Ngoài các cơ sở y tế thì việc giúp nạn nhân chất độc hóa học chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng cũng là hướng mà dự án Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin giai đoạn 2018 - 2021, đang ưu tiên triển khai.
Dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm, nhưng nỗi đau, vết thương do chất độc hóa học (CÐHH) mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam vẫn đang gây nhiều tác hại, ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe hàng triệu người dân Việt Nam và di chứng lâu dài cho các thế hệ con, cháu của những quân nhân, người dân bị phơi nhiễm với CÐHH/đi-ô-xin. Ước tính có hàng triệu người bị phơi nhiễm CÐHH và nồng độ đi-ô-xin sống trong các vùng ô nhiễm CÐHH ở mức cao và rất cao. Có hàng trăm nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị mắc bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến CÐHH hằng ngày phải sống chung với bệnh tật, đau đớn về thể chất và tinh thần, do đó rất cần sự chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng (PHCN) thường xuyên.
Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân CÐHH/đi-ô-xin và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật là nhu cầu cấp thiết. Dự án Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân CÐHH/đi-ô-xin đang tích cực triển khai các hoạt động giúp nạn nhân PHCN dựa vào cộng đồng tại 11 tỉnh trong vùng dự án. Qua đó giúp các thành viên gia đình các nạn nhân được nâng cao kiến thức, kỹ năng trong phát hiện sớm và can thiệp sớm các vấn đề về sức khỏe, các kỹ năng chăm sóc, PHCN cho các nạn nhân ngay tại nhà.
Dự án đã triển khai tập huấn và thực hiện hướng dẫn cho nạn nhân và người nhà nạn nhân về các kỹ thuật phát hiện sớm, can thiệp sớm và PHCN cho nạn nhân, người khuyết tật. Theo đó, cán bộ y tế xã, cộng tác viên, thành viên Hội nạn nhân, người nhà nạn nhân CÐHH trong vùng dự án được chuyển giao kiến thức và kỹ thuật phát hiện sớm, chăm sóc và PHCN cho nạn nhân và người khuyết tật. Ðến nay, tại 11 tỉnh trong vùng dự án (Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Ðồng Tháp, Bến Tre) đã tổ chức hàng trăm lớp với hàng nghìn nạn nhân, người nhà nạn nhân, cán bộ y tế xã, cộng tác viên được hướng dẫn cách phát hiện, chăm sóc và PHCN cho nạn nhân và người khuyết tật.
Gia đình nạn nhân, người khuyết tật trong vùng dự án được tư vấn, phát hiện, chăm sóc sức khỏe và PHCN, được tiếp cận với các dịch vụ phù hợp để hòa nhập cộng đồng. Theo đó, mỗi tỉnh trong vùng dự án chọn một huyện, mỗi huyện chọn nạn nhân của tất cả các xã. Căn cứ danh sách nạn nhân đã được khảo sát sau khi được khám sàng lọc, căn cứ thực trạng bệnh tật, chỉ định chăm sóc và nhu cầu chăm sóc PHCN tại nhà để thực hiện nội dung này. Cán bộ trạm y tế lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho nạn nhân tại nhà. Trong khi đó, người nhà và cộng tác viên hỗ trợ thực hiện các công việc: Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa khuyết tật cho nạn nhân; xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp; cách sử dụng các kỹ thuật PHCN đơn giản tại nhà; hướng dẫn sử dụng dụng cụ trợ giúp hoặc làm các dụng cụ hỗ trợ đơn giản tại nhà... Khi có vấn đề về sức khỏe, cần được sơ cứu tại chỗ, gia đình biết cách liên hệ và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được can thiệp; đồng thời cải thiện môi trường sống trong và quanh nhà để nạn nhân dễ dàng tiếp cận (nhà bếp, nhà vệ sinh, buồng ngủ, lối đi lại quanh nhà…); giúp nạn nhân cùng tham gia các đợt vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, mua sắm…
Đến nay, tại 11 tỉnh tham gia dự án có 2.200 cán bộ y tế xã và cộng tác viên được tập huấn đã đến hướng dẫn và tập luyện tại nhà cho 5.500 nạn nhân, người khuyết tật. Các nghiên cứu, khảo sát cho thấy có khoảng 40% số nạn nhân CÐHH/đi-ô-xin, người khuyết tật tại cộng đồng có nhu cầu tư vấn sức khỏe và PHCN được cán bộ y tế và tình nguyện viên, người nhà hướng dẫn, theo dõi các vấn đề về sức khỏe.