết việc làm cho NKT, tuy nhiên theo hướng dẫn liên tịch 1914/HNM-HNKT-NHCSXH TP ngày 26/10/2017, việc vay vốn đối với đối tượng là hội viên của hội NKT, hội người mù từ nguồn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn gặp khó khăn. Cụ thể vẫn còn trên 70% xã, phường ở Hà Nội chưa thành lập Hội và chi hội NKT, vì vậy NKT gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay tại các đoàn thể xã phường.
"Trong khi đó, một số hội đoàn thể tại địa phương rất e ngại NKT không có khả năng trả gốc khi đáo hạn. Về phía các hội đoàn thể tại địa phương không được phân bổ nguồn vốn ưu tiên cho NKT nên NKT càng khó khăn hơn trong tiếp cận vốn vay. Do đó, để tạo việc làm cho NKT có thu nhập ổn định cuộc sống, tại buổi tọa đàm này, Hội NKT Hà Nội đề nghị Sở Lao động - TBXH, Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND quận, huyện và các hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa để NKT được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn. Đồng thời có chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn vay hàng năm từ Ngân hàng CSXH đến đoàn thể địa phương dành riêng cho NKT" - Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Hà, chia sẻ.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu NKT nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với NKT từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NKT là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm.
Còn tại thành phố Hà Nội, mặc dù số NKT có nhu cầu học nghề khá cao, tuy nhiên, số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm thấp. Nguyên nhân do nhiều NKT và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; thời gian dạy nghề cho NKT quá ngắn, nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều NKTkhông mặn mà với việc học nghề.
Để bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho NKT, trong đó để NKT có việc làm bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho NKT vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của NKT...
Theo laodongxahoi.net