Dù nỗ lực hỗ trợ trẻ khuyết tật thông qua trường học ảo, giới chức Mỹ vẫn thừa nhận thất bại trong việc cung cấp giáo dục chất lượng cho nhóm trẻ này.
Một chiều đẹp trời hè năm ngoái, Maki, 9 tuổi, trèo lên tấm bạt lò xo phía sau ngôi nhà ở Bắc Virginia và bắt đầu la hét. Lisa, mẹ cậu bé, vội chạy ra sân, trông thấy con đang khóc.
Cậu bé nghĩ có một con rắn trên lưng và muốn mẹ bắt loài bò sát khổng lồ sắp quấn lấy cổ mình. Người mẹ cố gắng nói với cậu con trai mắc chứng tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý rằng, không có rắn.
Maki bị suy giảm khả năng nhận thức thực tế. Các bác sĩ sau đó nói với bố mẹ Maki rằng những tháng ngày học tại nhà, xa rời các hoạt động ở trường và bạn bè, đã góp phần khiến tình trạng của cậu trở nên trầm trọng. Họ nghĩ Maki cần trở lại trường học trực tiếp, toàn thời gian nếu có thể.
Maki nhập viện một thời gian ngắn và cuối cùng được đến lớp vài ngày một tuần trong tháng 11/2020. Nhưng suốt nhiều tháng, cậu bé một mình với màn hình iPad và làm theo hướng dẫn từ xa của giáo viên.
Trẻ em khắp nước Mỹ phải nghỉ học vì dịch bệnh, việc này có tác động đặc biệt đối với những học sinh như Maki, những người phụ thuộc vào cấu trúc và khuôn mẫu để có cảm giác an toàn.
Giới chức các học khu ở Mỹ thừa nhận thất bại trong việc cung cấp giáo dục chất lượng cho học sinh khuyết tật. Chuyên gia cảnh báo hậu quả của thất bại này có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ.
Hơn 7 triệu học sinh đủ điều kiện nhận các dịch vụ giáo dục đặc biệt theo Đạo luật Giáo dục Cá nhân Khuyết tật liên bang (IDEA). Những đứa trẻ này, mỗi em theo một chương trình giáo dục dành riêng cho từng cá nhân, chiếm khoảng 14% tổng số học sinh Mỹ.
Ngoài một số em thích nghi tốt khi học ở nhà, hầu hết không bắt kịp. Khi các trường học đóng cửa mùa xuân năm ngoái, phụ huynh phải đảm nhận việc dạy dỗ con cái. Gánh nặng đặc biệt đè lên những người có con em khuyết tật nặng.
Lisa phải bỏ công việc huấn luyện viên thể chất để chăm sóc con trai Maki và con gái Bella 9 tuổi bị bại não. Ở nhà với con, Lisa vừa làm cha mẹ, vừa là giáo viên, nhà trị liệu, bác sĩ lâm sàng, cố vấn hướng dẫn, đầu bếp lẫn lao công, khiến cô cảm thấy như "đang chết dần từ bên trong".
Giới chức nhà trường hiểu rằng học sinh khuyết tật đang gặp khó khăn nhất. Vì vậy, khi bắt đầu cho trẻ trở lại lớp, họ đặt học sinh khuyết tật lên hàng đầu. Nhưng tiến độ rất chậm. Không phải lúc nào cũng có sẵn giáo viên.
Các trường học hầu như không bao giờ có đủ giáo viên giáo dục đặc biệt. Nhiều học khu phải thuê những người không có bằng cấp. "Kết quả là, những học sinh khuyết tật có nhu cầu lớn nhất thường được dạy bởi những giáo viên kém chất lượng nhất", báo cáo năm 2020 của Viện chính sách học tập có trụ sở tại California kết luận.
Các trường học cũng thường xuyên thiếu bác sĩ chuyên khoa ngôn ngữ, những người huấn luyện trẻ em gặp khó khăn trong giao tiếp, các nhà trị liệu thể chất làm việc với những em gặp khó khăn trong đi lại.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch, khi những lao động này không thể tới nhà học sinh. Một số học khu có thể cung cấp dịch vụ đặc biệt này trực tuyến song hiệu quả không cao.
Moet Archer, nhà tư vấn giáo dục đặc biệt ở thành phố Atlanta, bang Georgia, đã tới hỗ trợ trực tiếp một số học sinh trong đại dịch. Nhưng điều đó có nghĩa bà mẹ đơn thân 42 tuổi phải để lại hai cô con gái tuổi teen khuyết tật học một mình ở nhà, không có người giám sát.
Alaya Manning, 15 tuổi, mắc chứng tự kỷ. Kỹ năng nói và ngôn ngữ của em bị suy giảm. Em gái của Alaya, Aryanna Manning, 14 tuổi, bị khiếm thính. Trong thời gian dài, trường học với hai em là máy tính và ghế sofa trong phòng khách.
Alaya và Aryanna cảm thấy bị cô lập, sợ hãi và học được rất ít. Aryanna không dám nói trong lớp học trực tuyến sau lần bị các bạn cười nhạo do đặt những câu hỏi quá đơn giản.
Hai cô bé đã trở lại trường học bán thời gian vào mùa xuân này nhưng Archer cho hay các con của cô bị thụt lùi. Alaya luôn càu nhàu khi trả lời các câu hỏi, còn Aryanna mất kỹ năng toán học và đang quên những thứ đơn giản, như các ngày trong tháng. Điểm số của hai chị em giảm mạnh. Cả hai nói không thích đến trường.
Trong khi hầu hết học khu phải vật lộn để giúp học sinh khuyết tật, một số nơi thích nghi được. Học khu Sun Prairie ở bang Wisconsin có 8.400 học sinh, trong đó 1.333 em là trẻ khuyết tật gồm tự kỷ, chấn thương sọ não và suy giảm thị lực.
Giám đốc giáo dục đặc biệt, Jennifer Apodaca, cho biết các giáo viên đã thay đổi kế hoạch học tập cá nhân cho từng học sinh khuyết tật để các em học hiệu quả trong thế giới ảo. Họ tạo ra các video hướng dẫn cha mẹ và người chăm sóc, gặp gỡ online thường xuyên để đưa ra lời khuyên về cách hỗ trợ trẻ.
"Chúng tôi đã học được tầm quan trọng của công nghệ đối với từng học sinh, bất kể mức độ khiếm khuyết của các em như thế nào", bà Apodaca nói, lưu ý rằng học sinh khuyết tật đã trở nên thành thạo với các công cụ trực tuyến.
"Chúng tôi đã học được cách làm những điều đáng kinh ngạc trong hoàn cảnh của mình", bà Apodaca chia sẻ.
Trường học ảo mang lại lợi ích cho một số học sinh khuyết tật. Ryan Desai ở quận Loudoun, bang Virginia, luôn khác biệt ở trường. Cậu sinh ra với căn bệnh xương hiếm gặp khiến bàn tay cứng và sưng lên, các khớp chính bị cong.
Cậu bé 9 tuổi đi khắp hành lang của trường bằng một chiếc xe lăn có động cơ và gặp phải vô số rào cản để hòa nhập. Khi những đứa trẻ khác ngồi thành vòng tròn, cậu phải ở trên xe lăn. Nhưng trong trường học ảo, Ryan không còn cảm thấy mình "ngoài cuộc".
"Thằng bé thấy mình là một phần của lớp học", Bobbi Desai, mẹ của Ryan, nói. "Đó là điều tôi chưa từng thấy trước đó".
Tháng 9 năm ngoái, Ryan mặc một chiếc sơ mi và tự lăn xe đến trước lò sưởi của gia đình. Cậu nhìn vào máy quay, hít thở sâu và bắt đầu: "Xin chào mọi người, thật tốt khi được ở đây. Tớ là Ryan Desai. Tớ muốn trở thành lớp trưởng".
Ryan nói cậu đang ứng cử cho chức lớp trưởng vì muốn giúp mọi người thành công trong việc học online và để "yêu thương mọi người nhiều hơn". Cuối cùng, Ryan được chọn.
Ở quận Arlington, bang Virginia, cha mẹ của Maki vẫn lo lắng về tương lai của con trai. Reed, bố của Maki, cho biết cậu bé tiếp tục gặp ảo giác và lảm nhảm về những cầu thủ bóng đá yêu thích, hoặc một cảnh trong phim Người dơi. Nói nhảm là một dạng biểu hiện mà một số trẻ em trong phổ tự kỷ làm khi chúng cảm thấy căng thẳng. Việc này giúp Maki bình tĩnh lại.
Cậu bé hiện ở trường với các học sinh khác bốn ngày một tuần và nhà trường cố gắng giảm thời gian sử dụng iPad của em. Tại một cuộc họp hồi tháng 5, các giáo viên nói với bố mẹ Maki rằng cậu đã tụt hậu một năm về kỹ năng đọc trong đại dịch.
Nhưng với Reed, điều ám ảnh tâm trí anh nhất là cảnh một ngày trước sinh nhật thứ 9 của Maki hồi tháng 11 năm ngoái. Anh vừa tắm xong cho con trai. Maki nhìn vào hư vô, khi bố đang quấn khăn cho mình. Cậu bé nói: "Bố ơi, con có thể chết vào sinh nhật của con không?"
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngày đều tồi tệ với Maki. Gần đây, Lisa đã cố gắng thu hút sự tập trung của con trai với bài tập ở trường. Đứng trong nhà bếp của gia đình, cô yêu cầu con bắt chước hành động mở rộng hai cánh tay và đưa từng cánh tay vào lại rồi lần lượt chạm vào mũi.
"Thật khó," Maki nói với mẹ và thấy mẹ gật đầu. Cậu bé sau đó cúi xuống một tờ giấy in bài toán và làm đúng tất cả phép tính trừ.
Theo vnexpress.net