Theo báo cáo quốc gia về điều tra NKT năm 2016, Việt Nam hiện có 6,2 triệu NKT, trong đó có trên 60% NKT trong độ tuổi lao động. Đây là một lực lượng không nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cần được bảo đảm về mặt an sinh. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội của NKT còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong vấn đề đóng bảo hiểm xã hội cho NKT.

Bảo hiểm xã hội với NKT

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là công cụ đắc lực của Nhà nước góp phần vào việc phân phối thu nhập quốc dân một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Trong khoảng trên 4,2 triệu NKT trong độ tuổi lao động, có nhiều người ở các dạng tật khác nhau, mức độ khuyết tật khác nhau vẫn có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, xã hội của đất nước. Những cống hiến của họ không chỉ tập trung ở một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể mà đa dạng các loại hình, từ kinh tế, xã hội, văn hoá, công nghệ thông tin…

Anh 1

NKT có quyền được bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH cũng như tất cả những lao động bình thường khác (ảnh minh họa)

Cũng như những lao động khác, NKT khi tham gia vào thị trường lao động đều có nhu cầu được sử dụng các dịch vụ xã hội công bằng, bình đẳng, trong đó có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Là đối tượng yếu thế, kinh tế khó khăn, bất ổn định nên việc tham gia BHXH với NKT lại càng cần thiết. Các chế độ bảo hiểm xã hội khi được thực hiện tốt, đặc biệt trong các trường hợp thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, chế độ hưu trí… sẽ hỗ trợ NKT rất nhiều trong việc ổn định cuộc sống khi gặp rủi ro, khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Hiện nay, theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, NKT bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định khi nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên và có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên.

Theo các chuyên gia kinh tế, BHXH góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động khuyết tật trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê mướn và sử dụng lao động khuyết tật giúp NKT được hoà nhập cộng đồng và đóng góp khả năng lao động vào sự phát triển đất nước.

Đảm bảo an sinh xã hội cho NKT, hiện nay Nhà nước đã tạo điều kiện để NKT thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT và quyền lợi cao nhất là hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT… Mặc dù, theo các chuyên gia nghiên cứu, BHXH cũng góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động khuyết tật trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số lao động là NKT làm việc trong các doanh nghiệp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và NKT tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Giải pháp nâng cao tỷ lệ đóng BHXH cho NKT

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động là NKT tham gia BHXH còn thấp. Trong đó đầu tiên phải kể đến là tính chất nghề nghiệp, công việc của NKT. Do hạn chế về mặt thể chất, NKT phần đông làm việc trong các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mô hình gia đình, khu vực phi chính thức, công việc đơn giản, thu nhập thấp, làm theo thời vụ… nên ít được quan tâm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, họ thiếu chỗ dựa khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp hoặc khi về già không có lương hưu để làm điểm tựa an sinh xã hội. Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của người sử dụng lao động khuyết tật và chính bản thân NKT chưa hiểu biết trong việc chủ động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh cho chính bản thân khi về già. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại càng khó khăn với NKT bởi đa số họ đều nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn.

Để nâng cao tỷ lệ đóng BHXH cho NKT, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhận NKT vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là NKT (từ 30% trở lên) được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với NKT, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là NKT, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.

Anh 2

Hoạt động cấp thẻ BHYT cho NKT của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, NKT và TMC tỉnh Lâm Đồng

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay chính là vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của BHXH trong việc ổn định cuộc sống người lao động khuyết tật. Vì vậy, để giải quyết thực trạng này, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng lao động NKT về việc thực hiện công tác BHXH cho người lao động, trong đó có lao động là NKT. BHXH Việt Nam cần đưa ra các chế độ BHXH ưu tiên về mức hưởng, mức đóng cho lao động NKT. Chính bản thân NKT cần được nâng cao nhận thức về vấn đề NKT có quyền được bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH cũng như tất cả những lao động bình thường khác.

BHXH cho NKT đóng vai trò quan trọng giúp lao động là NKT có sự đảm bảo để ổn định cuộc sống, đặc biệt là hưởng chế độ hưu trí khi về già. Nhà nước cần có nhiều hơn các chính sách giúp NKT hòa nhập và được tham gia lao động trong khu vực chính thức để được đóng BHXH bắt buộc hoặc hỗ trợ họ tham gia BHXH tự nguyện.

Tin liên quan