Cô Đỗ Thị Âu đã 12 năm dạy miễn phí cho các em học sinh không may mắc các chứng bệnh khiếm thính, tự kỷ... hoặc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Gọi là cô giáo của những trò không được “lành lặn” bởi vì lớp học cô Đỗ Thị Âu, nguyên giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã 12 năm dạy miễn phí cho các em học sinh không may mắc các chứng bệnh khiếm thính, tự kỷ, tật vận động, hoặc các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Không chỉ truyền tải kiến thức bằng lời nói, chữ viết, lớp học của cô Âu phải có sự kiên trì và đôi khi phải dùng ký hiệu trong cách diễn đạt với sự dạt dào của cái tâm với nghề mới có thể dạy được.
Lớp học miễn phí cô Âu dạy có nhiều học sinh ở các lứa tuổi và chứng bệnh khác nhau. |
Trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Âu trải lòng: “Tôi rất thương các em học sinh và cũng cảm thông cho các bậc phụ huynh bởi ai cũng mong con lành lặn, khỏe mạnh.
Các em sinh ra bị khuyết tật đã là thiệt thòi rồi, nên tôi muốn quan tâm, dành tình thương cho các em, chỉ mong dạy các em học được những điều đơn giản nhất để tự lập trong cuộc sống”.
Cô giáo nghèo lặng lẽ làm việc thiện
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng có một nhận định rất nổi tiếng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong trong tất cả các nghề cao quý”.
Sự cao quý, vui vẻ, giản dị và cả những điều trăn trở, đam mê đã theo suốt cuộc đời của cô Âu cũng như những nhà giáo tâm huyết với nghề.
Lần đầu tiên gặp cô giáo Đỗ Thị Âu (ngoài 60 tuổi) tôi khá ấn tượng về hình ảnh một cô giáo có vẻ ngoài mộc mạc đến lam lũ, dáng vẻ gầy gộc, nhưng luôn trò chuyện cởi mở, nụ cười hiền từ.
Hiện nay, cô Đỗ Thị Âu đã được nghỉ hưu theo chế độ của nhà nước nhưng bên cạnh việc vui tuổi già với con cháu của mình thì cứ mỗi thứ 7, chủ nhật hàng tuần cô lại đạp chiếc xe đạp “cũ kỹ” vào chùa dạy học cho các em học sinh khuyết tật.
Cô giáo Đỗ Thị Âu (ngoài 60 tuổi) với vẻ ngoài mộc mạc, nụ cười hiền từ… luôn sẵn lòng đạp xe tới lớp dạy học miễn phí mỗi tuần. |
Việc dạy các em khuyết tật khó khăn hơn gấp nhiều lần với học sinh bình thường, bởi nhận thức chậm, phát âm không chuẩn, có em lại hay nổi nóng và nhiều hành vi khác nữa…
Để làm được việc này, người giáo viên cần phải thật sự kiên trì, phải am hiểu học sinh và có tấm lòng bao dung, có tình yêu thương, sự thông cảm rất lớn đối với các em.
Lớp học miễn phí mà cô Âu cùng nhiều cô giáo khác đã nghỉ hưu đang dạy các cô giáo không đơn thuần là dạy học mà còn kiêm rất nhiều công việc mà có lẽ họ chỉ có thể hoàn thành với tấm lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ.
Cô Âu từng có 37 năm dạy học tại Trường tiểu học Đông Sơn, (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), sau khi nghỉ hưu lại gắn bó luôn với lớp học tình thương, tới nay đã được 12 năm.
Cô tâm sự rằng: “Thời gian đầu khi mới đi dạy lớp học tình thương nhiều người cũng khuyên ngăn tôi nhưng tôi không đồng tình. Điều vui nhất của tôi là được nhìn thấy các em học sinh biết đọc, biết viết.
Càng gắn bó với các con ở lớp học tôi càng thương yêu các con hơn và cảm thông với những gia đình không may có con bị khuyết tật”.
Bằng sự đồng cảm, tình yêu với các con, sự nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người mà cô đã không quản ngại mưa nắng hay vất vả… mỗi thứ 7, chủ nhật hàng tuần cô lại đạp xe đạp tới lớp dạy chữ cho những học sinh không được “lành lặn”.
Đối với những học sinh nhận thức chậm cô Âu luôn sẵn lòng kèm cặp, cầm tay ân cần hướng dẫn các em cho tới khi viết thành thạo. |
Chắp cánh ước mơ cho học sinh không được “lành lặn”
Cô giáo Đỗ Thị Âu trải lòng với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những học sinh của lớp mình: “Có những em dạy phải kèm với dỗ dành, cho kẹo. Có những em đang học trong lớp, vệ sinh cá nhân không tự chủ được, rớt dãi chảy quanh miệng, tôi đưa các em đi tắm, giặt rồi mới quay lại học bài.
Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy ngoài giờ lên lớp tôi cũng phải học hỏi kinh nghiệm của những người đồng nghiệp đi trước. Từ đó, mình rút ra những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em”.
Tiếng lành đồn xa, những gia đình có con khuyết tật không thể đến trường đã lần lượt mang con đến xin học. Thời điểm cao nhất có hơn 60 học sinh từ nhiều xã trong huyện theo học.
Bên cạnh đó, lớp học của các cô còn nhận cả các cháu học chậm, nhà nghèo, học sinh ngồi nhầm lớp… theo học.
“Cảm động tấm lòng cô giáo không nghỉ hưu” gần 50 năm cho sự nghiệp trồng người |
“Thương các con thì đến dạy chứ không lấy bất kỳ đồng công nào cả. Nhiều lúc cô giáo còn đưa các con đi về.
Nhiều khi học sinh đông quá, phải kê thêm bàn cho các em ra ngoài sân chùa để học”, cô giáo Âu chia sẻ.
Lớp học mặc dù còn nhiều khó khăn, máy móc, công cụ hỗ trợ cho học sinh còn thiếu thốn nhưng với tình thương dành cho học sinh khuyết tật, lớp học vẫn đang hàng ngày cố gắng, nỗ lực để dìu dắt các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Sau 12 năm giảng dạy miễn phí ở lớp học tình thương, cô giáo Âu vui mừng khi thấy các em đọc thông, viết thạo và hoà nhập với bạn bè ở trường.
Với rất nhiều thành tích cũng như những cống hiến thầm lặng của cô Đỗ Thị Âu đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên nhân dân cống hiến và tận tụy.