Thiếu việc làm, giảm thu nhập, thiếu sự quan tâm và chăm sóc y tế, gặp khó khăn nhiều hơn trong việc hoà nhập cộng đồng… đó là những vấn đề mà những người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung gặp phải trong đại dịch Covid – 19.

Làm thế nào để bảo vệ an sinh cho NKT trong đại dịch?  Đó cũng là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Người khuyết tật bị ảnh hưởng nặng nề

Chị Nguyễn Thị Thu (Nam Sách – Hải Dương) bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ. Không đi lại được, cả đời chị chỉ biết gắn bó với chiếc xe lăn. Ngoài khoản trợ cấp cho người khuyết tật hàng tháng, để giảm bớt khó khăn trong gia đình và có thêm thu nhập chị Thu nhận việc đan nát về nhà làm. Tuy nhiên, từ khi có dịch bệnh Covid – 19, sản phẩm thủ công của xưởng chị làm không xuất khẩu được, đồng nghĩa với việc cả chục công nhân trong xưởng bị mất việc trong đó có chị.

Nỗ lực bảo vệ nhóm người yếu thế trong cộng đồng ASEAN - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội (Việt Nam). I.T

 "Dịch bệnh khiến cho cuộc sống của gia đình tôi khó khăn thêm gấp bội, bố mẹ tôi thu nhập giảm, tôi thì bị mất việc. Chi tiêu ăn uống buộc phải tiết kiệm hết mức có thể", chị Thu nói.

Chị Thu chỉ là 1 trong số hàng trăm triệu NKT trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid – 19. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc , người khuyết tật là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Tại Việt Nam, theo kết quả đánh giá của Liên hợp quốc trong cuộc thăm dò đối với người khuyết tật mới đây cho thấy 82% người trả lời đề cập đến quan tâm bảo vệ sức khỏe của mình trong đại dịch Covid-19..

Bên cạnh đó, 28% người trả lời cho biết thu nhập của họ giảm trong tháng 3/2020. Hậu quả là 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, đồng nghĩa với việc thêm 21% người khuyết tật ở mức thu nhập này so với giai đoạn trước đó từ tháng 2/2019 đến tháng 2/2020. Vì vậy, nhiều người khuyết tật đã rơi vào cảnh đói nghèo. 28% người trả lời cho biết họ đang sử dụng tiền tiết kiệm trong thời gian khó khăn này.

Về việc làm, có tới 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc. Trong số những người vẫn đang làm việc, 59% bị giảm thu nhập…

Thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ người khuyết tật

Không chỉ ở Việt Nam, NKT trong khối ASEAN cũng chịu những tác động nặng nề tương tự. Tại khu vực ASEAN có hơn 625 triệu người dân, trong đó có khoảng 100 triệu NKT - chiếm 16% dân số khu vực. Thời gian qua, các nước thành viên ASEAN luôn dành sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến NKT. Điều này được thể hiện ở việc 10 nước thành viên đều đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT.

Nỗ lực bảo vệ nhóm người yếu thế trong cộng đồng ASEAN - Ảnh 2.

Tỉnh Thái Bình tổ chức cấp phát gạo miễn phí cho người khuyết tật bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. TTXVN

Các Nhà Lãnh đạo ASEAN cũng đã ban hành và thông qua nhiều văn kiện, Tuyên bố về NKT… Cùng với đó, ASEAN đã và đang thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cho NKT, chú trọng thúc đẩy phát triển hòa nhập và sự tham gia của NKT trong Cộng đồng ASEAN; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong thực hiện các quyền của NKT.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch của ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN thúc đẩy các sáng kiến của ASEAN về ứng phó Covid-19 như: xây dựng Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19; thiết lập Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế; đề xuất Quy trình chuẩn của ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; thành lập Trung tâm ASEAN về dịch bệnh mới nổi và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp; xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Việt nam trong việc hỗ trợ người yếu thế trong đại dịch, lãnh đạo ngành LĐTBXH cho biết: Tại Việt Nam, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, để kịp thời hỗ trợ cho người dân, Chính phủ Việt Nam đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có với tổng kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng gồm: người lao động bị giảm việc, mất việc, thất nghiệp, NKT; người sử dụng lao động, hộ kinh doanh cá thể có khó khăn về tài chính; các hộ nghèo, hộ cận nghèo; các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.

Nỗ lực bảo vệ nhóm người yếu thế trong cộng đồng ASEAN - Ảnh 3.

Cộng đồng người khuyết tật trong khối ASEAN gặp nhiều khó khăn. I.T

Bên cạnh đó, theo bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam, bên cạnh các kênh truyền thông đại chúng, Liên hiệp hội và các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực thúc đẩy công tác thông tin, tuyên truyền đến các hội viên để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và kịp thời về cách phòng chống sự lây lan của dịch bệnh…

Cùng với đại diện của Việt Nam, các nước thành viên ASEAN cũng chia sẻ và thống nhất các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với người khuyết tật; việc triển khai Kế hoạch Tổng thể về lồng ghép quyền của người khuyết tật trong ASEAN đến năm 2025 vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; Cũng như việc đảm bảo các biện pháp ứng phó trong và sau đại dịch cho người khuyết tật; những sáng kiến và hoạt động nhằm hỗ trợ, cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật và gia đình của họ…

Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN 2020 là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và cũng là một trong số những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa- Xã hội ASEAN nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Theo danviet.vn

Tin liên quan