Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm hơn 7% dân số. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều các quy định của pháp luật có liên quan quy định việc phê duyệt, thiết kế, xây dựng công trình xây dựng, chung cư, hạ tầng xã hội… nhằm đảm bảo NKT được tiếp cận và sử dụng công trình công cộng một cách thuận lợi nhất.
Tuyến đường dành cho người đi bộ ven sông Tô Lịch đã được rào chặn các phương tiện như xe máy, xe đạp và vô tình khiến NKT vận động gặp khó khăn khi tham gia. |
Cùng với đó, Bộ Xây dựng đã ban hành các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm về xây dựng các công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng như: Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về Nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng…Trong đó Thông tư số 21/2014/TT-BXD, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế, tại Việt Nam, các công trình công cộng, hạ tầng giao thông chưa chú trọng đến nhóm người yếu thế trong xã hội. Điển hình là các tuyến phố chưa đồng bộ xây dựng đường dành cho người khiếm thị, trong khi đó, vỉa hè năm nào cũng được đầu tư hàng tỷ đồng để lát lại gạch. Được biết, gạch lát phải là gạch có gờ nổi, được lát dọc theo hướng người đi, đến chỗ chuyển hướng phải có nút tròn báo chuyển hướng. Khi chuyển hướng cho người đi sang đường phải được dẫn trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường… Tuy nhiên một số tuyến đường đã xây dựng nhưng lại chưa đúng kỹ thuật, nhiều đường dẫn không trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường, nhiều đường đã đâm thẳng vào hộp kỹ thuật điện, hoặc chỗ đậu xe ô tô.
Tại một số Trung tâm thương mại, công viên, khách sạn đã làm đường lên cho NKT nhưng lại thiếu nhà vệ sinh đáp ứng đúng yêu cầu, nhân viên phục vụ chưa được đào tạo các kỹ năng khi phục vụ nhóm đối tượng NKT.
Đáng chú ý, các công trình như trường học, bệnh viện, bưu điện, bảo tàng, nhà hát… có ít hạng mục hỗ trợ lối đi, thiếu các biển chỉ dẫn đáp ứng cho NKT, hoặc nếu có thì lại được xây dựng với tâm lý “cho có”, không hề phù hợp với NKT.
Một trong nhiều lý do NKT hiếm khi ra đường là do chúng ta chưa có những làn đường riêng dành cho NKT, vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của NKT.
Theo Luật Người khuyết tật 2010 thì có 6 dạng khuyết tật gồm: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ; Khuyết tật khác. Có thể thấy, Việt Nam hiện chưa đánh giá đúng mức và toàn diện về nhu cầu của 6 nhóm NKT, dẫn đến các công trình công cộng, hạ tầng giao thông cũng chưa được xây dựng đồng bộ, đảm bảo NKT sử dụng và tiếp cận được.
Chỉ lác đác một vài tuyến phố có làn dành cho NKT khiếm thị. |
Chị Lê Hương Giang – Nữ MC khiếm thị đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, việc tham gia giao thông tại Hà Nội với NKT còn gặp quá nhiều khó khăn, các bến xe bus, điểm dừng xe bus chưa có hướng dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị. Do vậy, tôi từng lên nhầm xe, hoặc bị thương trong quá trình di chuyển lên xe. Ngoài ra, việc sử dụng gậy dò đường ở đường phố Hà Nội cũng không hiệu quả, các xe máy, ô tô thường xuyệt chẹt qua làm gãy gậy dò đường của tôi. Khi đến trường, may mắn là thang máy có tín hiệu chỉ dẫn bằng âm thanh giúp tôi lên đúng tầng mình cần. Tuy nhiên, tôi từng biết nhiều NKT vận động gặp khó khăn khi di chuyển trên đường, tại các trung tâm thương mại… và cũng khó tìm được hướng dẫn từ các biển cảnh báo, hướng dẫn.
Bàn về thực trạng trên, KTS Khương Duy Thanh – Giám đốc Cty CP Chuẩn bị làm nhà cho rằng: Mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành rất nhiều các văn bản hướng dẫn chi tiết, các tiêu chuẩn thiết kế xây dựng từ lâu (QCVN10:2014/BXD; QĐ 04/2002/QĐ-BXD…) nhưng các công trình, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị thiết kế chưa hoàn toàn chấp hành đầy đủ.
Theo đó, việc dẫn đến thực trạng trên do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, về tính thương mại, về bài toán kinh tế, việc thiết kế chuẩn chỉ cho NKT sẽ tốn thêm chi phí đầu tư, thêm chi phí bảo dưỡng, quản lý, mà họ cho rằng hiệu quả đầu tư không cao, do đó việc cắt giảm, bỏ lơ, hoặc làm qua loa, đối phó là chuyện dễ hiểu. Thứ hai, những đơn vị thiết kế chưa nghiên cứu sâu sắc và chú trọng đến hành vi, nhu cầu thực sự của những người sử dụng công trình. Các KTS, hay những đơn vị thiết kế có thể làm nên những công trình có thẩm mỹ, những công trình bền chắc, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, nhưng việc thiết kế có đầu tư nghiên cứu tính xã hội, và hiểu rõ bản chất công trình “Để làm gì? Phục vụ ai?” thì chưa cao! Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu ban đầu, từ hiểu rõ và sâu sắc những đối tượng mà công trình của ta thiết kế phục vụ, thì chúng ta mới đưa ra được những thiết kế vừa hài hòa các yếu tố trên mà vẫn đảm bảo phần hồn nhân văn được.
Vỉa hè gập ghềnh đang “bẫy” NKT và có thể khiến họ bị thương nếu không có sự giúp đỡ của những xung quanh. |
Đặc biệt, một số công trình được thiết kế theo kiểu đối phó, cho có một cách kệch cỡm. Ví dụ như có tuyến đường, vỉa hè thiết kế vạch kẻ nổi cho người khiếm thị, nhưng lại bị chắn ngang bởi tủ điện, ghế chờ xe buýt, trụ đèn, gốc cây… không khác gì đánh đố họ vậy.
Nguyên nhân thứ ba có thể là do thi công cẩu thả, thực tế cũng có nhiều công trình đã chú trọng phục vụ cho NKT, nhưng sau khi thi công xong thì mất chức năng của những hạng mục này, do làm cẩu thả, chưa đúng kỹ thuật.
Một nguyên nhân quan trọng không kém là do việc quản lý chưa chặt chẽ. Cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tất cả các khâu quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu… cần được chủ đầu tư chú trọng đến các hạng mục dành cho NKT. Nếu chủ đầu tư không quan tâm đầy đủ, thậm chí bỏ thẳng đi, thì tất nhiên đơn vị thiết kế, thi công không xây dựng, sau đó lại dùng phương án qua loa để đối phó với cơ quan thẩm định. Vì lẽ đó, công tác quản lý, kiểm tra cần được thực hiện chặt chẽ, quyết liệt, như vậy các công trình hiện nay mới đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của NKT được.
PGS. TS Trần Chủng cũng từng chia sẻ về việc khi thiết kế, xây dựng cần theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn Bộ Xây dựng đã ban hành. Theo đó KTS, đơn vị thiết kế phải đặt mình ở địa vị NKT để biết họ sẽ cần sử dụng những gì, để bố trí thuận tiện, hợp lý. Nhiều KTS, đơn vị thiết kế rất “vô cảm”, họ xây các nhà vệ sinh, bãi đỗ xe cho NKT nhưng NKT lại khó tiếp cận, không thể sử dụng được. Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra thường xuyên những khu vực phục vụ cho NKT.
Có thể thấy, chúng ta phải nhận định rõ ràng, ngoài việc cần được ưu tiên là tháo gỡ những rào cản xã hội để NKT được hòa nhập làm việc, sinh hoạt, vui chơi như những người bình thường thì họ còn là nhóm đối tượng đem lại giá trị kinh tế, là một nguồn lực lao động lớn mà chúng ta đang lãng phí.
Như vậy, để xây dựng một đô thị bền vững, chúng phải cung cấp cho NKT những tiện ích phù hợp, phá bỏ những rào cản nhằm phát huy tiềm lực của NKT. Một số giải pháp có thể kể đến như: Nâng cao tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý; Tập huấn đều đặn cho KTS, kỹ sư, các đơn vị, tổ chức thiết kế, xây dựng, quản lý Xây dựng. Đồng thời thắt chặt và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý, thẩm định, phê duyệt dự án, công trình…